Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thanh tra tiến hành có trọng tâm, trọng điểm

Thứ sáu, 21/07/2017 - 10:47

(Thanh tra) - Chiều ngày 20/7, UBND quận Lê Chân tổ chức hội nghị tổng kết 6 năm thi hành Luật Thanh tra và trao đổi nghiệp vụ về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

Chủ tịch UBND quận Lê Chân Phạm Tiến Du phát biểu

Theo Chủ tịch UBND quận Lê Chân Phạm Tiến Du: Từ khi Luật Thanh tra có hiệu lực, Thanh tra quận luôn bám sát kế hoạch thanh tra thành phố, hàng năm UBND quận đã xây dựng kế hoạch thanh tra đúng quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ trong việc thanh tra quản lý thu, chi tài chính, quản lý dạy thêm học thêm, công tác nội vụ; thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch, kế hoạch quản lý, sử dụng đất nông nghiệp; thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý trật tự xây dựng đô thị, thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo trên địa bàn quận; thanh tra trách nhiệm người đứng đầu trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng…

Quang cảnh hội nghị

Nhìn chung các cuộc thanh tra được triển khai kịp thời, đảm bảo đúng nội dung, yêu cầu, định hướng của ngành Thanh tra, đã có sự đổi mới trong chỉ đạo điều hành. Công tác giám sát hoạt động của đoàn thanh tra được chú trọng, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác thanh tra.

Qua thanh tra, đã phát hiện, xử lý theo thẩm quyền những vi phạm đối với cán bộ công chức, kiến nghị thu hồi tiền nộp ngân sách Nhà nước; đồng thời kiến nghị với cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nhiều cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm khắc phục những khuyết điểm, hạn chế trong công tác quản lý, góp phần phát triển kinh tế và tăng cường trật tự, kỷ cương xã hội, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý Nhà nước.

Các cuộc thanh tra được đoàn thanh tra tiến hành có trọng tâm, trọng điểm và tuân thủ nghiêm túc quy trình thanh tra được quy định tại Thông tư 05/2014/TT-CP của Thanh tra Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác của đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra. 

Việc chỉ đạo, điều hành hoạt động thanh tra sâu sát, cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng đối với từng thành viên đoàn thanh tra; kết quả các cuộc thanh tra đã được các đơn vị, tổ chức, cá nhân nhất trí, dư luận đồng tình, ủng hộ, vì thế vai trò, vị thế của cơ quan thanh tra được nâng lên rõ rệt.

Chánh Thanh tra quận Lê Chân Phạm Thị Ngọc Anh phát biểu

Theo Chánh thanh tra quận Lê Chân Phạm Thị Ngọc Anh: Luật Thanh tra đã đề cập đến trách nhiệm của đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước trong việc thực hiện yêu cầu, kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.

Tuy nhiên, các quy định này chưa được thể hiện đầy đủ, do đó thiếu cơ sở để thực hiện, thiếu các chế tài, nhất là khi xử lý các hành vi chống đối, cản trở, không thực hiện yêu cầu, kết luận, kiến nghị của đoàn thanh tra. Vì vậy, kỷ cương, kỷ luật trong quản lý hành chính bị giảm sút.

Hệ thống các văn bản pháp luật về thanh tra còn chưa thực sự hoàn chỉnh, nhiều điểm còn bộc lộ bất hợp lý, không phù hợp với tình hình và yêu cầu của thực tiễn dẫn đến sự chồng chéo về thẩm quyền và hoạt động ở một số lĩnh vực gây khó khăn, phiền hà cho các cơ quan, đơn vị là đối tượng thanh tra.

Quyền hạn và hiệu lực thanh tra còn hạn chế. Các cơ quan thanh tra chỉ dừng lại ở quyền kiến nghị cho nên tính hiệu quả không cao và phụ thuộc vào thái độ tiếp thu và biện pháp thực hiện các kiến nghị của các cơ quan, đơn vị là đối tượng thanh tra và các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu còn kiêm nhiệm nhiều việc, có lúc có việc chưa đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng, năng lực và bản lĩnh khi thực thi nhiệm vụ. Lĩnh vực thanh tra rộng, phức tạp, các dạng sai phạm ngày càng tinh vi, đòi hỏi công chức làm công tác thanh tra phải có kiến thức về nghiệp vụ vững vàng, am hiểu pháp luật và có trình độ tổng hợp thì mới đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, hiện tại lực lượng thanh tra chiếm phần lớn là công chức trẻ, mới vào ngành Thanh tra, kinh nghiệm công tác còn hạn chế.

Theo quy định của Luật Thanh tra, các cơ quan thanh tra nhà nước nằm trong hệ thống các cơ quan quản lý hành chính nhà nước và được thành lập theo cấp hành chính và theo ngành lĩnh vực. Luật Thanh tra quy định rõ vị trí pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ chỉ đạo phối hợp giữa các cơ quan thanh tra Nhà nước.

