Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Xử lý vi phạm an toàn thực phẩm: Cần chế tài đủ mạnh

Phương Anh

Thứ ba, 21/05/2024 - 11:05

(Thanh tra)- Hằng năm, các cơ quan tiến hành nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm (ATTP), song vi phạm về ATTP vẫn phổ biến, các vụ ngộ độc thực phẩm vẫn liên tiếp xảy ra.

Ảnh minh hoạ: Interrnet

Theo Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP, trong năm 2023, công tác thanh tra, kiểm tra về ATTP được triển khai theo hướng tập trung vào những vụ việc cụ thể, hạn chế dàn trải, đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nhiều vi phạm.

Theo đó, ngành Y tế kiểm tra hơn 382.000 cơ sở, phát hiện 34.500 cơ sở vi phạm, trong đó xử lý 14.100 cơ sở, số tiền phạt khoảng 44,4 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp thanh tra hơn 19.300 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản, xử phạt hơn 1.600 cơ sở với số tiền 14,4 tỷ đồng.

Trong khi đó, ngành Công thương kiểm tra hơn 8.300 vụ, xử lý hơn 6.770 vụ việc vi phạm, phạt 36,3 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tịch thu là 31,6 tỷ đồng. Còn lực lượng cảnh sát môi trường phát hiện, xử lý hơn 7.100 vụ, tổng số tiền phạt là hơn 31 tỷ đồng.

Riêng trong quý I/2024, Cục ATTP (Bộ Y tế) đã xử phạt 1 cơ sở với 6 hành vi vi phạm, tổng số tiền phạt là hơn 11 tỷ đồng; chuyển cơ quan công an 1 vụ việc liên quan đến sản xuất, buôn bán sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có chứa chất cấm; 1 vụ việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe là hàng giả.

Tuy nhiên, kết quả trên cũng cho thấy, mặc dù thanh, kiểm tra nhiều song vi phạm trong lĩnh vực ATTP vẫn phổ biến, các vụ ngộ độc thực phẩm vẫn liên tiếp xảy ra. Phải chăng, chế tài xử lý vi phạm ATTP hiện nay chưa đủ mạnh?

Đáng lưu ý, ngay sau khi các vụ nghi ngộ độc thực phẩm xảy ra, Cục ATTP và Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đều có văn bản gửi Sở Y tế các địa phương nơi xảy ra vụ việc, ngoài tập trung điều trị cho các bệnh nhân thì khẩn trương điều tra, xác minh nguyên nhân gây ngộ độc và truy xuất nguồn gốc thực phẩm, lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để tìm nguyên nhân. Bộ Y tế cũng đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm các vi phạm quy định về ATTP (nếu có).

Nhưng tất cả “đâu lại vào đấy”, sau một thời gian các vụ ngộ độc vẫn xảy ra, nhẹ thì tiêu chảy, nặng thì dẫn đến tử vong. Người tiêu dùng cảm thấy bất an, việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến của các doanh nghiệp, cơ sở chế biến vẫn bị xem nhẹ và coi thường.

Trong khi đó, thực phẩm bẩn vẫn đang hoành hành, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người nhưng việc kiểm tra, phát hiện và xử lý thực phẩm bẩn chưa được như kỳ vọng, chưa đủ sức răn đe. Đâu đó, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng vẫn chưa được triệt để, cùng với đó là ý thức một bộ phận người dân còn dễ dãi trong lựa chọn, tiêu dùng thực phẩm… Vì thế rất cần phải có những chế tài thật mạnh để xử lý những vi phạm về ATTP của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.

Hằng năm, Bộ Y tế - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP ban hành các kế hoạch triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về ATTP, giao trách nhiệm cụ thể cho các bộ quản lý Nhà nước về ATTP (Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương), các bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai công tác bảo đảm ATTP theo trách nhiệm được phân công.

Căn cứ kế hoạch hằng năm, các bộ, ngành và địa phương đều tăng cường thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về ATTP, trong đó chú trọng các nội dung vi phạm có diễn biến phức tạp như: Tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không có nguồn gốc, xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, phát hiện và xử lý nhiều vụ việc vi phạm về ATTP.

Chia sẻ về khó khăn trong công tác kiểm soát ATTP, ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục ATTP cho biết, hiện nay lực lượng này còn rất mỏng. Một địa phương chỉ có một chi cục hoặc chỉ là một phòng trong Sở Y tế thực hiện nhiệm vụ. Trong khi đó, số lượng cán bộ của ngành Y tế tại một số tuyến huyện cũng rất khiêm tốn, thậm chí tại tuyến xã, phường chỉ có vài cán bộ y tế làm công tác kiêm nhiệm.

Một bất cập nữa khiến dư luận băn khoăn đặt câu hỏi phải chăng do chế tài xử phạt, xử lý hành vi vi phạm ATTP ở nước ta chưa đủ sức răn đe nên các vụ vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn nhiều, các vụ ngộ độc thực phẩm liên tiếp xảy ra, các chuyên gia trong ngành cho rằng, hệ thống pháp luật về ATTP của Việt Nam được đánh giá là đã tiếp cận với phương thức quản lý tiên tiến của thế giới.

Đặc biệt, bước đầu đã hình thành được hệ thống tổ chức quản lý Nhà nước về ATTP từ Trung ương đến địa phương. Cùng với đó, Luật ATTP đã quy định rõ mức xử phạt vi phạm hành chính về ATTP. Mặc dù vậy, vẫn có những đơn vị cố tình lách luật để kinh doanh, sản xuất sản phẩm không đạt chất lượng nhằm thu lợi bất chính. Do vậy, dù chế tài xử phạt có nặng tới đâu thì vẫn có người vi phạm.

Để kiểm soát ATTP, phòng ngộ độc thực phẩm, thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về ATTP; tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan: Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương… triển khai cụ thể các giải pháp nhằm phối hợp xử lý tình trạng vi phạm về ATTP; tiếp tục công tác truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin để kịp thời cảnh báo thực phẩm không bảo đảm an toàn, công khai cơ sở vi phạm để người dân biết…

Đồng thời nâng cao trách nhiệm của UBND các cấp, nâng cao năng lực cho hệ thống thanh tra ở các địa phương, đào tạo nghiệp vụ cho các cán bộ làm công tác quản lý ATTP ở địa phương về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Về phía người dân, các chuyên gia khuyến cáo, để bảo đảm ATTP nguyên tắc đầu tiên là thực phẩm nên ăn chín. Nấu xong không để quá 4 giờ mới ăn. Đối với thực phẩm mua sẵn, lưu ý về nhãn mác đầy đủ và tuân thủ theo hướng dẫn về vận chuyển, bảo quản của người sản xuất. Mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông thái trong việc đảm bảo sức khoẻ cho bản thân và gia đình.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm