Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Rà soát thông tin các đơn vị, doanh nghiệp trước khi tiến hành thanh, kiểm tra tránh chồng chéo

Thái Hải

Thứ tư, 14/07/2021 - 15:41

(Thanh tra) - Đó là một trong những nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH).

Thanh tra Bộ tiến hành thanh tra. Ảnh minh họa: Internet

Trong 6 tháng đầu năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng lớn đến nhiều hoạt động của đời sống xã hội. Bằng sự linh hoạt, chủ động, Bộ LĐTBXH đã hoàn thành 29,5% kế hoạch và 3 cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất bảo đảm chất lượng, quy định của pháp luật.

Bộ LĐTBXH đã tiến hành 232 cuộc thanh tra, kiểm tra, ban hành 1.030 kiến nghị, 29 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 1,2 đồng, 6 quyết định thu hồi nộp ngân sách Nhà nước (NSNN) số tiền là 289 triệu đồng, kiến nghị thu hồi nộp NSNN số tiền 38,5 triệu đồng; đang dự thảo kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về lao động, an toàn, vệ sinh lao động và bảo hiểm xã hội tại các công trình xây dựng trên địa bàn Hà Nội (theo kế hoạch thanh tra vùng 2 năm 2021).

Trong đó, Thanh tra Bộ tiến hành thanh tra hành chính và trên các lĩnh vực: Lao động; an toàn, vệ sinh lao động; người có công; bảo hiểm xã hội; trẻ em và xã hội; người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; giáo dục nghề nghiệp.

Cùng với công tác thanh tra, Thanh tra Bộ thực hiện giám sát hoạt động của đoàn thanh tra bằng việc ban hành 5 quyết định thành lập tổ giám sát đối với hoạt động của 5 đoàn thanh tra do lãnh đạo Thanh tra Bộ là trưởng đoàn.

Đối với các đoàn thanh tra còn lại, đã cử công chức thực hiện giám sát hoạt động của đoàn thanh tra. Hoạt động giám sát được thực hiện bằng nhiều phương thức, như: Lấy ý kiến phản hồi của đối tượng thanh tra qua phiếu lấy ý kiến, hộp thư điện tử hoặc qua điện thoại; qua báo cáo của đoàn thanh tra. Kết quả cho thấy, chưa có đoàn thanh tra bị phản ánh có hành vi vi phạm pháp luật, quy trình, thủ tục tiến hành thanh tra, quy tắc ứng xử.

Thanh tra Bộ cũng đôn đốc, xử lý việc thực hiện kiến nghị thanh tra, quyết định xử lý sau thanh tra. Kết quả theo dõi báo cáo thực hiện kiến nghị thanh tra trong 6 tháng đầu năm 2021 cho thấy, 142 kiến nghị đã thực hiện; 835 kiến nghị chưa thực hiện.

Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ LĐTBXH tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng và xây dưng lực lượng.

Các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Cục An toàn lao động) đã tiến hành thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch đã được phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật.

Như vậy, trong 6 tháng đầu năm 2021, hoạt động thanh tra tại Bộ LĐTBXH được thực hiện có trọng điểm. Qua thanh tra, đã kịp thời tiến hành rà soát, sửa đổi hệ thống quy định nội bộ nhằm tăng cường kỷ cương, chất lượng trong hoạt động chuyên môn, điều hành nội bộ, như: Sửa đổi quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế đánh giá cán bộ, công chức của đơn vị.

Tuy nhiên, hiện nay đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều đơn vị, doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong vùng có dịch. Do đó, một số cuộc thanh tra, kiểm tra dự kiến phải điều chỉnh phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Do đó, những tháng cuối năm 2021, Bộ LĐTBXH sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan để thực hiện rà soát thông tin các đơn vị, doanh nghiệp trước khi tiến hành thanh tra, kiểm tra nhằm thực hiện có hiệu quả các cuộc thanh tra kiểm tra theo kế hoạch thanh tra, tránh chồng chéo.

Mặt khác, rà soát, tổng hợp các cuộc thanh tra, kiểm tra đã thực hiện, chưa thực hiện theo kế hoạch thanh tra năm 2021 đã được phê duyệt, điều chỉnh kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm 2021 phù hợp với tình hình thực tiễn, đặc biệt là dịch Covid-19 và yêu cầu quản lý Nhà nước của ngành.

Tiếp tục theo dõi, đôn đốc các đối tượng được thanh tra thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra để bảo đảm và nâng cao hiệu quả của công tác thanh tra cũng như chức năng quản lý nhà nước về lao động.

Ngoài ra, nghiên cứu, xem xét các nội dung, lĩnh vực có nhiều nguy cơ rủi ro, mất an toàn lao động, dư luận quan tâm, bức xúc; những vấn đề cấp thiết cần tăng cường thanh tra, kiểm tra và theo yêu cầu quản lý Nhà nước của bộ, ngành để dự kiến xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2022.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm