Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác ngành Thanh tra

Phương Anh- Phương Hiếu

Thứ sáu, 14/07/2023 - 22:06

(Thanh tra)- Tại Hội nghị Trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của ngành Thanh tra, nhiều tham luận đã nêu bật được những kết quả trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN,TC) và phòng, chống tham nhũng (PCTN). Bên cạnh đó, cũng chia sẻ những khó khăn, tồn tại trong thực hiện nhiệm vụ, qua đó có kiến nghị góp phần nâng cao hiệu quả công tác ngành Thanh tra.

Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng TTCP Đoàn Hồng Phong chủ trì Hội nghị Trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của ngành Thanh tra. Ảnh: PA

Thiếu tướng Nguyễn Văn Xiển, Phó Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng: Tăng cường thanh tra trách nhiệm của chỉ huy các cấp

Căn cứ vào định hướng công tác thanh tra năm 2023 của Thanh tra Chính phủ (TTCP), Thanh tra Bộ Quốc phòng đã đã tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành chỉ thị về công tác thanh tra quốc phòng năm 2023 và hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trong toàn quân xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2023 theo đúng quy định. Bên cạnh đó, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xử lý chồng chéo trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra. Chủ động thực hiện kế hoạch công tác thanh tra năm 2023 đã được chỉ huy các cấp phê duyệt ngay từ đầu năm.

6 tháng đầu năm 2023, ngành Thanh tra Quốc phòng đã tiến hành thanh tra đối với 186 cơ quan, đơn vị về chấp hành pháp luật Nhà nước, quy định của Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, kinh tế - xã hội, tiếp công dân, giải quyết KN,TC và PCTN, tiêu cực.

Để triển khai thực hiện Luật Thanh tra năm 2022, Thanh tra Bộ Quốc phòng đang triển khai xây dựng nghị định thay thế Nghị định số 33/2014/NĐ-CP ngày 26/4/2014 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra quốc phòng.

Ngoài ra, để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay, Bộ Quốc phòng đang xây dựng và hoàn thiện Đề án “Nghiên cứu hoàn thiện hệ thống cơ quan tư pháp, thanh tra, pháp chế, phòng chống tội phạm các cấp trong quân đội đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Xiển, Phó Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng. Ảnh: PA

Về công tác giải quyết KN,TC, Bộ Quốc phòng đã luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan, đơn vị trong toàn quân thực hiện nghiêm các quy định cuả pháp luật, chỉ đạo của TTCP về giải quyết KN,TC. Tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của chỉ huy các cấp trong việc chấp hành pháp luật về tiếp công dân, giải quyết KN,TC; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong công tác tiếp dân, giải quyết KN,TC để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ hiện nay.

Thanh tra Bộ Quốc phòng đề nghị cấp uỷ, chính quyền các cấp tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức và ý thức của công dân về thực hiện quyền, nghĩa vụ của người KN,TC; thực hiện công khai, minh bạch về tài chính, ngân sách, các chế độ, chính sách, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Đề nghị cơ quan chức năng các cấp nêu cao tinh thần trách nhiệm, giải quyết kịp thời, dứt điểm, đúng pháp luật đối với các vụ việc KN,TC của công dân ngay từ cơ sở, tránh xảy ra tình trạng đơn thư kéo dài, vượt cấp.

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Văn Tuấn: Những điểm cần lưu ý trong Luật Thanh tra 2022

Luật Thanh tra năm 2022 có nhiều nội dung mới về tổ chức và hoạt động thanh tra, quá trình tổ chức thực hiện luật, thanh tra các bộ, ngành, địa phương cần lưu ý:

Về xây dựng, ban hành kế hoạch thanh tra, Luật Thanh tra 2022 có quy định, kế hoạch thanh tra của bộ do bộ trưởng ban hành bao gồm kế hoạch thanh tra của thanh tra bộ và thanh tra tổng cục, cục; kế hoạch thanh tra của tỉnh bao gồm kế hoạch thanh tra của thanh tra tỉnh, thanh tra sở và thanh tra huyện.

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Văn Tuấn. Ảnh: PA

Luật Thanh tra 2022 không quy định thẩm quyền của thanh tra bộ thanh tra đối với doanh nghiệp Nhà nước do bộ trưởng quyết định thành lập. Thanh tra tỉnh thanh tra đối với doanh nghiệp nhà nước do chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập. Bên cạnh đó, luật cũng bỏ quy định về thanh tra thường xuyên. Do đó, trong quá trình xây dựng kế hoạch thanh tra, thanh tra bộ, thanh tra tỉnh cần lưu ý nội dung này.

Về hoạt động thanh tra, thanh tra các bộ, ngành, địa phương cần lưu ý một số điểm mới, như: Về thẩm quyền thanh tra; thời hạn thanh tra; quy định về trưởng đoàn thanh tra, phó trưởng đoàn thanh tra, thẩm quyền của thành viên đoàn…

Ngoài ra, luật cũng quy định trình tự, thủ tục riêng thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành…

Đáng lưu ý, một trong những điểm mới của Luật Thanh tra 2022 là việc quy định một cuộc thanh tra có thể ban hành nhiều kết luận thanh tra. Ngoài ra, luật mới đã kéo dài thời hạn xây dựng báo cáo kết quả thanh tra và xây dựng dự thảo kết luận thanh tra.

Đối với vấn đề xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, luật mới quy định xử lý chồng chéo từ khâu lập kế hoạch; xử lý chồng chéo trong quá trình tiến hành hoạt động thanh tra; xử lý chồng chéo giữa hoạt động thanh tra và hoạt động Kiểm toán Nhà nước thông qua việc tăng cường phối hợp hoạt động, trao đổi thông tin từ khâu lập kế hoạch thanh tra, kế hoạch kiểm toán đến quá trình tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm toán…

Về việc thu hồi tài sản, Luật Thanh tra 2022 quy định việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát có thể được thực hiện trước khi ban hành kết luận thanh tra. Nghị định số 43/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 cũng đã quy định cụ thể hoá một bước vấn đề này.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh: Công khai, dân chủ, giải quyết đầy đủ quyền lợi hợp pháp chính đáng của công dân

Thời gian qua, công tác tiếp công dân, giải quyết KN,TC luôn được Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát. UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện sát sao, nghiêm túc, quyết liệt bằng nhiều biện pháp.

Nhận thức, ý thức trách nhiệm của thủ trưởng các sở, ban, ngành và chủ tịch UBND các huyện, thành phố có chuyển biến tích cực; công tác nắm tình hình, đối thoại với công dân, gắn việc tiếp công dân với giải quyết KN,TC, kiến nghị, phản ánh, giải thích pháp luật được tăng cường; chất lượng, tỷ lệ giải quyết đơn được nâng lên.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: PA

Để thực hiện tốt công tác thanh tra, giải quyết KN,TC và PCTN, tiêu cực trên địa bàn, thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan hành chính trong thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết KN,TC theo quy định của pháp luật và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác tiếp công dân, giải quyết KN,TC; kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, nâng cao chất lượng tiếp công dân, giải quyết KN,TC.

Bên cạnh đó, nghiêm túc chấn chỉnh, tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng, tài chính ngân sách, chế độ chính sách. Thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng, giải quyết đầy đủ quyền lợi hợp pháp chính đáng của công dân.

Cùng với đó, quan tâm bố trí, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng cho đội ngũ công chức làm nhiệm vụ thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KN,TC.

Đồng thời tăng cường công tác nắm chắc tình hình KN,TC trên địa bàn, nhất là địa bàn đang triển khai thực hiện dự án có quy mô thu hồi đất lớn, tiềm ẩn yếu tố phức tạp về KN,TC; xác định rõ nguyên nhân để kịp thời tổ chức tiếp, đối thoại với công dân.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

An Giang: Xử lý nghiêm các vi phạm ở lĩnh vực nông nghiệp

An Giang: Xử lý nghiêm các vi phạm ở lĩnh vực nông nghiệp

(Thanh tra) - Năm 2024, công tác thanh tra, kiểm tra luôn được lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang và thủ trưởng các đơn vị quan tâm triển khai. Đặc biệt, hoạt động kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm, nông lâm thủy sản luôn được tăng cường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Cảnh Nhật

09:00 12/12/2024

Tin mới nhất