Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hải Hà
Thứ ba, 11/06/2024 - 10:41
(Thanh tra) - Là Trưởng Ban Tiếp công dân tỉnh Bắc Ninh, anh Mai Văn Duẩn còn có thêm "nghề tay trái" là viết báo. Với anh, viết báo không chỉ là "đam mê" mà còn là nghiên cứu để giúp "nghề tay phải" hiệu quả hơn, góp phần nhỏ bé "bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người dân" như lời anh tâm sự.
Anh Mai Văn Duẩn - Trưởng Ban Tiếp công dân tỉnh Bắc Ninh chia sẻ, viết báo không chỉ là "đam mê" mà còn là nghiên cứu để giúp "nghề tay phải" hiệu quả hơn. Ảnh: HH
Tôi đến Trụ sở Ban Tiếp công dân tỉnh Bắc Ninh đúng lúc anh Duẩn đang tiếp dân. Lắng nghe cuộc trao đổi giữa anh và công dân, tôi không khỏi ngạc nhiên bởi nơi đây không có khoảng cách giữa “quan” và “dân”, mà thay vào đó là bầu không khí chân tình, cởi mở, những lời giải thích tận tình, những cái bắt tay thật chặt và kết cục người dân vui vẻ ra về. Tôi hỏi anh bí quyết, anh cười hiền: "Luôn gần dân, coi công việc của người dân như việc của chính mình".
+ Anh gắn bó với công tác tiếp công dân từ khi nào?
- Tốt nghiệp chuyên ngành Luật Tư pháp - Hành chính, tại Đại học Luật Hà Nội, tôi được tuyển dụng vào làm việc tại Thanh tra tỉnh Bắc Ninh.
Tháng 10 năm 2007, tôi được điều động đến Văn phòng Tiếp công dân tỉnh (nay là Ban Tiếp công dân tỉnh) và gắn bó với công tác tiếp dân từ đó đến nay.
+ Bên cạnh “nghề tay phải” làm công tác tiếp dân, anh còn có thêm “nghề tay trái” là viết báo? Anh có thể chia sẻ về “mối duyên” này?
- Với tôi, khi mới về nhận nhiệm vụ, tiếp công dân là một công việc mới mẻ. Để trau dồi kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, tôi thường xuyên theo dõi và tìm đọc một số tạp chí chuyên ngành luật, Tạp chí Thanh tra, Báo Thanh tra. Tôi đặc biệt yêu thích chuyên mục tuyên truyền pháp luật, bạn đọc, khiếu nại, tố cáo trên Báo Thanh tra. Qua mỗi ấn phẩm, tôi đã “bỏ túi” thêm nhiều “bí quyết”, “vỡ ra” nhiều điều, để có thể áp dụng vào công việc chuyên môn.
Thời gian đầu, khi mới bắt tay vào công tác tiếp dân, tôi nhận thấy từ quy định đến thực tiễn còn khoảng cách khá xa. Bởi thực tiễn nảy sinh nhiều tình huống, sự vụ mà pháp luật chưa điều chỉnh, hoặc còn có những mâu thuẫn, bất cập cần được phát hiện, đưa ra trao đổi, kiến nghị, đề xuất hướng sửa đổi, bổ sung, từ đó góp phần hoàn thiện quy định pháp luật, cũng như nâng cao hiệu quả thực thi về tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Để trao đổi những vấn đề như vậy, tôi bắt đầu viết báo…
+ Là Trưởng Ban Tiếp công dân tỉnh với hàng “núi” công việc, hồ sơ, đơn thư, anh dành thời gian nào để viết báo?
- Tiếp công dân là công việc vất vả, đòi hỏi phải có kiến thức pháp luật thật vững để tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu. Ngoài thời gian tiếp công dân, tôi dành thời gian nghiên cứu đơn, hồ sơ để tham mưu, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết vụ việc. Trong những khoảng thời gian này, tôi có thể kết hợp nghiên cứu quy định pháp luật trong từng vụ việc, tình huống cụ thể, từ đó phát hiện những vấn đề cần nghiên cứu trao đổi và làm rõ.
