Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 04/11/2014 - 10:00
(Thanh tra)- LTS: Ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 64/SL thành lập Ban Thanh tra đặc biệt, khai sinh ra ngành Thanh tra Việt Nam. Từ mốc son lịch sử đó, trải qua gần 70 năm xây dựng và trưởng thành với nhiều tên gọi và hình thức tổ chức khác nhau, ngành Thanh tra Việt Nam đã luôn đổi mới và phát triển cùng với sự lớn mạnh của sự nghiệp cách mạng và Nhà nước ta.
Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng. Ảnh: Thúy Nhài
Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống ngành Thanh tra Việt Nam, từ ngày hôm nay (4/11/2014), Báo Thanh tra trân trọng giới thiệu tới bạn đọc những bài viết về quá trình ra đời, phát triển cũng như những cống hiến to lớn của ngành Thanh tra Việt Nam trong hành trình “lớn lên cùng đất nước”.
Điều tra, hỏi chứng, đình chức, bắt giam… là những quyền năng mà Ban Thanh tra đặc biệt được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cho ngay khi ký Sắc lệnh thành lập cách đây gần 70 năm. Sau cuộc trò chuyện cùng Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng, chúng tôi - những thế hệ hậu bối của ngành Thanh tra - đã thấu hiểu hơn về những quyền năng đặc biệt này.
Vẹn nguyên giá trị lịch sử và thời sự
+ Có tuổi nghề thanh tra bằng gần một nửa lịch sử của ngành, Phó Tổng Thanh tra cũng là người gắn bó với với nhiều thế hệ lãnh đạo lão thành của ngành Thanh tra. Nhìn lại Sắc lệnh số 64/SL ngày 23/11/1945 (viết tắt là Sắc lệnh 64) thành lập Ban Thanh tra đặc biệt của ngành Thanh tra, ông có điều gì chia sẻ với thế hệ trẻ?
- Cảm ơn Báo Thanh tra đã dành cho tôi cuộc trò chuyện đặc biệt về những ngày đầu thành lập ngành trong không khí phấn khởi hướng đến kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống ngành Thanh tra Việt Nam. Đúng là, ngoài 5 năm trong quân ngũ, gần 5 năm học đại học, thời gian còn lại cho đến bây giờ tôi luôn gắn bó với ngành Thanh tra. Tôi đã đảm nhận nhiều vị trí trong các lĩnh vực công tác cán bộ, xây dựng thể chế, thanh tra, phòng, chống tham nhũng, xây dựng ngành… Do vậy, vào những ngày này, tôi rất xúc động và thường suy ngẫm về quá trình hình thành và phát triển của ngành Thanh tra.
Lịch sử quốc gia, dân tộc hay lịch sử của một ngành luôn phải trung thành với những diễn biến của nó trên thực tế. Có như vậy mới là lịch sử. Trở lại với Sắc lệnh 64, chúng ta đều hiểu rằng đó là một văn bản đặc biệt quan trọng với ngành Thanh tra. Qua câu chữ, có thể chủ quan mà nói rằng Sắc lệnh đã khai sinh ra cả ngành Thanh tra và cả ngành Tòa án với sự xuất hiện của Tòa án đặc biệt tại Điều III của Sắc lệnh. Tại Điều I của Sắc lệnh đã ghi rõ: “Chính phủ sẽ lập ngay một Ban Thanh tra đặc biệt, có ủy nhiệm là đi giám sát tất cả các công việc và các nhân viên của UBND và các cơ quan của Chính phủ”.
Chúng ta đều hiểu rằng, bối cảnh lúc ấy là có nhiều đơn thư khiếu nại, kêu oan của nhân dân gửi đến nên với cương vị của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy cần thiết phảỉ có ngay một thiết chế đặc biệt. Ban Thanh tra đặc biệt lúc ấy được hiểu như một thiết chế tự kiểm soát nội bộ của Chính phủ, khẳng định trách nhiệm của Chính phủ, của chính quyền trước nhân dân. Những than phiền của nhân dân về một Chính phủ non trẻ được hóa giải, xử lý ngay và lập lại trật tự, kỷ cương đảm bảo niềm tin của nhân dân vào Chính phủ.
