Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Thanh tra Chính phủ thanh tra 3 bộ, 17 doanh nghiệp trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu

Phương Hiếu

Thứ sáu, 14/10/2022 - 15:08

(Thanh tra) - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy vừa ký ban hành Quyết định số 396/QĐ-TTCP ngày 13/10/2022 về thanh tra việc chấp hành, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu tại 3 bộ, 17 doanh nghiệp và các địa phương. Đoàn thanh tra do ông Dương Quốc Huy, Vụ trưởng Vụ I làm Trưởng đoàn.

Đoàn của Thanh tra Chính phủ do ông Dương Quốc Huy làm Trưởng đoàn sẽ tiến hành thanh tra tại 3 bộ, 17 doanh nghiệp và các địa phương. Ảnh: LP

Quyết định của Thanh tra Chính phủ căn cứ vào các quy định của pháp luật về thanh tra và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 160/CĐ-TTg ngày 22/02/2022 về việc bảo đảm cung ứng xăng cho thị trường trong nước; căn cứ Quyết định số 63/QĐ- TTCP ngày 4/3/2022 của Tổng Thanh tra Chính phủ về phê duyệt kế hoạch thanh tra bổ sung năm 2022.

Đoàn thanh tra của Thanh tra Chính phủ gồm 12 thành viên do ông Dương Quốc Huy, Vụ trưởng Vụ I, làm Trưởng đoàn sẽ thực hiện thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu.

Thời kỳ thanh tra từ ngày 01/01/2017 đến ngày 30/6/2022, khi cần thiết có thể thanh tra những nội dung liên quan trước hoặc sau thời kỳ thanh tra.

Thời hạn thanh tra là 60 ngày làm việc thực tế tại đơn vị kể từ ngày công bố quyết định thanh tra, trừ những ngày nghỉ theo quy định của pháp luật.

Ngoài các đơn vị của Thanh tra Chính phủ, lãnh đạo các bộ và đơn vị như: Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính; Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ; Chủ tịch Hội đồng Thành viên, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam; chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các công ty là thương nhân đầu mối (danh sách kèm theo quyết định); các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định số 396/QĐ-TTCP nêu rõ, Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành thanh tra trực tiếp tại 15 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu trên cả nước; Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn và Nhà máy Lọc dầu Bình Sơn.

Tại miền Bắc, các doanh nghiệp đầu mối trong đợt thanh tra có một số cái tên như: Tập đoàn Xăng đầu Việt Nam, Công ty Cổ phần Hóa dầu Quân đội; Công ty TNHH Hải Linh; Công ty TNHH MTV - Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội; Công ty TNHH Petro Bình Minh…

Tại miền Trung có 2 doanh nghiệp gồm: Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Hòa Khánh.

Tại khu vực miền Nam gồm 7 doanh nghiệp: Tổng Công ty Dầu Việt Nam; Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil, Tổng Công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ - CTCP; Công ty Cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Tháp; Công ty Cổ phần Thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu; Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Long Hưng; Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa.

Các đơn vị sản xuất xăng dầu (PVN có cổ phần chi phối và không chi phối) gồm: Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn và Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Trước đó, ngày 4/7, Thanh tra Chính phủ đã có Văn bản số 1012/TTCP-V.I gửi tới Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam… cùng với gần 20 doanh nghiệp là các thương nhân đầu mối xăng dầu.

Đồng thời, cử tổ công tác gồm 5 thành viên do ông Vũ Quốc Công, Vụ Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo khối kinh tế ngành (Vụ I) làm Tổ trưởng làm việc và thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu.

Thanh tra Chính phủ đề nghị 3 bộ: Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, 16 doanh nhân đầu mối báo cáo, tổng hợp số liệu và cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu như quy hoạch, phát triển hệ thống kinh doanh xăng dầu; việc tổ chức kinh doanh xăng dầu; việc quản lý kinh doanh xăng dầu; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hoạt động kinh doanh xăng dầu… cho tổ công tác làm việc và thu thập thông tin, tài liệu phục vụ công tác thanh tra năm 2022.

Niên độ báo cáo từ ngày 1/1/2017 đến ngày 31/3/2022.

Bộ Công thương báo cáo công tác lập, công bố công khai quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất, nhập khẩu dự trữ chiến lược, dự trữ lưu thông, hệ thống tuyến ống xăng dầu trên phạm vi cả nước. Qua đó, chỉ rõ các quy hoạch đã được phê duyệt, kết quả thực hiện quy hoạch, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân.

Đồng thời, báo cáo quy trình cấp phép kinh doanh xăng dầu đối với lĩnh vực kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu; sản xuất, pha chế xăng dầu; dự trữ xăng dầu...

Thanh tra Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ đã được Chính phủ quy định tại Nghị định số 83 ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; Nghị định số 95 ngày 1/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83 và các văn bản pháp luật liên quan khác.

Công tác tự thanh tra, kiểm tra, việc xử lý sau thanh tra về các nhiệm vụ được giao: Tổng số cuộc thanh tra, kiểm tra đã thực hiện; tồn tại hạn chế, vi phạm phát hiện sau thanh tra, kiểm tra; các biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý…

Cũng trong diễn biến về thanh tra các doanh nghiệp xăng dầu, trong những năm qua, Bộ Công Thương đã thành lập 3 đoàn thanh tra do Thanh tra Bộ và Tổng cục Quản lý thị trường tiến hành thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của 33 thương nhân kinh doanh xăng dầu trong giai đoạn từ 1/1/2021 đến 11/2/2022.

Qua thanh tra, đã làm rõ việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu như điều kiện đối với thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; thanh tra các vấn đề về giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, giấy xác nhận đủ điều kiện thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Đồng thời, tập trung thanh kiểm tra về hệ thống phân phối xăng dầu bao gồm các nội dung như cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu của thương nhân hoặc thuê; tổng đại lý kinh doanh xăng dầu hoặc đại lý bán lẻ xăng dầu hoặc thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của thương nhân...

Theo kế hoạch, ngày hôm nay (14/10), Bộ Công thương sẽ có buổi làm việc với Công ty TNHH MTV Dầu khí TP Hồ Chí Minh (Saigon Petro) kiểm tra kết quả thực hiện Kết luận số 9762, ngày 18/12/2020 về thanh tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động hóa chất, kinh doanh khí tại Saigon Ptro.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm