Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Ngành Thanh tra triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ chính trị được giao

Phương Anh

Thứ bảy, 25/05/2024 - 16:09

(Thanh tra) - Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa có Báo cáo số 1026/BC-TTCP về kết quả thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4.

Thời gian qua, TTCP và toàn ngành Thanh tra tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC và PCTN, tiêu cực. Ảnh: PV

Chủ động, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm theo định hướng, chỉ đạo của Chính phủ

Báo cáo cho thấy, thời gian qua, TTCP và toàn ngành Thanh tra tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) và phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực; bảo đảm chủ động, linh hoạt, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả theo đúng định hướng, chương trình kế hoạch và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan hành chính cùng cấp.

Qua thanh tra đã chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, sơ hở trong quản lý, chỉ đạo điều hành và trong việc ban hành chính sách, pháp luật; phát hiện, kiến nghị xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo khách quan, chính xác, đúng pháp luật, trong đó, việc chuyển thông tin, hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra có nhiều tiến bộ; công tác đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra tiếp tục có chuyển biến tích cực…

Kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC góp phần quan trọng trong việc củng cố lòng tin của Nhân dân với Đảng và Nhà nước, tạo sự ổn định chính trị- xã hội, phục vụ các sự kiện chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.

Công tác thanh tra, kiểm tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được thực hiện nghiêm túc, kiến nghị xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật. Quan hệ phối hợp công tác giữa cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán với các cơ quan chức năng trong công tác PCTN ngày càng chặt chẽ, hiệu quả…

Cùng với đó, công tác xây dựng ngành Thanh tra được chú trọng, nhất là tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đao đức công vụ và bảo vệ bí mật Nhà nước…

Báo cáo kết quả thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể, TTCP cho biết trong quá trình xây dựng Luật Thanh tra năm 2022 và các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra, TTCP đã chú trọng thể chế hoá quan điểm chỉ đạo của Đảng, trong đó có Chỉ thị số 04-CT/TW đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng.

Ban Cán sự Đảng TTCP ban hành Nghị quyết số 76-NQ/BCSĐ ngày 6/6/2023, Nghị quyết số 122-NQ/BCSĐ ngày 1/3/2024 lãnh đạo, chỉ đạo toàn ngành Thanh tra tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ trong hoạt động thanh tra, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động, nhất là thúc đẩy tiến độ, nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra nhằm phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật…

TTCP triển khai thực hiện Luật Thanh tra số 11/2022/QH15 được thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV đảm bảo kịp thời, hiệu quả. Kế hoạch xây dựng thể chế và các kế hoạch của TTCP, các đề án được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP hằng năm…

Báo cáo của TTCP cũng nêu rõ, trong thời gian qua, ngành Thanh tra tiếp tục có nhiều giải pháp nhằm củng cố, xây dựng lực lượng cán bộ thanh tra chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, có bản lĩnh, đi đầu trong công tác đấu tranh PCTN, lãng phí, tiêu cực, nhất là thúc đẩy tiến độ, nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra.

Cùng với đó, chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra. Xây dựng Định hướng chương trình thanh tra, kế hoạch thanh tra hằng năm và xử lý chồng chéo.

Đối với việc chậm ban hành kết luận thanh tra, TTCP cho biết, thực trạng này có nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan của ngành. Nguyên nhân từ bất cập của pháp luật đã cơ bản được khắc phục. Đối với nguyên nhân chủ quan, để khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra, thời gian qua, Ban Cán sự Đảng, Tổng TTCP đã ban hành và chỉ đạo thực hiện nhiều văn bản liên quan đến nội dung này… Đến nay,  tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra đã từng bước được khắc phục góp phần tạo nên kết quả tích cực của ngành Thanh tra thời gian qua.

Chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực

Về kết quả thanh tra, báo cáo của TTCP cho thấy, từ năm 2021, 2022, 2023 và quý I/2024, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 25.091 cuộc thanh tra hành chính và 609.188 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; đã ban hành 385.881 kết luận thanh tra; qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực.

Qua thanh tra phát hiện vi phạm về kinh tế 416.762 tỷ đồng, 18.858 ha đất. Trong đó kiến nghị thu hồi 238.511 tỷ đồng và 1.552 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 178.251 tỷ đồng, 17.306 ha đất.

Đã ban hành 412.859 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 15.924 tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 14.514 tập thể và 24.272 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 1.413 vụ, 1.071 đối tượng.

Cũng trong thời gian qua, các cơ quan hành chính Nhà nước tiếp 1.094.324 lượt ngươi đến KNTC, kiến nghị, phản ánh với tổng số 1.280.937 người về 879.522 vụ việc, có 9.637 đoàn đông người. Kết quả, cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đã giải quyết 69.386/83.272 vụ việc KN,TC thuộc thẩm quyền.

Qua giải quyết KNTC đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 236,7 tỷ đồng; 168,7 ha đất; trả lại cho tổ chức, cá nhân 472,5 tỷ đồng; 39,8 ha đất; kiến nghị xử lý 1.700 người; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 107 vụ, 1.221 đối tượng.

Đối với việc thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập, TTCP cho biết đã có 1.528.775 người đã thực hiện kê khai tài sản, thu nhập trong kỳ; có 31.317 người được xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập; 10 người bị kỷ luật do kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; tiến hành kiểm tra việc thực hiện kê khai, công khai tài sản thu nhập 14.251 cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Ngoài ra, có 131 trường hợp đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, đã xử lý kỷ luật 80 người. Qua công tác tự kiểm tra nội bộ, thanh tra kiểm tra, giải quyết KN,TC đã phát hiện 289 vụ việc, 423 người có hành vi liên quan đến tham nhũng.

Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, TTCP cho biết, TTCP và toàn ngành Thanh tra bám sát nhiệm vụ được giao tại các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan hành chính cùng cấp để triển khai kế hoạch công tác.

Về công tác thanh tra, bám sát định hướng chương trình thanh tra hằng năm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp, các ngành để triển khai công tác thanh tra… Tăng cường thanh tra công tác quản lý Nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ được giao, tập trung vào các ngành, lĩnh vực, địa phương dễ phát sinh nhiều vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, nhiều đơn KNTC và dư luận xã hội quan tâm

Tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động thanh tra; nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ trong hoạt động thanh tra. Đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra…

Về công tác tiếp công dân, xử lý đơn và giải quyết KNTC, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo… Giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, phù hợp với thực tế đối với các vụ việc KN,TC thuộc thẩm quyền, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 85%; thực hiện tốt các quyết định giải quyết KNTC, kết luận nội dung tố cáo đã có hiệu lực pháp luật, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 90%...

Về công tác PCTN, tiêu cực, triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật về PCTN, tiêu cực, nhất là Luật PCTN 2018, các kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo về công tác PCTN, tiêu cực. Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về PCTN, tiêu cực đến năm 2030. Tiếp tục xây dựng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập…

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế thuộc chức năng quản lý; tổ chức thực hiện kế hoạch công tác xây dựng thể chế hằng năm của TTCP. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành, của từng cơ quan, đơn vị…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm