Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 12/10/2018 - 06:31
(Thanh tra)- Trong hơn 10 năm thực hiện, Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng ra khỏi đời sống xã hội, theo tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua cho thấy, nhiều quy định của Luật PCTN không còn phù hợp, mang tính chung chung, hình thức và thiếu những giải pháp mang tính đột phá, không đủ mức độ răn đe và thể hiện được thái độ nghiêm khắc của Nhà nước, xã hội đối với người có hành vi tham nhũng.
Ảnh: baokiemtoannhanuoc.vn
Thực hiện chỉ đạo của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã tổ chức tổng kết thực tiễn và sửa đổi toàn diện Luật PCTN. Dưới đây là một số nội dung cơ bản:
1. Phương pháp tiếp cận và phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật PCTN
Dự thảo Luật PCTN (Sửa đổi) trình Quốc hội khóa XIV thảo luận và cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 gồm 96 điều, giảm 24 điều và tăng 03 chương (11 chương) so với Luật hiện hành.
- Về phương pháp tiếp cận: Dự án Luật vẫn chú trọng vào việc củng cố các biện pháp phòng ngừa tham nhũng với trọng tâm là thúc đẩy công khai, minh bạch, liêm chính và trách nhiệm giải trình, trách nhiệm của người đứng đầu trong hoạt động công vụ và quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính công; kiểm soát thực chất hơn tài sản, thu nhập của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; hoàn thiện cơ chế phát hiện hành vi tham nhũng trên cơ sở quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có chức năng trong PCTN, phát huy sự tham gia tích cực, chủ động của người dân, xã hội; quy định việc xử lý tham nhũng theo các chế tài phi hình sự (hành chính, kỷ luật, kinh tế) cụ thể, rõ ràng và đảm bảo tính phòng ngừa, răn đe.
- Về phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật PCTN:
+ Về phòng ngừa tham nhũng: Để phòng ngừa tham nhũng hiệu quả đòi hỏi phải hoàn thiện cơ chế quản lý trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội và kiện toàn tổ chức bộ máy Nhà nước. Do vậy, Dự án Luật PCTN sẽ tập trung vào các nhóm giải pháp chưa được quy định hoặc quy định nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phòng ngừa tham nhũng trong các đạo luật về tổ chức bộ máy Nhà nước và trong các ngành, lĩnh vực khác như quy định về kiểm soát xung đột lợi ích; thực hiện công khai, minh bạch; chuyển đổi vị trí công tác; và tuyên truyền, giáo dục về PCTN (nhằm tăng cường kiểm soát và xây dựng nền công vụ liêm chính).
+ Về minh bạch, kiểm soát tài sản của người có chức vụ, quyền hạn: Thực tiễn thời gian qua cho thấy đây là vấn đề quan trọng, song việc thực hiện còn hình thức và chưa kiểm soát được tài sản, thu nhập để qua đó phòng ngừa, phát hiện tham nhũng có hiệu quả, cũng như giúp thu hồi tài sản tham nhũng. Vì vậy, Dự án Luật đã tách thành 01 chương riêng và đưa ra các quy định nhằm tạo cơ chế kiểm soát thực chất hơn như thay đổi về hình thức kê khai; quy định về tổ chức bộ máy “bán tập trung” nhằm quản lý bản kê khai và thực hiện việc kiểm soát tài sản, thu nhập; sửa đổi căn cứ và yêu cầu trong việc giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm và xác minh tài sản, thu nhập và việc xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm mà không được giải trình một cách hợp lý.
+ Về phát hiện hành vi tham nhũng: Thực tiễn thời gian qua cho thấy, các cơ quan, đơn vị chuyên trách PCTN hoạt động chưa hiệu quả, việc thực hiện chức năng PCTN của các cơ quan hữu quan chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra trong việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng. Vì vậy, Dự án Luật đã tiếp tục quy định rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan có chức năng PCTN; quy định rõ nội dung thực hiện chức năng PCTN, đặc biệt là phát hiện tham nhũng của mỗi cơ quan trên tinh thần tăng cường tính chịu trách nhiệm đối với kết quả thực hiện nhiệm vụ như các cơ quan thanh tra, kiểm toán Nhà nước phải làm rõ về tính chất, mức độ vi phạm khi thanh tra, kiểm toán có phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; quy định rõ về trách nhiệm báo cáo kết quả công tác PCTN; giám sát công tác PCTN…
+ Về trách nhiệm của người đứng đầu trong PCTN: Thực tiễn thời gian qua cho thấy, kết quả công tác PCTN phụ thuộc rất nhiều vào trách nhiệm của người đứng đầu mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị trong PCTN. Vì vậy, Dự án Luật đã quy định nội dung này thành 01 chương riêng trên cơ sở làm rõ các trường hợp người đứng đầu; phạm vi trách nhiệm và quyền hạn trong PCTN, cũng như nguyên tắc xác định trách nhiệm của người đứng đầu.
+ Về xử lý vi phạm pháp luật: Kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN cho thấy, việc xử lý đối với người có hành vi vi phạm còn rất hạn chế; hiệu lực thực hiện Luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Để khắc phục tình trạng này, Dự án Luật đã quy định cụ thể về nguyên tắc xử lý hành vi tham nhũng, tài sản tham nhũng và các hình thức xử lý cụ thể sẽ được áp dụng.
2. Mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật ra khu vực ngoài Nhà nước
- Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí đã chỉ rõ 1 trong 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đó là: “Từng bước mở rộng hoạt động PCTN ra khu vực ngoài Nhà nước”. Do vậy, quán triệt tinh thần này, Dự thảo Luật sửa đổi trình Quốc hội đã mở rộng phạm vi điều chỉnh theo hướng quy định về việc áp dụng một số chế định của Luật PCTN đối với tổ chức xã hội và doanh nghiệp trong khu vực ngoài Nhà nước.
- Dự thảo Luật quy định trách nhiệm PCTN nói chung của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp trong khu vực ngoài Nhà nước; đồng thời quy định về việc áp dụng bắt buộc một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng (thực hiện công khai, minh bạch; kiểm soát xung đột lợi ích; trách nhiệm của người đứng đầu và minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập) đối với tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ và thường xuyên huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện; đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng.
- Việc xác định phạm vi mở rộng các đối tượng áp dụng bắt buộc biện pháp PCTN như đề xuất trong Dự thảo Luật dựa trên một số căn cứ sau:
+ Hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp này có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế, đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, cá nhân và tổ chức có liên quan.
Nhiều vụ việc sai phạm xảy ra thời gian qua cho thấy, sự thiếu minh bạch và thiếu cơ chế kiểm soát hữu hiệu đối với các tổ chức, doanh nghiệp này là một trong những nguyên nhân để xảy ra những thiệt hại cho nền kinh tế, cho Nhà nước, xã hội và người dân.
+ Kết quả rà soát pháp luật hiện hành có liên quan cho thấy, công tác PCTN trong các tổ chức, doanh nghiệp này chưa được quy định rõ ràng về phương thức và biện pháp cụ thể.
Riêng đối với các doanh nghiệp, mặc dù pháp luật về các tổ chức tín dụng, công ty đại chúng và doanh nghiệp nói chung đã quy định một số biện pháp quản lý, điều hành có liên quan đến PCTN như ngăn ngừa xung đột lợi ích, báo cáo và công bố thông tin… tuy nhiên vẫn còn thiếu những biện pháp cần thiết như minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ quản lý, điều hành; việc xử lý vi phạm.
+ Nếu lựa chọn phương án mở rộng việc áp dụng bắt buộc một số biện pháp PCTN đối với tất cả các tổ chức, doanh nghiệp trong khu vực ngoài Nhà nước thì sẽ không mang tính khả thi trong tổ chức thực hiện do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chưa đủ khả năng đáp ứng nguồn lực cho việc tổ chức triển khai và kiểm tra, giám sát quá trình triển khai công tác PCTN ở khu vực này.
3. Quy định mới về hệ thống cơ quan, đơn vị thực hiện chức năng kiểm soát tài sản, thu nhập
Qua tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN cho thấy, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc thực hiện các quy định về kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập chưa hiệu quả là chưa có bộ máy được giao nhiệm vụ chuyên trách quản lý bản kê khai và sử dụng, khai thác các thông tin, dữ liệu có được để kiểm soát biến động tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai. Vì vậy, Dự thảo Luật cần phải có giải pháp để khắc phục.
Dự thảo Luật đưa ra 1 phương án để lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội như sau: Giao cho Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn hưởng hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở lên công tác tại Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; cơ quan giúp Ủy ban Thường vụ về công tác đại biểu, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức do mình quản lý và có chỉnh lý quy định theo nhóm chức vụ (Giám đốc Sở và tương đương trở lên) thay cho hệ số phụ cấp (0,9) để phù hợp với định hướng về cải cách tiền lương trong thời gian tới.
4. Đổi mới phương thức kê khai và xác minh tài sản, thu nhập
a) Về phương thức kê khai tài sản, thu nhập
Qua tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN cho thấy, việc quy định hình thức kê khai tài sản, thu nhập hằng năm với tất cả các đối tượng đã dẫn đến tình trạng dàn trải, khó quản lý dữ liệu bản kê khai. Do vậy, quy định về hình thức kê khai cần phù hợp với mục đích của việc quản lý và sử dụng bản kê khai tài sản, thu nhập. Cụ thể như sau:
- Kê khai lần đầu và kê khai phục vụ cho công tác cán bộ: Người đang giữ chức vụ hoặc có vị trí công tác thuộc diện đối tượng có nghĩa vụ kê khai đều phải thực hiện việc kê khai theo quy định của Luật này nhằm hình thành đồng bộ cơ sở dữ liệu, thông tin về tài sản, thu nhập của họ kể từ thời điểm Luật có hiệu lực nhằm phục vụ cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập. Đồng thời, tất cả cán bộ, công chức và với viên chức giữ chức vụ tương đương phó trưởng phòng trở lên khi được tiếp nhận, tuyển dụng vào làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị trong khu vực công thì đều phải kê khai tài sản, thu nhập lần đầu.
Từ những năm công tác tiếp theo, họ sẽ không phải kê khai tài sản, thu nhập hằng năm mà chỉ kê khai khi được bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm, bố trí công tác và coi đó là một trong các nội dung của quy trình bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại hoặc cử giữ chức vụ khác nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý liêm chính theo Quy định số 105-QĐ/TW ngày 19/12/2017 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.
- Kê khai hằng năm và kê khai bổ sung phục vụ cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập: Kê khai hằng năm chỉ áp dụng đối với những người giữ chức vụ từ Giám đốc Sở của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tương đương trở lên hoặc người làm công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính, tài sản công hoặc trực tiếp giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của Chính phủ.
Kê khai bổ sung áp dụng đối với người có nghĩa vụ kê khai khi có tài sản mới hoặc thu nhập phát sinh trong năm có giá trị từ 300.000.000 đồng trở lên (mức này tương đương với mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền).
Việc quy định các hình thức kê khai theo mục đích quản lý, sử dụng bản kê khai như phân tích ở trên vừa giúp xây dựng được một cơ sở dữ liệu đầy đủ về tài sản, thu nhập của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vừa giúp hạn chế phát sinh số lượng bản kê khai hằng năm để tiến tới kiểm soát chặt chẽ, thực chất tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.
b) Về xác minh tài sản, thu nhập
- Tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN cho thấy, nguyên nhân của tình trạng thực hiện các quy định về xác minh tài sản, thu nhập còn hạn chế là do chưa quy định rõ ràng về các trường hợp tiến hành xác minh. Do vậy, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định này như sau:
+ Tiến hành xác minh chủ động theo kế hoạch hằng năm được xây dựng theo phương pháp lựa chọn ngẫu nhiên về đối tượng xác minh.
+ Tiến hành xác minh để phục vụ cho công tác cán bộ khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.
+ Tiến hành xác minh khi có căn cứ theo quy định của Luật này như khi có dấu hiệu rõ ràng về kê khai không trung thực, biến động tài sản, thu nhập…
- Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về căn cứ tiến hành xác minh và thẩm quyền xác minh của cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập, qua đó nhằm đầu tư nguồn lực và cơ sở vật chất để các cơ quan, đơn vị này nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
- Dự thảo Luật cũng sửa đổi quy định về thẩm quyền yêu cầu xác minh tài sản, thu nhập để phục vụ công tác cán bộ và phục vụ công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát.
5. Quy định mới về việc xử lý đối với tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà không được giải trình một cách hợp lý
Tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN cho thấy, việc thiếu các quy định về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà không được giải trình một cách hợp lý về nguồn gốc cũng là một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến việc thực hiện các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập còn hạn chế và mang tính hình thức. Do vậy, việc bổ sung quy định này vào Dự thảo Luật là rất cần thiết.
Qua cân nhắc kỹ ưu điểm, nhược điểm của từng phương án, Dự thảo Luật trình xin ý kiến của Quốc hội cho ý kiến về 02 phương án như sau:
“Điều 57. Xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc
Phương án 1:
1. Việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc sẽ do tòa án xem xét, quyết định.
2. Trong trường hợp kết luận tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành kết luận xác minh, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập phải chuyển kết luận xác minh và các tài liệu có liên quan đến tòa án có thẩm quyền để yêu cầu xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình và xử lý đối với tài sản, thu nhập này.
3. Tòa án xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình và ra một trong các quyết định sau đây:
a) Bác yêu cầu của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập trong trường hợp người có nghĩa vụ kê khai giải trình được hợp lý về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm;
b) Thu hồi tài sản, thu nhập trong trường hợp người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm.
4. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục tòa án xem xét, quyết định thu hồi tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc và việc thi hành quyết định của tòa án.
Phương án 2:
1. Trường hợp kết luận có tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc và cơ quan có thẩm quyền cũng không chứng minh được tài sản, thu nhập này do vi phạm pháp luật mà có thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành kết luận xác minh, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có trách nhiệm chuyển vụ việc sang cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền yêu cầu thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế.
2. Người có nghĩa vụ kê khai phải nộp thuế theo quy định tại khoản 1 Điều này có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện quyết định của cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật.
3. Việc thu thuế quy định tại khoản 1 Điều này không loại trừ việc xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản đối với người có nghĩa vụ kê khai, nếu các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, vụ việc hành chính mà chứng minh được tài sản, thu nhập này do vi phạm pháp luật mà có”.
Ngoài các nội dung chính ở trên, Dự thảo Luật PCTN cũng đã sửa đổi, bổ sung một số quy định quan trọng khác như các biện pháp, phương thức phát hiện tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong PCTN; trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong PCTN; trách nhiệm của xã hội, doanh nghiệp trong PCTN; hợp tác quốc tế trong PCTN và đặc biệt là xử lý hành vi tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật về PCTN.
Tóm lại, qua tổng kết 10 năm thực hiện cho thấy, việc sửa đổi toàn diện Luật PCTN là rất cần thiết, nhằm tạo ra những bước tiến thực chất trong đấu tranh PCTN. Với nhiều giải pháp mới, mang tính đột phá, được đề xuất trên cơ sở những yêu cầu thực tiễn và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, chắc chắn Luật PCTN sẽ trở thành công cụ hữu hiệu nhằm tiếp tục củng cố, tạo nền tảng vững chắc cho công cuộc đấu tranh PCTN ở nước ta thời gian tới, đặc biệt là trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta đang thể hiện quyết tâm chính trị cao nhằm ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng ra khỏi đời sống xã hội, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của toàn hệ thống chính trị và sự ủng hộ tích cực từ phía người dân.
ThS Nguyễn Tuấn Anh
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chiều 11/12, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh Long An công bố, trao quyết định cho các cán bộ được luân chuyển và điều động công tác khác. Các quyết định có hiệu lực kể từ ngày 16/12/2024.
Thu Huyền
20:04 11/12/2024(Thanh tra) - Trong tháng 11/2024, UBND thành phố Lạng Sơn đã triển khai nhiều hoạt động quan trọng trong các lĩnh vực thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo nhằm đảm bảo công tác quản lý Nhà nước hiệu quả và đáp ứng kịp thời các yêu cầu của công dân.
Chính Bình
15:33 11/12/2024Cảnh Nhật
14:16 11/12/2024Kim Thành
09:56 11/12/2024Phương Anh
20:46 10/12/2024Phương Anh
20:15 10/12/2024Hương Giang
Hương Giang
Theo VietinBank
Liên Hương
Thu Nga
Trung Hà
Bùi Bình
Bùi Bình
Trung Hà