Một điểm cần chú ý của Sắc lệnh này nằm ngay tại Điều VII “Ban Thanh tra và Tòa án đặc biệt do Sắc lệnh này lập ra chỉ có tính cách tạm thời”. Đặc biệt bởi lẽ tuy tạm thời nhưng Sắc lệnh vẫn vẹn nguyên giá trị thời sự và kinh điển cho đến ngày nay.
Quyền lực lớn
+ Quyền năng của Ban Thanh tra đặc biệt được hiểu như Ban được trao “thượng phương bảo kiếm”. Phó Tổng Thanh tra vừa nói Sắc lệnh còn nguyên giá trị thời sự. Điều này có mâu thuẫn không, thưa ông?
- Tại Điều II Sắc lệnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định Ban Thanh tra đặc biệt có toàn quyền: Nhận các đơn khiếu nại của nhân dân; điều tra, hỏi chứng, xem xét các tài liệu giấy tờ của các UBND hoặc các cơ quan của Chính phủ cần thiết cho công việc giám sát; đình chức, bắt giam bất cứ nhân viên nào trong UBND hay Chính phủ đã phạm lỗi trước khi mang ra Hội đồng Chính phủ hay Toà án đặc biệt xét xử; tịch biên hoặc niêm phong những tang vật và dùng mọi cách điều tra để lập một hồ sơ mang một phạm nhân ra Toà án đặc biệt; Ban Thanh tra có thể truy tố tất cả các việc đã xảy ra trước ngày ban bố Sắc lệnh này; Ban Thanh tra có quyền đề nghị lên Chính phủ những điều cần sửa đổi trong các cơ quan.
Như vậy, thực quyền của Ban Thanh tra đặc biệt lúc ấy là rất lớn. Và trong thực tế, Ban Thanh tra đặc biệt đã thực hiện những quyền năng này trong thực tế rất thuyết phục: Trả tự do cho nhiều chục người bị bắt giam oan tại Hà Nam; cách chức Chủ tịch X; trả tự do cho hàng chục người bị bắt oan tại Thanh Hóa; cách chức và hạ bậc công tác, thậm chí đưa ra khỏi ngành đối với chính trị viên trung đoàn và trung đoàn trưởng…
Điều đặc biệt quan trọng là, tất cả các xử lý của Ban Thanh tra đặc biệt có hiệu lực và được thực thi ngay trong thực tế. Ban Thanh tra cũng có quyền hồi tố để xem xét các sai phạm đã xảy ra trước khi Sắc lệnh được ký ban hành. Rõ ràng, thẩm quyền này là rất lớn.
Các bạn cũng biết, đến nay, các quyền năng đó đã được chuyên môn hóa ở nhiều ngành, nhiều cơ quan chuyên ngành khác nhau với nhiều trình tự, thủ tục thực hiện khác nhau thuộc về Tòa án, cơ quan Công an, Viện Kiểm sát…
Đây cũng là lý do khiến không ít cán bộ của ngành Thanh tra cho rằng mình đã bị giảm quyền, mất “thượng phương bảo kiếm”. Tuy nhiên, tôi cho rằng những quyền quan trọng nhất, xuyên suốt lịch sử ngành Thanh tra đã được thiết lập và còn nguyên giá trị.
+ Xin Phó Tổng Thanh tra phân tích cụ thể hơn về điều này.
- Trước hết, đó là quyền nhận các đơn khiếu nại của nhân dân. Trong gần 70 năm qua, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được toàn ngành Thanh tra nỗ lực thực hiện, hoàn thiện thể chế và nỗ lực nâng cao hiệu quả.
Tiếp đó là quyền “điều tra, hỏi chứng, xem xét các tài liệu giấy tờ của các UBND hoặc các cơ quan của Chính phủ cần thiết cho công việc giám sát. Ban Thanh tra có quyền đề nghị lên Chính phủ những điều cần sửa đổi trong các cơ quan”. Rõ ràng Sắc lệnh đã xác định luôn việc cơ quan Thanh tra (CQTT) đi thanh tra người và thanh tra việc, đó là các công việc và nhân viên của UBND và các cơ quan thuộc Chính phủ. Như vậy, phạm vi hoạt động của CQTT được xác định rất rõ ràng, cụ thể.
Còn khái niệm điều tra hỏi chứng mà Sắc lệnh nêu chính là quyền được cung cấp mọi thông tin. Tôi cho rằng đây là quyền to nhất, quyền cực kỳ quan trọng và giữ nguyên tính thời sự bất biến. Bởi đó chính là xác lập không có vùng cấm đối với CQTT. Khác với nhiều ngành khác, CQTT được cung cấp mọi tài liệu, kể cả tài liệu mật, tối mật để có một cái nhìn đúng đắn, sự đánh giá đầy đủ, khách quan và chính xác.
Trải qua gần 70 năm, đến nay, quyền được cung cấp thông tin vẫn là quyền tối quan trọng đối với CQTT. Nhiều người không chú trọng đến điều này và coi nó nhỏ thôi nhưng tôi cho rằng cần đặc biệt chú trọng đến quyền này. Nhất là trong thực tế, nhiều đối tượng thanh tra hiện nay, để che giấu những vi phạm của mình đã không cung cấp đầy đủ thông tin cho CQTT hoặc cố tình cắt xén, cung cấp thông tin không đúng. Điều đó dẫn đến việc đánh giá không đúng người đúng việc, thậm chí thay đổi bản chất của vấn đế dẫn đến các kiến nghị không đúng và có thể gây đến phản ứng trong dư luận xã hội. Tôi tin rằng với thông tin đúng, đầy đủ, CQTT sẽ có cái nhìn khách quan, đánh giá đúng đắn và kiến nghị xử lý thỏa đáng. Điều đó sẽ góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, của kết luận thanh tra, của cuộc thanh tra và của ngành Thanh tra nói chung.
Khai thác Sắc lệnh để phát triển ngành
+ Từ trước đến nay, nhiều cán bộ của ngành Thanh tra chú trọng đến thực quyền “thượng phương bảo kiếm” là đình chức, bắt giam. Tuy nhiên, còn một góc độ đặc biệt khác của Sắc lệnh là sự xuất hiện của Tòa án đặc biệt?
- Đúng là như vậy. Ban Thanh tra đặc biệt có quyền đình chức, bắt giam bất cứ nhân viên nào của UBND và các cơ quan thuộc Chính phủ đã phạm lỗi trước khi mang ra Hội đồng Chính phủ hay Tòa án đặc biệt xét xử. Theo tôi, rất cần dừng lại ở quyền năng này vì có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của ngành Thanh tra nói chung.
Rõ ràng, tại thời điểm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định luôn một trình tự xem xét, xử lý đồng bộ. Ban Thanh tra đặc biệt kết luận sai phạm có quyền truy tố, buộc tội người phạm lỗi trước Tòa án đặc biệt chứ không phải trình lên rồi để đấy.
Tòa án đặc biệt này xử ai? Xử những nhân viên của UBND và các cơ quan thuộc Chính phủ do Ban Thanh tra đặc biệt truy tố. Đây là điều rất đặc biệt. Vừa rồi, như các bạn biết, tại Hội nghị trước thềm Đối thoại Phòng, chống tham nhũng 2014, các đại biểu quốc tế và trong nước đã đề cập đến việc thành lập một thiết chế chuyên trách, độc lập để chống tham nhũng. Đây là một giải pháp cần sớm được nghiên cứu để thể chế hóa thành luật. Bởi, theo pháp luật về phòng, tham nhũng của Việt Nam ai là người có thể tham nhũng? Đó là người có chức, có quyền trong khu vực công. Khu vực công hiện nay không phải chỉ có các cơ quan hành chính Nhà nước mà còn bao gồm nhiều cơ quan thực thi quyền hành pháp, lập pháp, tư pháp, cung cấp dịch vụ công… Nhìn lại Sắc lệnh 64, Ban Thanh tra đặc biệt có quyền truy tố các cá nhân trong khu vực Nhà nước. Liên hệ với lĩnh vực chống tham nhũng hiện nay, tôi cho rằng để chống tham nhũng hiệu quả, cần có một thiết chế độc lập, kiểm soát tốt khu vực công. Vì trong lịch sử đã có chứ không thể nói là chưa có bao giờ.
Trở lại với câu hỏi của bạn và nghiên cứu lịch sử phát triển của ngành, tôi cho rằng nên khai thác ở chi tiết Tòa án đặc biệt này để có một cái nhìn mới và kiên định các giải pháp xây dựng, phát triển ngành Thanh tra. Rõ ràng, Sắc lệnh 64 đã đưa ra một trình tự, một lề lối thanh tra rất chặt chẽ, đảm bảo hiệu lực thực thi trong thực tiễn để xử lý dứt điểm các sai phạm do thanh tra phát hiện. Khai thác tốt nội dung này sẽ phục vụ rất tốt cho việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra, xây dựng thể chế của ngành.
Tôi cho rằng hiện nay các quy định pháp luật của ngành Thanh tra khá đầy đủ, đồng bộ. Do vậy, chỉ cần đảm bảo các quy định pháp luật đó được thực hiện trong thực tiễn và chú trọng tính khả thi của các kết luận, kiến nghị thanh tra là đã nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của ngành Thanh tra mà không cần phải đòi hỏi thêm quyền như đình chức, bắt giam… Tất nhiên, để làm được điều đó, vấn đề then chốt là công tác cán bộ mà tôi sẽ trở lại với độc giả Báo Thanh tra ở một dịp khác. (Cười).
+ Xin trân trọng cảm ơn Phó Tổng Thanh tra, mong ông thường xuyên dành cho cán bộ ngành và độc giả của Báo những chia sẻ thú vị!
- Ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 64/Sl thành lập Ban Thanh tra đặc biệt, tổ chức tiền thân của ngành Thanh tra;
- Ngày 21/12/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 138/B-SL thành lập Ban Thanh tra Chính phủ thay thế Ban Thanh tra đặc biệt;
- Ngày 28/3/1956, Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra Sắc lệnh số 26/SL thành lập Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ;
- Ngày 1/4/1990, Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam ký Sắc lệnh công bố Pháp lệnh Thanh tra. Ủy ban Thanh tra Nhà nước được đổi tên thành Thanh tra Nhà nước;
- Từ ngày 1/10/2004, Thanh tra Nhà nước đổi tên thành Thanh tra Chính phủ.
Thúy Nhài (Thực hiện)
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Năm 2024, công tác thanh tra, kiểm tra luôn được lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang và thủ trưởng các đơn vị quan tâm triển khai. Đặc biệt, hoạt động kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm, nông lâm thủy sản luôn được tăng cường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Cảnh Nhật
09:00 12/12/2024(Thanh tra) - Năm 2024, toàn ngành Thanh tra thành phố Hải Phòng đã triển khai 131 cuộc thanh tra hành chính tại 336 đơn vị. Qua đó, đã phát hiện sai phạm 37.964 triệu đồng.
Kim Thành
08:00 12/12/2024Lâm Ánh
07:00 12/12/2024Thu Huyền
06:00 12/12/2024Thu Huyền
20:04 11/12/2024Chính Bình
15:33 11/12/2024PV
Trần Lê
Trần Quý
Kim Thành
Đông Hà + Thanh Hoa
Cảnh Nhật
Phương Anh
TC
TC
Kim Thành
Bùi Bình
Cao Sơn