Thanh tra quận là cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, có trách nhiệm giúp UBND quận quản lý Nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

Như vậy, theo các quy định pháp luật về thanh tra, ở các mức độ khác nhau, Thanh tra quận vừa chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, vừa chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về công tác, tổ chức và nghiệp vụ của Thanh tra Thành phố.

Vị thế giữa Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp với thanh tra cùng cấp là quan hệ giữa cấp trên với cấp dưới, quan hệ giữa người điều hành với người chấp hành mệnh lệnh hành chính. Vị thế pháp lý này về hình thức thể hiện tính đồng nhất của thứ bậc quản lý, điều hành; tuy nhiên, về bản chất, hoạt động thanh tra phải tuân theo pháp luật và chỉ được thực hiện khi có quyết định thanh tra là nội dung, là nguyên tắc rất quan trọng trong hoạt động thanh tra.

Nếu mệnh lệnh hành chính của Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước là đúng đắn thì sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra và ngược lại. Vì vậy, có thể thấy rằng vai trò của Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác thanh tra là rất quan trọng, nó tác động trực tiếp đến hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra.

Theo quy định tại Điều 20 Nghị định 86/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra, “khi phát hiện cơ quan, tổ chức cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Chánh Thanh tra quận ra quyết định thanh tra đột xuất, thành lập đoàn thanh tra để thực hiện nhiệm vụ thanh tra và gửi quyết định thanh tra đột xuất đến Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp để báo cáo”, nhưng trong quá trình tiến hành hoạt động thanh tra, việc thực hiện quyền ra quyết định thanh tra của Chánh Thanh tra quận hiện nay rất khó.

Thực tế cho thấy, nếu Chánh Thanh tra quận ra quyết định thì việc tổ chức triển khai, trưng tập cán bộ của các phòng, ban khác, thực hiện kết luận thanh tra là rất khó khăn; bởi vì các cơ quan thanh tra chỉ dừng lại ở quyền kiến nghị cho nên tính hiệu quả của nó thường không cao và phụ thuộc vào thái độ tiếp thu và biện pháp thực hiện các kiến nghị của các cơ quan, đơn vị được cơ quan thanh tra kiến nghị.

Việc xử lý các kết luận, kiến nghị của cơ quan thanh tra còn nhiều hạn chế, chưa được đôn đốc, chỉ đạo kịp thời, đặc biệt là những kết luận, kiến nghị về xử lý cán bộ, kiến nghị về sửa đổi cơ chế, chính sách.

Căn cứ Thông tư số 01/2014/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ quy định việc xây dựng, phê duyệt định hướng chương trình thanh tra, qua đó góp phần điều chỉnh, xử lý chồng chéo trong việc xây dựng, thực hiện kế hoạch thanh tra của cơ quan thanh tra các cấp.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, việc định hướng chương trình công tác thanh tra của cơ quan thanh tra cấp trên cần căn cứ vào yêu cầu công tác và nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương để xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm cho phù hợp.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, các cơ quan thanh tra phụ thuộc vào các cơ quan hành chính cùng cấp về kinh phí, hoạt động, chương trình, kế hoạch, biên chế, tổ chức, nhân sự. Trong khi đó, pháp luật còn thiếu các quy định bảo đảm tính độc lập cho hoạt động thanh tra, nhất là hoạt động tác nghiệp của đoàn thanh tra, thanh tra viên.

Theo quy định tại Điều 31 Nghị định số 86/2011/NĐ-CP, người ra quyết định thanh tra ký kết luận thanh tra. Qua thực tế cho thấy quy định trên rất khó thực hiện, đối với những cuộc thanh tra có tính chất phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành thì Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước là người ra quyết định thanh tra.

Đối với nhật ký đoàn thanh tra, đặc thù của hoạt động thanh tra được chia thành các tổ, nhóm làm việc độc lập với Trưởng đoàn thanh tra, trong khi đó sổ nhật ký chỉ có một và do Trưởng đoàn thanh tra quản lý nên việc ghi sổ nhật ký cũng gặp không ít khó khăn, làm mất nhiều thời gian của Trưởng đoàn.

Theo quy định tại Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành, thời gian thực hiện báo cáo và kết luận thanh tra trong vòng 30 ngày là chưa phù hợp đối với những đoàn có nhiều đối tượng thanh tra, nhiều lĩnh vực và có tình tiết phức tạp.

Một số các quyền hạn khác như quyền kiến nghị sau thanh tra (về hành chính, hình sự, kinh tế) mặc dù được các cơ quan thanh tra nhà nước, các chủ thể có thẩm quyền trong quá trình thanh tra đưa ra các yêu cầu, kiến nghị nhưng không được các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm túc, triệt để.

Kim Thành

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hậu Giang: Qua thanh tra phát hiện sai phạm hơn 2,6 tỷ đồng

Hậu Giang: Qua thanh tra phát hiện sai phạm hơn 2,6 tỷ đồng

(Thanh tra) - Năm 2024, công tác thanh tra trên địa bàn tỉnh Hậu Giang luôn được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo sâu sát. Các cuộc thanh tra, kiểm tra được triển khai thực hiện theo quy định, nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm.

Thu Huyền

21:00 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm