Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phát huy và nâng cao vị thế của ngành Thanh tra

Thứ hai, 11/02/2019 - 07:38

(Thanh tra)- Trao đổi với PV Báo Thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh, cán bộ, công chức ngành Thanh tra cần phải phát huy và tiếp tục nâng cao vị thế của ngành để góp phần vào việc phòng, chống tham nhũng và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái. Ảnh: HG

Chuyển biến tích cực…

+ Khi nhận nhiệm vụ Tổng Thanh tra Chính phủ, thông điệp ông gửi đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Thanh tra là “hứa phải đi đôi với làm”. Nhìn lại sau hơn 1 năm làm Tổng Thanh tra Chính phủ, ông thấy hài lòng điều gì?

- Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái: Sau khi nhận nhiệm vụ làm Tổng Thanh tra Chính phủ, cuối năm 2017, tôi đã bắt tay vào việc, cùng với các đồng chí trong tập thể lãnh đạo Thanh tra Chính phủ hướng dẫn và chỉ đạo định hướng cho toàn ngành Thanh tra xây dựng chương trình, kế hoạch công tác thanh tra năm 2018 trình Thủ tướng Chính phủ và Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước phê duyệt.

Năm qua, Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ công tác. Nhờ có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp, giúp đỡ của các ngành, các cấp, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, cùng với sự quyết tâm cao của toàn Ngành nên đã có sự chuyển biến toàn diện, tích cực.

Điều làm tôi hài lòng nhất là một số cuộc thanh tra trọng điểm, có tính chất phức tạp, dư luận đặc biệt quan tâm đã được Thanh tra Chính phủ kết luận và kiến nghị xử lý nghiêm minh như: Thanh tra dự án Tổng Công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nghìn Toàn Cầu (AVG); cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn; cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam...; đã được dư luận đồng tình, đánh giá cao, tạo niềm tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân vào công cuộc phòng, chống tham nhũng ở nước ta.

Qua thanh tra đã phát hiện, xử lý được nhiều vi phạm pháp luật; chất lượng các kết luận thanh tra được nâng lên, bảo đảm khách quan, chính xác, đúng pháp luật; số vụ việc chuyển cho cơ quan điều tra cũng nâng lên; việc thu hồi tiền và tài sản về cho Nhà nước cũng đã có những tiến bộ đáng kể.

Ngành Thanh tra đã phát huy vai trò nòng cốt trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết kịp thời nhiều vụ việc phát sinh để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân.

Thanh tra Chính phủ đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ tổ chức Hội nghị công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo với các địa phương có nhiều vụ việc đông người, phức tạp để chỉ đạo quyết liệt, tập trung, nâng cao trách nhiệm của các ngành, các cấp, người đứng đầu trong công tác này; tiến hành kiểm tra, kết luận một số vụ việc phức tạp, dư luận quan tâm (trong đó có vụ việc Thủ Thiêm); trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ Công tác đặc biệt và xây dựng kế hoạch để chuẩn bị kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, nổi cộm trong thời gian tới.

Thanh tra Chính phủ đã đẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, đã giúp Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Tố cáo (sửa đổi), Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), là 2 đạo luật quan trọng để làm cơ sở pháp lý cho việc nâng cao hiệu quả công tác xử lý tố cáo và phòng, chống tham nhũng với nhiều giải pháp mới và có tính chất đột phá.

Thông qua hoạt động của mình, ngành Thanh tra đã phát hiện được nhiều vụ việc tham nhũng và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để xử lý theo pháp luật.

Dấu ấn năm 2018 qua những con số

- 7.166 cuộc thanh tra hành chính và 219.796 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành được ngành Thanh tra triển khai.

- 29.769 tỷ đồng và 1.007 ha đất kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước qua công tác thanh tra.

- 2.076 tập thể và nhiều cá nhân bị kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính.

- 96 vụ, 151 đối tượng chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý.

- 12.155 tỷ đồng (86% tài sản vi phạm) phát hiện qua các cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành đã được thu hồi.

- 394.224 lượt công dân với 271.249 vụ việc; 4.475 đoàn đông người được các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp tiếp.

- 23.573 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt 83,7% được cơ quan hành chính Nhà nước các cấp giải quyết.

-2.968 tỷ đồng, trên 100 ha đất; 1.505 người đã được trả lại quyền lợi qua giải quyết khiếu nại, tố cáo.

- 1.113.422 người đã kê khai tài sản thu nhập và 1.111.818 bản kê khai đã được công khai.

- 35 người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, trong đó 3 người đã bị xử lý hình sự; 32 người bị xử lý kỷ luật hành chính.

- 9.996 cán bộ, công chức, viên chức chuyển đổi vị trí công tác.

- 50 vụ với 101 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra.

- 30 vụ, 43 người có hành vi liên quan đến tham nhũng được phát hiện qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

- 13 vụ, 14 người có hành vi liên quan đến tham nhũng được phát hiện qua công tác tự kiểm tra nội bộ của các cơ quan, tổ chức.

Những kết quả đó đã được Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao tại Hội nghị tổng kết Ngành, vai trò, uy tín của ngành Thanh tra được củng cố, tăng cường. Đây chính là những tiền đề quan trọng để ngành Thanh tra tiếp tục phát huy trong thời gian tới.

+ Như ông vừa nói, vai trò, uy tín của Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra đã được củng cố, tăng cường. Vậy, còn điều gì, Tổng Thanh tra vẫn băn khoăn, trăn trở?

- Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái: Sau hơn 7 năm thi hành Luật Thanh tra mặc dù đã đạt được nhiều kết quả nhưng một số quy định của Luật vẫn còn bất cập, vướng mắc cần phải nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung, như: Các quy định về quyền hạn thanh tra; thời gian ban hành kết luận thanh tra; kiểm tra, giám sát hoạt động của đoàn thanh tra; thẩm định dự thảo kết luận thanh tra; sự phối hợp trong việc xử lý sau thanh tra…

Trình độ nghiệp vụ, kỹ năng thanh tra của một số cán bộ, công chức chưa đáp ứng được yêu cầu. Lực lượng thanh tra viên tại các cơ quan thanh tra còn thiếu, nhất là cấp huyện hiện nay cơ quan thanh tra có nơi chỉ 3-4 người, gây khó khăn cho việc tổ chức đoàn thanh tra.

Ngay như Thanh tra Chính phủ, số lượng biên chế trực tiếp “tác chiến” khoảng 300 người, trong khi khối lượng công việc được giao rất lớn, nhiều công việc nhạy cảm, phức tạp được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm nên có lúc, có việc chậm tiến độ.

Bên cạnh đó, cũng thẳng thắn thấy rằng, việc phát hiện, xử lý tham nhũng qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn có những hạn chế. Số vụ việc chuyển cơ quan điều tra đã có tiến bộ nhưng so với thực tế vẫn mức độ…

Tất cả những vấn đề trên, cần phải có giải pháp tháo gỡ, cũng như tập trung khắc phục để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó.

Không thỏa mãn với thành tích đạt được

+ Năm 2019, là năm có vị trí rất quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi toàn bộ Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2021. Công việc của ngành Thanh tra được đánh giá sẽ nhiều hơn và phức tạp hơn. Ông có thể khái quát những trọng tâm lớn sẽ triển khai?

- Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái: Năm 2019, Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra sẽ cùng với các ngành, các cấp nỗ lực hơn nữa để phát huy kết quả đạt được, khắc phục tồn tại hạn chế, nghiên cứu, cụ thể hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tổng kết Ngành và Nghị quyết 01 của Chính phủ thành chương trình, kế hoạch với tinh thần không thỏa mãn với thành tích đạt được mà phải quyết tâm và nỗ lực cao hơn nữa để đạt được kết quả cao hơn và có những đóng góp quan trọng hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, trong đó, tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm.

Cụ thể là triển khai có hiệu quả nhiệm vụ thanh tra theo kế hoạch được duyệt và đột xuất được giao. Tiến hành thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng, dễ phát sinh vi phạm, tiêu cực, tham nhũng để phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh, thu hồi tiền, tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt về cho Nhà nước.

Thanh tra Chính phủ giảm số cuộc thanh tra theo kế hoạch để nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ thanh tra và tập trung nguồn lực cho cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Triển khai thanh tra chuyên đề về mua sắm, đấu thầu thuốc chữa bệnh, trang thiết bị, vật tư y tế, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế để hoàn thiện cơ chế quản lý, xử lý vi phạm và làm sao để có cơ chế đấu thầu có trang thiết bị và thuốc chữa bệnh có chất lượng tốt nhất phục vụ người dân.

Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết kịp thời, có chất lượng các vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh; tập trung kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài. Thông qua công tác này để bảo vệ quyền và lợi ích của công dân, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, triển khai Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), nhất là các giải pháp mới; thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa tham nhũng theo hướng đi vào thực chất; nâng cao năng lực phát hiện, xử lý tham nhũng, và thu hồi tài sản tham nhũng chiếm đoạt, bảo đảm nghiêm minh, có tính răn đe theo đúng quy định của pháp luật với tinh thần “không khoan nhượng” để thực hiện bằng được mục tiêu đẩy lùi tham nhũng mà Nghị quyết của Trung ương đã đề ra.

Đồng thời, tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế gắn với thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng; chú trọng hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác này.

Ngành Thanh tra cũng tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức cán bộ thanh tra theo hướng tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành và thực thi pháp luật. Tăng cường quản lý Nhà nước và chủ động phối hợp chặt chẽ trong ngành, với các ngành, các cấp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đổi mới công tác thi đua khen thưởng theo hướng khen thưởng đột xuất để tạo ra động lực mới cho ngành.

“Nhiệm vụ trong năm 2019 là rất nặng nề, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, cùng với sự ủng hộ của các cấp, các ngành, các cơ quan Trung ương, địa phương nhằm giúp Thanh tra Chính phủ và toàn ngành Thanh tra hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao”, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái bày tỏ. Ảnh: Quang Hiếu

+ Với đội ngũ cán bộ ngành Thanh tra, theo ông, làm thế nào để thực hiện tốt hơn các yêu cầu nhiệm vụ trong năm mới?

- Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái: Tôi mong muốn, làm sao xây dựng được môi trường làm việc đoàn kết, thân thiện và có trách nhiệm, vị thế của ngành Thanh tra tiếp tục được nâng lên. Muốn thế thì trước hết, lãnh đạo các cơ quan thanh tra cùng đội ngũ công chức, viên chức, người lao động ngành Thanh tra phải gương mẫu, nâng cao năng lực, trình độ, đạo đức nghề nghiệp, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, nhất là trong quá trình thực thi công vụ.

Thời gian tới, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ sẽ tăng cường giáo dục và nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức; sửa đổi, bổ sung các quy trình nghiệp vụ thanh tra và tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động đoàn thanh tra để bảo đảm khách quan, trung thực, công tâm, minh bạch, tránh tình trạng nhũng nhiễu, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, ảnh hưởng đến uy tín của Ngành.

Nhân dịp năm mới, tôi gửi tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra cùng gia đình lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, an khang và thành công!

+ Xin trân trọng cảm ơn Tổng Thanh tra!

Hương Giang (Thực hiện)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

An Giang: Xử lý nghiêm các vi phạm ở lĩnh vực nông nghiệp

An Giang: Xử lý nghiêm các vi phạm ở lĩnh vực nông nghiệp

(Thanh tra) - Năm 2024, công tác thanh tra, kiểm tra luôn được lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang và thủ trưởng các đơn vị quan tâm triển khai. Đặc biệt, hoạt động kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm, nông lâm thủy sản luôn được tăng cường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Cảnh Nhật

09:00 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm