Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Quý I/2022, ngành Thanh tra triển khai 34.317 cuộc thanh tra, kiểm tra

Thái Hải

Thứ ba, 05/04/2022 - 06:36

(Thanh tra)- Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ (TTCP) trong quý I/2022, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 34.317 cuộc thanh tra, kiểm tra.

Hội nghị triển khai công tác thanh tra năm 2022 của ngành Thanh tra. Ảnh: LP

Trong đó, tập trung thực hiện cuộc thanh tra chuyên đề việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng, chống dịch Covid-19; thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về khiếu nại (KN), tố cáo (TC) và thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN).

Chuyển cơ quan điều tra, xử lý 65 vụ, 37 đối tượng

Quý 1/2022, toàn ngành đã triển khai 2.477 cuộc thanh tra hành chính và 31.840 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra, chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 16.490 tỷ đồng, 3.069ha đất.

Trong đó, kiến nghị thu hồi 8.897 tỷ đồng và 114ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 7.593 tỷ đồng, 2.955ha đất; ban hành 23.111 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân với số tiền 850 tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 418 tập thể và 828 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 65 vụ, 37 đối tượng.

Toàn ngành đã tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 2.313 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra. Trong đó, có 721 kết luận thanh tra đã hoàn thành 100% các nội dung phải thực hiện (chiếm 31,2% tổng số kết luận thanh tra được đôn đốc, kiểm tra).

Qua đôn đốc, các cơ quan chức năng đã thu hồi 443 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 58%), 1ha đất; xử lý hành chính 431 tổ chức, 1.179 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 14 vụ, 21 đối tượng; khởi tố 1 vụ, 2 đối tượng; ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 56 văn bản về cơ chế, chính sách, pháp luật theo kiến nghị tại các kết luận thanh tra (đạt tỷ lệ 45,5%).

Cũng trong quý 1/2022, TTCP tiếp tục triển khai 4 đoàn công tác liên ngành kiểm tra tình hình giải quyết, khắc phục tồn tại theo các kết luận thanh tra đối với các dự án đầu tư tại Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa. Đồng thời, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp tham mưu tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch, quy chế làm việc, thành lập tổ giúp việc và yêu cầu các địa phương báo cáo kết quả thực hiện và vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra.

Mặt khác, ngành Thanh tra tập trung thực hiện cuộc thanh tra chuyên đề việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng, chống dịch Covid-19. Riêng TTCP tiến hành thanh tra nội dung này tại Bộ Y tế, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và hướng dẫn, chỉ đạo hoạt động thanh tra của các bộ, ngành, địa phương; triển khai thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch Điện VII và Quy hoạch Điện VII điều chỉnh; bổ sung thanh tra công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu.

Quý II/2022, ngành Thanh tra tiếp tục thực hiện kế hoạch thanh tra năm 2022; tập trung ban hành kết luận các cuộc thanh tra đã kết thúc thanh tra trực tiếp; tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện Kế hoạch thanh tra năm 2022; phối hợp xử lý kịp thời chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; tăng cường công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, nhất là các kết luận thanh tra do Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; phối hợp tổng kết công tác rà soát các cuộc thanh tra tại địa phương.

Giải quyết các vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền đạt 61,2%

Về công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, trong quý, có 70.204 lượt người đến cơ quan hành chính Nhà nước KNTC, kiến nghị, phản ánh (giảm 17,6% so với cùng kỳ năm 2021), với tổng số người được tiếp là 73.950 người, có 490 đoàn đông người (giảm 25,1%), trong đó:

TTCP chủ trì, tiếp 435 lượt (giảm 36,9%), với 993 người được tiếp (tăng 44,1%) đến trình bày về 432 vụ việc (giảm 33,2%), có 47 đoàn đông người (giảm 26,6%); các bộ, ngành đã tiếp 7.193 lượt (tăng 295,4% so với năm 2021), với 7.373 người được tiếp (tăng 305,3%) về 7.181 vụ việc (tăng 312,2%), có 13 đoàn đông người (tăng 18,2%); các địa phương đã tiếp 62.576 lượt, với 65.584 người được tiếp về 47.808 vụ việc, có 430 đoàn đông người; so với năm 2021 giảm 24,3% số lượt tiếp, giảm 20,7% số người được tiếp, giảm 12,4% số vụ việc và giảm 25,7% số đoàn đông người; thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đã tiếp 19.959 lượt với người được tiếp về 20.470 vụ việc, có 197 đoàn đông người.

Các cơ quan hành chính tiếp nhận 95.696 đơn các loại; đã xử lý 88.565 đơn, có 76.895 đơn đủ điều kiện xử lý, chiếm 80,4% tổng số đơn đã xử lý; qua xử lý có 11.477 đơn KN, 4.268 đơn TC, 61.150 đơn kiến nghị, phản ánh; có 6.476 vụ việc KN, 2.117 vụ việc TC thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính Nhà nước.

Kết quả TTCP tiến hành kiểm tra, rà soát và kết luận, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý 69 vụ việc KNTC phức tạp, trong đó có những vụ việc đã được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết nhưng công dân không nhất trí, tiếp tục KN.

Các bộ, ngành, địa phương đã giải quyết 5.367/8.773 vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền, đạt 61,2% (tăng 2,7% so với năm 2021).

Qua giải quyết KNTC đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 0,3 tỷ đồng, 0,6ha đất; trả lại cho tổ chức, cá nhân 4,1 tỷ đồng, 2,5ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 6 tổ chức, 61 cá nhân; kiến nghị xử lý 119 người (trong đó có 78 cán bộ, công chức); chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 2 vụ, 3 đối tượng (có 2 cán bộ, công chức).

Phát hiện 13 vụ việc, 18 người liên quan đến tham nhũng

Trong những tháng đầu năm, kết quả kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giải quyết KN, xử lý TC, PCTN đã được công bố, công khai theo đúng quy định của pháp luật; các bộ, ngành, địa phương kiểm tra tại 2.880 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, phát hiện 18 đơn vị vi phạm; ban hành 6.168 văn bản; huỷ bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung 815 văn bản về chế độ, định mức, tiêu chuẩn;

Đồng thời, tiến hành 719 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, phát hiện 31 vụ việc vi phạm, 79 người vi phạm, kiến nghị thu hồi và bồi thường 8,2 tỷ đồng; tiến hành kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức tại 2.335 cơ quan, tổ chức, đơn vị, đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và xử lý 103 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm; tiến hành chuyển đổi vị trí công tác đối với 10.800 cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng.

Về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, trong kỳ báo cáo có 1 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, đã xử lý kỷ luật 11 người.

Về phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, ngành Thanh tra tiếp tục hướng dẫn các cơ quan Nhà nước và chỉ đạo cơ quan thanh tra tăng cường việc phát hiện và xử lý tham nhũng. Trong quý I/2022, các cơ quan hành chính Nhà nước phát hiện 13 vụ việc, 18 người liên quan đến tham nhũng.

Trong quý I/2022, các ngành, các cấp ban hành mới 4.876 văn bản; sửa đổi, bổ sung 109 văn bản, bãi bỏ 19 văn bản không phù hợp; mở 79.792 lớp tuyên truyền pháp luật cho 466.292 lượt cán bộ, nhân dân tham gia; xuất bản 70.471 đầu sách, tài liệu tuyên truyền pháp luật về PCTN.

Cùng với đó, ngành Thanh tra tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ theo Nghị định 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ; giúp Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị ban hành Quy chế Phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập (TSTN); xây dựng quy trình quản lý, khai thác bản kê khai TSTN; báo cáo Thủ tướng Chính phủ về định hướng kế hoạch xác minh kê khai TSTN...

Chuẩn bị kế hoạch, báo cáo tổng kết việc thực hiện Chiến lược Quốc gia về PCTN đến năm 2020 và kế hoạch thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng…

Về phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, ngành Thanh tra sẽ tiếp tục tham mưu giúp Chính phủ tổng kết Chiến lược Quốc gia PCTN đến năm 2020 và kế hoạch thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Cơ sở Dữ liệu quốc gia về kiểm soát TSTN; triển khai xây dựng nghị quyết của Chính phủ về Chiến lược Quốc gia về PCTN đến năm 2030.

Đôn đốc các bộ ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan hoàn thành việc kê khai và tổng hợp báo cáo kết quả kê khai TSTN năm 2021; hoàn thành việc chấm điểm đánh giá công tác PCTN năm 2021 tại các địa phương; tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa TTCP với các cơ quan liên quan trong việc trao đổi, cung cấp thông tin về các vụ việc tham nhũng.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm