00:00
00:00
00:00

Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Các hành vi "chung chi", "lót tay" có xu hướng giảm

Thái Hải

Thứ ba, 15/04/2025 - 11:23

(Thanh tra) - Công bố chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam PAPI 2024 vào ngày 15/4, do Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ cộng đồng phối hợp với UNDP tổ chức, cho thấy, năm 2024, các hành vi "chung chi", "lót tay" hay chi phí không chính thức khi cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cung cấp các dịch vụ công cho người dân, có xu hướng giảm.

Toàn cảnh buổi công bố. Ảnh: Thái Hải

Ghi nhận nỗ lực mạnh mẽ của chính quyền các cấp trong kiểm soát việc nhận hối lộ 

Báo cáo nhấn mạnh tham nhũng vẫn là vấn đề người dân quan ngại nhất, mặc dù hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công đã có những cải thiện nhất định trong năm 2024.

Năm 2024, tỷ lệ người dân cho rằng tham nhũng là vấn đề cần được Nhà nước ưu tiên giải quyết trong thời gian tới là 22,58%, mức cao nhất kể từ năm 2015, thời điểm PAPI bắt đầu khảo sát ý kiến người dân về những vấn đề đáng quan ngại nhất trong năm. 

Tuy nhiên, theo đánh giá của người dân về hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công ở địa phương, thể hiện qua sự gia tăng của điểm chỉ số nội dung 4 (kiểm soát tham nhũng trong khu vực công) trong năm 2024, các hành vi nhận "chung chi", "lót tay" hay chi phí không chính thức khi cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cung cấp các dịch vụ công cho người dân, có xu hướng giảm.

"Kết quả này có sự khác biệt so với mối quan ngại về tham nhũng trong dư luận năm 2024, thời điểm nhiều vụ án đại tham nhũng được đưa ra xét xử và có nhiều thông tin sâu rộng về nỗ lực chống tham nhũng ở cấp quốc gia" - báo cáo nêu.

Báo cáo điểm nội dung thành phần "Quyết tâm chống tham nhũng của chính quyền địa phương", vốn giảm liên tục từ năm 2021 đến 2023, cũng đã tăng lên và đạt 1,99 điểm vào năm 2024. 

Chỉ số nội dung thành phần "Công bằng trong tuyển dụng vào khu vực Nhà nước" cũng có mức gia tăng đáng kể năm 2024 (1,26 điểm). 

"Kết quả này cho thấy người dân ghi nhận những nỗ lực mạnh mẽ hơn của chính quyền các cấp trong kiểm soát việc nhận hối lộ và "vị thân" trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công trong năm 2024" - báo cáo nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, người dân cho rằng tham nhũng trong khu vực công đang giảm ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp xã.

"Lót tay" để được nhận vào làm trong Nhà nước vẫn ở mức cao

Báo cáo cũng chỉ ra, khảo sát PAPI năm 2024 cho thấy cảm nhận người dân về hành vi tham nhũng đã tích cực hơn. Tỷ lệ người trả lời đồng ý với nhận định rằng "chung chi", trả tiền ngoài quy định khi sử dụng một số dịch vụ hành chính công và dịch vụ công thấp hơn; số người đồng ý với nhận định rằng công chức dùng tiền công quỹ cho mục đích riêng vẫn ở mức thấp trong năm 2024.

Một số tiêu chí cũng ghi nhận sự thay đổi tích cực đáng chú ý, thể hiện qua giảm dần trong các tỷ lệ như: Người dân phải đưa chi phí không chính thức để giải quyết xong một vụ án dân sự ở toà án địa phương (27,5% năm  2015, giảm 23,1% năm 2024); doanh nghiệp đưa lót tay để giảm nghĩa vụ bảo vệ môi trường (33,7% năm 2015, giảm 22,1% năm 2024); người bệnh/ người nhà bệnh nhân phải chi thêm tiền để được quan tâm khi đi khám, chữa bệnh ở bệnh viện công tuyến huyện (32,8% năm 2015, giảm xuống còn 25,5% năm 2024)...

Tuy nhiên, tỷ lệ người dân trả lời cho biết, vẫn phải "lót tay" để được nhận vào khu vực Nhà nước vẫn ở mức cao trong suốt những năm qua (51,3% năm 2015; 48,4% năm 2017; 33,8% năm 2024).

Khảo sát cũng cho thấy, tham nhũng trong xử lý thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cấp huyện và hiện tượng cán bộ chính quyền biển thủ công quỹ không thay đổi so với năm 2023 (năm 2023 là 17,9%; 2024 là 18%). 

Kết quả này cũng thể hiện ở việc số lượng người dân đã phải đưa hối lộ để đẩy nhanh thủ tục khi làm hố sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trở nên phổ biến hơn trong năm qua, với mức tăng từ 15% năm 2023 lên đến 20% năm 2024.

Tuy nhiên, kết quả các trường hợp đã phải hối lộ để nhận được sự đối xử tốt hơn tại bệnh viện công tuyến huyện hoặc để con em mình nhận được sự ưu ái của giáo viên tại trường tiểu học công lập giảm mạnh trong năm 2024...

Phát hiện từ khảo sát PAPI nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của việc tiếp tục tăng cường nỗ lực phòng, chống tham nhũng có hệ thống, trong đó các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện các biện pháp công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, nghiêm túc tuân thủ và thực hiện các quy định của pháp luật liên quan, bảo vệ người tố giác, thúc đẩy quản trị điện tử, nâng cao hiệu quả giám sát và bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của người dân.

Báo cáo cũng khuyến nghị chính quyền tiếp tục ưu tiên xử lý các hành vi tham nhũng "vặt" ở cấp địa phương, đồng thời giải quyết mối quan ngại của người dân về những vụ việc tham nhũng lớn nhằm duy trì và củng cố niềm tin của công chúng vào nền quản trị công.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Các hành vi "chung chi", "lót tay" có xu hướng giảm

Các hành vi "chung chi", "lót tay" có xu hướng giảm

(Thanh tra) - Công bố chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam PAPI 2024 vào ngày 15/4, do Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ cộng đồng phối hợp với UNDP tổ chức, cho thấy, năm 2024, các hành vi "chung chi", "lót tay" hay chi phí không chính thức khi cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cung cấp các dịch vụ công cho người dân, có xu hướng giảm.

Thái Hải

11:23 15/04/2025

Tin mới nhất

Xem thêm