Chẳng hạn, khi nghiên cứu đơn thư tố cáo mà người tố cáo lại là đối tượng do Ban Thường vụ quản lý thì xác định thẩm quyền giải quyết như thế nào? Áp dụng Luật Tố cáo hay quy định của Đảng? Từ đó tôi viết bài “Phân định thẩm quyền giải quyết tố cáo giữa cơ quan hành chính Nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan của Đảng trong tiếp nhận, xử lý đơn thư ở địa phương”.
Hoặc, trong một số quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan hành chính Nhà nước thường có câu “Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký”, tôi nhận thấy không đúng với quy định của Luật Khiếu nại năm 2011, do vậy tôi viết bài “Về thời điểm quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật”…
+ Đến nay, anh đã có bao nhiêu tác phẩm báo chí? Những đề tài, tác phẩm mà anh tâm huyết?
- Tôi bắt đầu viết báo từ năm 2012. Đề tài tôi dành nhiều thời gian và tâm huyết nhất vẫn là lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đến nay, tôi đã viết khoảng 30 bài báo về chủ đề này, đăng chủ yếu trên tạp chí chuyên ngành như Tạp chí Thanh tra, Tạp chí Nội chính, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp.
Đặc biệt, trong số đó, một số bài viết đã được tuyển chọn để xuất bản sách như: Sách chuyên khảo “Thực hiện các quyền hiến định trong hiến pháp năm 2013”, NXB Lý luận Chính trị, năm 2017; “Pháp luật phòng, chống tham nhũng - những vấn đề lý luận và thực tiễn”, NXB Tư pháp, năm 2018; “Kinh nghiệm trong công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư” Tạp chí Thanh tra, NXB Dân trí, năm 2021.
Mỗi bài viết đều là kết quả nghiên cứu lý luận, thực trạng pháp luật và trải nghiệm thực tế. Với tôi, bài viết tâm đắc nhất là những bài viết được đúc kết từ kinh nghiệm thực tiễn, những đề xuất, kiến nghị có tính khả thi, có thể kể đến như: “Xây dựng quy trình giải quyết khiếu nại hành chính hiện nay”; “Về đổi mới mô hình giải quyết khiếu nại tại cơ quan hành chính ở địa phương”; “Luật Tố cáo: Một số nội dung cần sửa đổi, bổ sung”;“Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Phòng Tiếp công dân”; “Mô hình tiếp công dân ở địa phương theo Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi)”; “Phân biệt phản ánh hành vi vi phạm pháp luật và tố cáo từ lý luận đến thực tiễn”; “Phân định thẩm quyền giải quyết tố cáo giữa cơ quan hành chính Nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan của Đảng trong tiếp nhận, xử lý đơn thư ở địa phương”…
+ Có thể thấy, chủ đề chính mà anh theo đuổi trong những tác phẩm báo chí của mình là công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đây là đề tài khô cứng, làm thế nào để anh chuyển tải đến bạn đọc một cách gần gũi, dễ hiểu?
- Như tôi đã đề cập, các bài viết của tôi thường xoay quanh những vấn đề, những tình huống phát sinh từ thực tiễn. Bài viết không đi sâu nhiều về lý luận, mà sát với thực tế công việc chuyên môn hàng ngày, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và có tính thời sự. Do vậy, đã giải quyết được những khúc mắc, những bất cập, khó khăn, vướng mắc mà nhiều người quan tâm, gặp phải.
+ Cùng với viết báo, được biết anh đang ấp ủ cho “ra lò” cuốn sách “Tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”? Anh có thể “bật mí” về “đứa con tinh thần” này?
- Tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo không phải là vấn đề mới. Đã có nhiều cuốn sách, công trình nghiên cứu viết về vấn đề này. Cuốn sách mà tôi dự định xuất bản là tập hợp các bài viết ở những thời điểm khác nhau trong thời gian dài (từ năm 2011 đến 2024).
Cuốn sách được chia ra gồm 4 phần: Phần 1: Tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo; Phần 2: Khiếu nại và giải quyết khiếu nại hành chính; Phần 3: Tố cáo và giải quyết tố cáo hành chính; Phần 4: Liêm chính, giám sát và xử lý vi phạm trong hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính.
Mỗi một bài viết giải quyết một vấn đề rất cụ thể cả về lý luận và thực tiễn như: Mô hình tiếp công dân ở địa phương; tiêu chuẩn, chế độ, chính sách đối với cán bộ tiếp công dân; phân định thẩm quyền giải quyết tố cáo giữa cơ quan hành chính Nhà nước với cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan của Đảng trong tiếp nhận, xử lý đơn thư ở địa phương; xây dựng quy trình giải quyết khiếu nại hành chính; đổi mới cơ chế giải quyết khiếu nại hành chính ở nước ta hiện nay; những vấn đề đặt ra trong cơ chế giải quyết tố cáo, kinh nghiệm bảo vệ người tố cáo ở một số nước trên thế giới; những yêu cầu đặt ra về sự liêm chính trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; kiểm soát quyền lực trong giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Trước đó, năm 2022, tôi cũng đã xuất bản cuốn “Pháp luật bảo vệ người tố cáo hành chính ở Việt Nam”. Xuất bản cuốn sách này, tôi mong muốn làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính. Đặc biệt là mô hình, tổ chức và hoạt động tiếp công dân; cơ chế giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo vệ người khiếu nại, tố cáo. Đây là hai vấn đề cơ bản trong hoạt động việc tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần phải nghiên cứu nhiều hơn và cần có sự đổi mới trong thời gian tới.
+ Làm công tác tiếp dân và cả thêm viết báo, viết sách nữa. Với anh, được viết có phải là để thoả đam mê?
- Là cán bộ địa phương, trong môi trường công tác được làm việc trực tiếp với lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các địa phương cấp huyện, cấp xã, rồi tiếp xúc với nhiều người dân đã cho tôi cái nhìn toàn diện, khách quan. Đây là những thuận lợi để tôi viết những tác phẩm sát thực tiễn, với những yêu cầu đang đặt ra.
Với tôi, viết báo, viết sách vừa là để thoả mãn đam mê, vừa là nghiên cứu để đưa ra những kiến nghị, đề xuất những giải pháp, giúp cho công việc mình đang làm được hiệu quả, góp phần hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính, từ đó góp phần nhỏ bé để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp, thiết thực của người dân.
+ Trân trọng cảm ơn anh!
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Năm 2024, hoạt động thanh tra, kiểm tra trên địa bàn thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang tiếp tục được tăng cường. Qua thanh tra, kiểm tra, đã phát hiện và chấn chỉnh kịp thời các hạn chế, thiếu sót, không để phát sinh hành vi tham nhũng.
Cảnh Nhật
11:28 23/11/2024(Thanh tra) - Chiều ngày 22/11/2024, Thanh tra tỉnh Quảng Bình đã tổ chức Gặp mặt tri ân các thế hệ lãnh đạo ngành Thanh tra tỉnh qua các thời kỳ nhân kỷ niệm 79 năm ngày truyền thống Thanh tra Việt Nam.
Lê Hữu Chính
10:23 23/11/2024Lâm Ánh
10:12 23/11/2024Thái Hải
22:15 22/11/2024Phương Anh
21:53 22/11/2024Hoàng Nam
21:38 22/11/2024Minh Thắng
Văn Thanh
Thu Huyền
Uyên Uyên
Uyên Uyên
Cảnh Nhật
Quang Dân
Hương Giang
Lê Hữu Chính
Lâm Ánh
Hương Giang