Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Sẽ thanh tra toàn diện việc sử dụng đất tại phường Châu Sơn

Thứ bảy, 18/01/2014 - 14:23

(Thanh tra)- Là ý kiến phát biểu kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Mai Tiến Dũng tại hội nghị đối thoại với hơn 60 công dân phường Châu Sơn, thành phố Phủ Lý liên quan đến việc thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Châu Sơn chiều ngày 16/1. Cùng dự có đại diện Văn phòng Chính phủ, Vụ Tiếp dân và xử lý đơn thư Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành có liên quan tại Hà Nam.

Toàn cảnh buổi đối thoại. Ảnh: Phương Hiếu

Chánh Thanh tra tỉnh Lại Văn Hải cho biết: Khu công nghiệp Châu Sơn được Chính phủ đồng ý về chủ trương và phương thức đầu tư xây dựng từ năm 2003. Thực hiện chủ trương này, các cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam đã giải quyết các thủ tục thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) theo quy định của pháp luật tại từng thời điểm. Đến năm 2009, hoàn thành việc GPMB và giao đất cho Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh và Công ty Cổ phần Phát triển hạ tầng Vĩnh Phúc để đầu tư xây dựng hạ tầng và các nhà đầu tư sản xuất kinh doanh.

Quá trình GPMB từ năm 2003 đến năm 2009, chủ đầu tư đã thực hiện đền bù, hỗ trợ đầy đủ cho người dân có đất bị thu hồi theo các quy định của pháp luật tại từng thời điểm. Người dân có đất bị thu hồi đã nhận đầy đủ tiền đền bù, hỗ trợ theo quy định của Nhà nước và bàn giao đất cho chủ đầu tư để đầu tư Khu công nghiệp Châu Sơn theo quy hoạch được phê duyệt.

Tuy nhiên, đến năm 2011, khi chủ đầu tư đang thi công xây dựng hạ tầng trên diện tích đất đã đền bù, GPMB được giao thì một số công dân trước đây có đất nông nghiệp thu hồi đã gửi đơn kiến nghị đòi đền bù thêm ngoài các quy định của pháp luật tại thời điểm thực hiện đền bù, GPMB, đồng thời tập trung đông người cản trở việc thi công xây dựng trong Khu công nghiệp.

Kể từ đó, một số người dân trên địa bàn phường Châu Sơn nhiều lần tổ chức đông người kéo đến trụ sở tiếp công dân của UBND thành phố, UBND tỉnh, Tỉnh ủy để gửi đơn đề nghị giải quyết đất dịch vụ 7% đối với đất nông nghiệp Nhà nước đã thu hồi trước đây để triển khai thực hiện các dự án.

Đại diện các hộ dân phát biểu tại buổi đối thoại. Ảnh: Phương Hiếu

Thực hiện Chỉ thị số 14 của Chính phủ, Kế hoạch số 1130 của Thanh tra Chính phủ, sau khi rà soát, nghiên cứu vận dụng các chế độ chính sách, trên cơ sở thực tiễn của địa phương xét thấy các hộ dân phường Châu Sơn có đất nông nghiệp thu hồi còn khó khăn về đời sống, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có Kết luận số 07- KL/TU (KL07) về chủ trương giải quyết hỗ trợ về thóc và đất ở cho người có đất nông nghiệp bị thu hồi theo từng giai đoạn. Hình thức hỗ trợ bằng giao đất ở có thu tiền chuyển mục đích sử dụng đất, nộp tiền GPMB, tự tổ chức thi công hạ tầng (Nhà nước hỗ trợ tiền quy hoạch, một phần hạ tầng khung và GPMB). UBND tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các ngành chức năng, UBND TP Phủ Lý xác định chi tiết kinh phí hỗ trợ, diện tích đất ở hỗ trợ cho từng hộ dân và đã thực hiện chi trả hỗ trợ tiền thóc (gần 90% số hộ dân đã nhận tiền hỗ trợ thóc), đồng thời đã quy hoạch, thông báo về việc giao đất hỗ trợ.

Tuy nhiên, một số người dân thuộc thôn Hưng Đạo, Thượng Hòa, phường Châu Sơn đã cố tình không hợp tác với chính quyền, không chấp nhận mức hỗ trợ trên mà đòi hỏi phải đề bù thêm, được hưởng đất hỗ trợ mà không phải nộp bất cứ khoản nào và tiếp tục ngăn cản việc thi công của chủ đầu tư, gây mất an ninh trật tự tại Khu công nghiệp.

Đỉnh điểm là sáng ngày 9/1, khoảng 150 người dân, chủ yếu là phụ nữ, người già và trẻ em đã tập trung đi bộ về Hà Nội với mục đích lên Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương để tiếp tục kiến nghị, khiếu kiện.

Cũng theo ông Hải, nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện là do cơ chế chính sách đền bù; hỗ trợ, tái định cư thay đổi nhiều lần trong một giai đoạn; chính sách sau có lợi hơn trước. Nhiều dự án thực hiện công tác bồi thường GPMB kéo dài qua các chính sách gây ra sự so sánh giữa người trước và người sau. Các dự án thực hiện theo Nghị định 197 được hỗ trợ bằng tiền, giá trị thấp trong khi các dự án thực hiện theo Nghị định 69 được áp dụng hỗ trợ bằng đất 7% có giá trị cao hơn. Bên cạnh đó là công tác tuyên truyền, vận động nhân dân có thời điểm còn thiếu đồng bộ, chưa chặt chẽ. 

Tại buổi đối thoại, các ông bà Trần Thị Hòa, Nguyễn Thị Thuấn, Phạm Đức Trạc, đại diện các hộ dân cho rằng cơ quan chức năng thành phố Phủ Lý và tỉnh Hà Nam thực hiện thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ GPMB thực hiện dự án không đúng quy định của pháp luật, người dân không được thỏa thuận với doanh nghiệp khi bị thu hồi đất; những người có đất bị thu hồi trước không được hỗ trợ bằng người có đất bị thu hồi sau; tổ chức cưỡng chế không đúng quy định của pháp luật… Các hộ dân đề nghị được nâng giá thóc hỗ trợ lên 9.000 đồng thay vì 6.700 đồng trước đó; đề nghị các cơ quan chức năng sớm thực hiện các nội dung theo KL 07; đề nghị được chuyển mục đích sử dụng đất; hỗ trợ thêm chi phí xây dựng hạ tầng và GPMB…

Trả lời những kiến nghị của người dân, đại diện UBND TP Phủ Lý, các sở, ban, ngành đã làm rõ những vấn đề người dân còn kiến nghị. Việc thực hiện thu hồi đất, hỗ trợ GPMB phải thực hiện theo đúng quy trình của pháp luật. Trường hợp thu hồi đất ở mới được bố trí đất tái định cư, còn thu hồi đất nông nghiệp không được bố trí đất tái định cư. Cũng không có quy định nào giao đất không thu tiền. Tất cả phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Phát biểu tại buổi đối thoại, đại diện Văn phòng Chính phủ, Hàm Vụ trưởng Vụ Khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng Trần Văn Sơn cho biết: Các hộ dân có quyền được khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật, Văn phòng Chính phủ sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát việc thực hiện của chính quyền địa phương trong quá trình thực hiện dự án cũng như việc giải quyết kiến nghị của các hộ dân. Trường hợp công dân có đơn khiếu nại lên Trung ương theo đúng trình tự, Vụ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ thành lập đoàn thanh tra liên ngành xem xét giải quyết theo đúng quy định của pháp luật…

Vụ trưởng Vụ Tiếp dân và xử lý đơn thư Nguyễn Hồng Điệp phát biểu tại buổi đối thoại. Ảnh: Phương Hiếu

Ông Nguyễn Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ Tiếp dân và xử lý đơn thư Thanh tra Chính phủ cho biết, khi quyền lợi của mình bị xâm phạm, người dân có quyền được đi khiếu nại và phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Những kiến nghị của các công dân phường Châu Sơn tại buổi đối thoại này, vẫn thuộc thẩm quyền của cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam. Công dân còn kiến nghị có đơn gửi các cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam để được xem xét giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Trên cơ sở nội dung kiến nghị đã được thống nhất, chính quyền địa phương sẽ có văn bản trả lời công dân, đồng thời gửi Trụ sở Tiếp dân của Trung ương Đảng và Nhà nước để phối hợp thực hiện.

Phát biểu kết thúc buổi đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Mai Tiến Dũng đã tiếp thu ý kiến của đại diện các hộ dân cũng như ý kiến của các cơ quan Trung ương về việc giải quyết những kiến nghị của các hộ dân. Theo đó, việc triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Châu Sơn đã tạo diện mạo mới cho TP Phủ Lý nói riêng và tỉnh Hà Nam nói chung. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cho thấy, việc thu hồi đất đã lâu, nhưng hiệu quả sử dụng chưa cao, nhiều dự án thực hiện kém. Ông Dũng cũng phê bình những người dân phường Châu Sơn đã tham gia vào cuộc đi bộ diễn ra vào ngày 9/1 vừa qua. Theo ông Dũng, người dân có quyền thực hiện quyền khiếu nại của mình nếu thấy chính quyền địa phương thực hiện không đúng quy định của pháp luật. Việc tụ tập đông người kéo lên Trung ương để gây sức ép là việc làm không đúng quy định của pháp luật.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Mai Tiến Dũng phát biểu kết luận buổi đối thoại. Ảnh: Phương Hiếu

Trả lời từng nội dung kiến nghị của các hộ dân, liên quan việc công dân cho rằng chính quyền địa phương tổ chức cưỡng chế thu hồi đất khi chưa có quyết định, không thông báo, ông Dũng cho biết, sự việc xảy ra ngày 8/1 không phải là cưỡng chế. Toàn bộ diện tích đất này đã có quyết định thu hồi từ trước và đã thực hiện hỗ trợ GPMB, người dân tự ý sử dụng trồng rau khi chưa được phép, nên không có chuyện tổ chức cưỡng chế mà không thông báo...

Đối với đề nghị của các hộ dân tăng giá thóc lên 9.000 đồng thay vì 6.700 đồng trước đó, ông Dũng đồng ý với phương án tăng lên 9.000 đồng. Các hộ dân lập danh sách gửi cơ quan chức năng để được xem xét giải quyết. Ông Dũng cũng nhận thiếu sót về sự chậm trễ trong việc chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện KL 07 của Thường vụ Tỉnh ủy. Do vậy, UBND tỉnh sẽ sớm chỉ đạo các ngành liên quan thực hiện các nội dung đã kết luận. Liên quan đến đề nghị hỗ trợ tiền GPMB và chuyển mục đích sử dụng đất, sẽ được tiếp tục bàn thêm.

“Tỉnh sẽ kiên quyết xử lý đối với những đối tượng cố tình lợi dụng khiếu nại gây khó cho cơ quan chức năng trong quá trình thực hiện. Tới đây, sẽ thành lập đoàn thanh tra liên ngành do Thanh tra tỉnh chủ trì để thanh tra toàn diện việc sử dụng đất, công tác xây dựng cơ bản, quản lý tại chính tại phường Châu Sơn với mục đích là không đổ oan cho người vô tội”, ông Dũng khẳng định.

Phương Hiếu

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hậu Giang: Qua thanh tra phát hiện sai phạm hơn 2,6 tỷ đồng

Hậu Giang: Qua thanh tra phát hiện sai phạm hơn 2,6 tỷ đồng

(Thanh tra) - Năm 2024, công tác thanh tra trên địa bàn tỉnh Hậu Giang luôn được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo sâu sát. Các cuộc thanh tra, kiểm tra được triển khai thực hiện theo quy định, nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm.

Thu Huyền

21:00 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm