Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tổng Thanh tra: Việt Nam có bước tiến trong phòng, chống tham nhũng

Thứ tư, 09/12/2015 - 17:00

(Thanh tra) - Nhân ngày quốc tế phòng, chống tham nhũng (PCTN) (9/12), trao đổi với báo chí, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh nhấn mạnh: “Việt Nam có một bước tiến trong công tác PCTN, được Liên hiệp quốc, Tổ chức Minh bạch Quốc tế đánh giá cao nên điểm số có sự tiến bộ, tăng vài bậc trên bảng xếp hạng so với thời kỳ trước đây”.

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh. Ảnh: HG

Liên hiệp quốc đánh giá rất cao Việt Nam

+ Những năm gần đây, thông tin về tham nhũng không còn là điều “cấm kỵ”, người dân đã tiếp cận được thông tin về kết quả PCTN của Việt Nam thông qua biện pháp công khai, minh bạch. Ông đánh giá như thế nào về điều này?

- Việt Nam là thành viên tích cực, thực thi có hiệu quả Công ước về chống tham nhũng, được Liên hiệp quốc đánh giá rất cao. Tổ chức Minh bạch Quốc tế cũng đánh giá cao kết quả phòng ngừa, xử lý tham nhũng của Việt Nam.

Phải nói rằng, thế giới đưa ra công thức, nơi nào có tham nhũng, thấp điểm là nơi đó có sự độc quyền của cơ quan Nhà nước, bưng bít thông tin và không thực hiện trách nhiệm giải trình.  Riêng Việt Nam, chúng ta đưa ra công thức riêng và được đánh giá cao là dựa vào 3 yếu tố: Hoàn thiện thể chế, phát huy dân chủ, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. 

Với những kết quả đã làm được trong thời gian qua, Việt Nam có một bước tiến trong công tác PCTN, được Liên hiệp quốc và Tổ chức Minh bạch Quốc tế đã đánh giá cao nên điểm số có một sự tiến bộ, tăng vài bậc trên bảng xếp hạng so với thời kỳ trước đây.

+ Xin ông nói cụ thể vì sao Việt Nam đạt điểm số cao và tăng bậc so với thời kỳ trước?

- Trước hết, hoàn thiện thể chế của Việt Nam có một bước tiến rất dài trong quá trình thực hiện công cuộc PCTN. Từ năm 2005, chúng ta đã có Luật PCTN, năm 2007 sửa đổi một lần, năm 2012 tiếp tục sửa đổi và đến nay đang tổng kết 10 năm thi hành Luật PCTN để năm 2016 trình Quốc hội sửa đổi toàn diện. 

Cùng với đó, chúng ta có chiến lược PCTN đến năm 2020, Bộ Chính trị có chỉ thị 23 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, những người có chức vụ quyền hạn thuộc diện phải kê khai. Rồi hàng loạt các nghị định, thông tư quy định hướng dẫn thi hành. 

Việt Nam đã thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch khá tốt. Chính phủ thường xuyên chủ động giải trình trước cơ quan đại chúng và nhân dân về những vấn đề Chính phủ thực hiện. Tiếp đó là công khai những việc làm của cơ quan Nhà nước như thu chi ngân sách, cải cách thủ tục hành chính và một số lĩnh vực khác.

Công khai gắn với dân chủ hóa cũng thực hiện khá tốt. Đầu tiên, thể hiện ngay ở việc, Hiến pháp 2013 lấy ý kiến toàn dân. Các văn bản pháp quy từ luật, nghị định đến thông tư đều được công khai trên cổng thông tin để người dân đóng góp. 

Đối với trách nhiệm giải trình, Chính phủ thường xuyên giải trình những vấn đề mà xã hội quan tâm, báo chí quan tâm. Trong các kỳ họp Quốc hội, Chính phủ báo cáo tất cả những nội dung mà Chính phủ đã làm. Thủ tướng và các thành viên Chính phủ cũng trả lời chất vấn những vấn đề Quốc hội quan tâm. Chương trình "Dân hỏi Bộ trưởng trả lời" cũng là một cách giải trình của Chính phủ và các cơ quan Nhà nước.

Chính đạt được những điều đó Việt Nam đã tăng bậc trong công tác PCTN.

Cần tăng trách nhiệm, thẩm quyền của ngành Thanh tra

+ Một trong những biện pháp quan trọng để PCTN là kê khai tài sản, thu nhâp. Có ý kiến cho rằng, chúng ta vẫn chưa kiểm soát được tài sản, thu nhập nên mới có vụ Giang Kim Đạt chỉ là một cán bộ nhỏ mà tham nhũng được số tiền rất lớn. Theo ông, cần phải có biện pháp gì để PCTN hiệu quả trong thời gian tới?

- Trong quá trình thực hiện các biện pháp PCTN, Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến giải pháp kê khai và công khai tài sản, thu nhập. Luật PCTN năm 2005, sửa đổi năm 2007, 2012 đã thể hiện điều này. 

Tuy nhiên, Luật PCTN chưa quy định cụ thể việc xử lý tài sản, thu nhập có kê khai mà không giải trình được. Tổng kết thực tiễn chúng tôi cũng thấy rằng, điểm này cần phải được đánh giá thật kỹ để sắp tới khi sửa đổi luật sẽ quy định nội dung này với chế tài trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, mà chủ yếu là kê khai tài sản, thu nhập. 

Việc thu hồi tài sản đối với những người tham nhũng trong nước và những người chạy ra nước ngoài, hiện Luật quy định cũng chưa rõ ràng. Cho nên, việc thu hồi tài sản cũng là một nội dung cần quan tâm đặc biệt trong tổng kết Luật và sửa đổi Luật sắp tới để làm sao thu hồi tài sản tham nhũng được thực hiện một cách đầy đủ, đạt tỷ lệ khá cao.

 + Theo ông cần sửa đổi, bổ sung điều gì để nâng cao vài trò của ngành Thanh tra trong đấu tranh PCTN khi sửa đổi Luật PCTN?

- Với chức năng là cơ quan quản lý Nhà nước được Chính phủ giao thực hiện nhiệm vụ PCTN, đồng thời là cơ quan đầu mối quốc gia về thực thi Công ước về chống tham nhũng của Liên hiệp quốc, chúng tôi đã xây dựng Chiến lược phát triển ngành Thanh tra giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn 2030 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

Tinh thần của chiến lược là tăng cường trách nhiệm hệ thống ngành Thanh tra để làm sao tham mưu tốt trong quản lý Nhà nước về PCTN. Thứ hai là tăng trách nhiệm, thẩm quyền xử lý các vụ án trong quá trình thanh tra phát hiện dấu hiệu tham nhũng. 

Cuối cùng, ngành Thanh tra phải đào tạo được cán bộ chuyên sâu để vừa thanh tra, chấn chỉnh hoạt động trong quản lý Nhà nước, vừa phát hiện dấu hiệu tiêu cực tham nhũng để chuyển cơ quan có chức năng điều tra, truy tố, xét xử để làm sao phát hiện, ngăn chăn, đẩy lùi tham nhũng. 

Khi sửa đổi Luật PCTN sắp tới, ngành Thanh tra mong muốn nếu được thì tăng chức trách, thẩm quyền, đào tạo chuyên sâu cán bộ để góp phần PCTN hiệu quả.

+ Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm