Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ ba, 01/11/2022 - 06:35
(Thanh tra) - Nhiều cuộc thanh tra (nhất là do Thanh tra Chính phủ tiến hành) có phạm vi và quy mô lớn, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều đối tượng… nên phải xem xét kỹ lưỡng, xử lý thận trọng, mất nhiều thời gian trong đánh giá chứng cứ, tài liệu, là 1 trong 4 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến một số cuộc chậm ban hành kết luận.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. Ảnh: P.Thắng
Lần đầu tiên Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong sẽ trả lời chất vấn trước Quốc hội vào sáng ngày 5/11 tới đây.
Một trong những nội dung chất vấn là nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động thanh tra, kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật; biện pháp xử lý, thu hồi tài sản sau thanh tra, việc xử lý đối với tập thể, cá nhân vi phạm, nhất là những nơi để xảy ra vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Thanh tra tập trung vào lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng
Báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm chất vấn gửi đại biểu Quốc hội, Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh, bên cạnh quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác hoàn thiện thể chế thanh tra, hàng năm, Thanh tra Chính phủ đã xây dựng định hướng chương trình công tác thanh tra cho toàn ngành và báo cáo Thủ tướng phê duyệt.
Định hướng chương trình thanh tra, kế hoạch thanh tra hàng năm xác định rõ mục tiêu, yêu cầu, nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, tập trung vào các ngành, lĩnh vực dễ phát sinh nhiều vi phạm, tiêu cực, tham nhũng, có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, dư luận xã hội quan tâm, như: Đầu tư công; quản lý sử dụng đất đai; cổ phần hoá, thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước; mua bán, chuyển nhượng, mua sắm tài sản công…
Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra luôn quan tâm triển khai các cuộc thanh tra đột xuất với tinh thần khẩn trương và trách nhiệm cao nhất để kết luận, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo xử lý theo quy định pháp luật.
“Nếu phát hiện những vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng thì tiến hành chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra ngay khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm, kể cả khi chưa ban hành kết luận thanh tra”, Tổng Thanh tra cho hay. Đồng thời, chuyển nội dung sai phạm của cán bộ, đảng viên sang cơ quan kiểm tra của Đảng để xem xét, xử lý theo thẩm quyền.
Số liệu cho thấy, 9 tháng đầu năm 2022, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 6.301 cuộc thanh tra hành chính và 157.974 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua đó, phát hiện vi phạm về kinh tế 52.466,4 tỷ đồng, 8.240,8ha đất; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 2.554 tập thể và 5.109 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 317 vụ, 199 đối tượng.
Chuẩn bị thanh tra chuyên đề về phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đã tập trung thanh tra và chỉ đạo, hướng dẫn toàn ngành tiến hành thanh tra chuyên đề việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc.
Thanh tra Chính phủ đã triển khai, kết thúc thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch Điện VII và Quy hoạch Điện VII điều chỉnh.
Thanh tra Chính phủ cũng đang triển khai thanh tra quản lý Nhà nước về xăng dầu; chuẩn bị triển khai thanh tra chuyên đề việc chấp hành pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và sử dụng nguồn vốn phát hành trái phiếu doanh nghiệp; thanh tra công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng; việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng cho các dự án giao thông trọng điểm quốc gia tại một số địa phương...
Chậm ban hành kết luận thanh tra do 4 nguyên nhân chủ yếu
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Tổng Thanh tra, còn một số cuộc thanh tra chậm ban hành kết luận thanh tra do nhiều nguyên nhân, trong đó có 4 nguyên nhân chủ yếu.
Đầu tiên, nhiều cuộc thanh tra (nhất là cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành) có phạm vi và quy mô lớn, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều đối tượng, hoặc có tính chất rất phức tạp, có nội dung mới, liên quan đến yếu tố con người và ảnh hưởng đến sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội của nền kinh tế, có những nội dung thanh tra liên quan đến nhiều quy định pháp luật qua nhiều thời kỳ có yếu tố lịch sử.
Vì vậy, cần phải xem xét kỹ lưỡng, xử lý thận trọng, mất nhiều thời gian trong việc tổng hợp, đánh giá chứng cứ, tài liệu, xây dựng báo cáo kết quả thanh tra, dự thảo kết luận thanh tra.
Thứ hai, một số quy định của pháp luật còn bất cập, thay đổi qua các thời kỳ, khi áp dụng có nhiều cách hiểu khác nhau, nên mất nhiều thời gian đánh giá, xin ý kiến của cơ quan chuyên môn, kết luận, kiến nghị xử lý, nhất là trong lĩnh vực đất đai, đầu tư công và đầu tư đối tác công - tư.
Quy định về thời gian xây dựng báo cáo kết quả thanh tra (15 ngày), dự thảo kết luận thanh tra (15 ngày) áp dụng với các cuộc thanh tra có quy mô lớn, tính chất phức tạp cũng chưa phù hợp. Việc báo cáo thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước và lấy ý kiến của các cơ quan chuyên môn về dự thảo kết luận thanh tra chưa được quy định rõ ràng, cụ thể.
Nguyên nhân thứ ba là do khối lượng công việc thanh tra theo yêu cầu của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước rất lớn. Trong khi, lực lượng cán bộ, công chức thanh tra rất mỏng nên khó khăn trong việc hoàn thành kết luận thanh tra theo thời hạn quy định.
Theo báo cáo, hiện nay, biên chế công chức của Thanh tra Chính phủ chỉ có 408 người, trong đó, công chức trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng khoảng hơn 200 người. Cho nên, rất khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ đúng thời hạn theo kế hoạch thanh tra và theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Nguyên nhân thứ tư là do ý thức, trách nhiệm của một số thành viên đoàn thanh tra chưa cao; trình độ, năng lực, kỹ năng, kinh nghiệm còn hạn chế.
“Một số trưởng, phó trưởng đoàn thanh tra chưa làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình. Việc chỉ đạo, điều hành của thủ trưởng cơ quan thanh tra có lúc chưa quyết liệt, chưa có biện pháp mạnh để đẩy nhanh tiến độ thanh tra theo thời hạn”, Tổng Thanh tra nêu.
Phát hiện, xử lý nghiêm minh các vi phạm pháp luật qua thanh tra
5 nhiệm vụ, giải pháp về công tác thanh tra và xử lý sau thanh tra được Tổng Thanh tra đặt ra thời gian tới.
Trong đó, sẽ tập trung triển khai các cuộc thanh tra theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và thủ trưởng các cơ quan quản lý Nhà nước giao; đồng thời, tiếp tục triển khai các cuộc thanh tra theo định hướng chương trình thanh tra và kế hoạch thanh tra đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Đổi mới phương pháp và cách thức tiến hành thanh tra để đẩy nhanh tiến độ thanh tra, khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra; nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng qua thanh tra. Với các vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì kịp thời chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.
Nhiệm vụ, giải pháp nữa là tăng cường trách nhiệm của cơ quan thanh tra và phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy Đảng, thủ trưởng các cơ quan có liên quan trong việc đôn đốc, kiểm tra thực hiện kết luận thanh tra, nhất là thu hồi tài sản và xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng theo quy định của pháp luật.
“Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện kết luận thanh tra; kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng không thực hiện kết luận thanh tra” - theo Tổng Thanh tra.
Ngoài ra, sẽ phối hợp xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán và thực hiện nghiêm các chủ trương về hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Hơn 1 nghìn tỷ đồng được thu hồi, chuyển cơ quan điều tra 76 vụ
Công tác xử lý sau thanh tra luôn được Thanh tra Chính phủ chỉ đạo toàn ngành Thanh tra thường xuyên đôn đốc, kiểm tra.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, Thanh tra Chính phủ và toàn ngành Thanh tra tiến hành đôn đốc, kiểm tra thực hiện 5.586 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, trong đó có 3.440 kết luận thanh tra đã hoàn thành 100% các nội dung phải thực hiện.
Kết quả, các cơ quan chức năng đã thu hồi 1.089 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 60,3%); 10,2ha đất; xử lý hành chính 1.714 tổ chức, 4.841 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 76 vụ, 93 đối tượng; khởi tố 5 vụ, 3 đối tượng; ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 370 văn bản theo kiến nghị tại các kết luận thanh tra (đạt tỷ lệ 72,4%).
Thanh tra Chính phủ đã triển khai 4 đoàn công tác liên ngành kiểm tra tình hình thực hiện kết luận thanh tra và tham mưu, giúp tổ công tác của Thủ tướng tháo gỡ vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, Khánh Hòa.
Đồng thời, xây dựng, hoàn thiện dự thảo đề án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Dù vậy, theo Tổng Thanh tra, kết quả xử lý sau thanh tra đạt tỷ lệ chưa cao. Nguyên nhân là do quy định của pháp luật về thanh tra còn bất cập, thiếu quy định về các biện pháp cưỡng chế, chế tài xử lý sau thanh tra.
Nhận thức và ý thức chấp hành kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra của một số tổ chức, cá nhân còn hạn chế. Có trường hợp cố ý chây ỳ hoặc trốn tránh thực hiện, hoặc không có khả năng nộp lại khoản tiền bị cơ quan thanh tra thu hồi hoặc xử phạt vi phạm.
Cạnh đó, một số kết luận thanh tra có kiến nghị thu hồi, xử lý về đất đai nhưng khó thực hiện do tính phức tạp của lịch sử để lại…
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Sáng ngày 22/11/2024, Thanh tra tỉnh Quảng Bình đã công bố quyết định về việc điều động, bổ nhiệm nhiều vị trí cán bộ cấp phòng tại Thanh tra tỉnh.
Lê Hữu Chính
17:40 22/11/2024(Thanh tra) - Trong năm 2024, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Quảng Nam đã tiến hành 810 vụ kiểm tra thị trường, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Trong đó, số vụ vi phạm bị xử lý 415 vụ (số vụ vi phạm QLTT xử phạt 414 vụ, số vụ chuyển xử lý hình sự 1 vụ); thu hồi nộp ngân sách Nhà nước số tiền 2.500.821.495 đồng.
Lâm Ánh
15:43 22/11/2024Phương Hiếu
12:31 22/11/2024Phương Hiếu
16:23 21/11/2024Thái Hải
Trần Trung
Lê Hữu Chính
Minh Tân
Hải Hà
Hương Giang
Nguyễn Điểm
Lâm Ánh
Phương Anh
Hoàng Nam
Thu Huyền