Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Linh hoạt triển khai thực hiện đồng bộ các yêu cầu nhiệm vụ được giao

Lê Phương - Phương Anh

Thứ tư, 12/01/2022 - 10:43

(Thanh tra) - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Lê Sỹ Bảy đã nhấn mạnh như vậy khi báo cáo kết quả công tác năm 2021, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác ngành Thanh tra diễn ra ngày 12/1/2022 dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy, năm 2022, ngành Thanh tra đổi mới trong xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra. Ảnh: LP

Đổi mới trong xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra

Theo Phó Tổng Thanh tra Lê Sỹ Bảy, năm 2022, dự báo tình hình kinh tế - xã hội nước ta vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid- 19. Tình hình vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực, khiếu nại, tố cáo (KN,TC), dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, tạo ra áp lực lớn cho TTCP và ngành Thanh tra trong thực hiện nhiệm vụ được giao. TTCP tiếp tục bám sát lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc làm việc với TTCP (Thông báo Kết luận số 159/TB-VPCP ngày 12/6/2021 của Văn phòng Chính phủ), đồng thời căn cứ tình hình diễn biễn thực tế của dịch bệnh Covid - 19 linh hoạt triển khai thực hiện đồng bộ các yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Cụ thể, trong công tác thanh tra, bám sát và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội ở các cấp, các ngành, định hướng công tác thanh tra năm 2022 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để triển khai công tác thanh tra; đổi mới trong xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra; nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động thanh tra.

Thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến hoạt động thanh tra, nhất là các nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Tăng cường thanh tra công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực quan trọng của các ngành, các cấp và thanh tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là các ngành, lĩnh vực, địa phương có dấu hiệu vi phạm, dư luận xã hội phản ánh tiêu cực, tham nhũng, phát sinh nhiều đơn thư KN,TC. Hoạt động thanh tra chuyên ngành tập trung vào những nội dung, vấn đề gây bức xúc trong đời sống xã hội, các vi phạm pháp luật và chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành, thực thi pháp luật chuyên ngành.

Nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, đảm bảo chặt chẽ, khách quan, kịp thời và khả thi; xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật đối với tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật; quan tâm kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật trên lĩnh vực được thanh tra.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tới dự và chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác ngành Thanh tra năm 2021. Ảnh: LP

Đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, trọng tâm là tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về thực hiện kết luận thanh tra, nhất là tăng tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản do vi phạm, tiêu cực, tham nhũng và đẩy nhanh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và các cơ quan nội chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thanh tra.

Chú trọng làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở gắn với công tác dân vận

Trong công tác tiếp công dân, giải quyết KN,TC, tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về tiếp công dân, giải quyết KN,TC, các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết KN,TC; chấn chỉnh những tồn tại, yếu kém, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là trong việc ban hành, tham mưu ban hành quyết định hành chính và thực thi công vụ ở những lĩnh vực dễ xảy ra KN,TC đông người, phức tạp.

Giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, phù hợp thực tế đối với các vụ việc KN,TC thuộc thẩm quyền ngay từ khi mới phát sinh tại cơ sở, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 85%; thực hiện tốt các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 90%. Tích cực phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo.

Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch 363/KH-TTCP của TTCP về kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc KN,TC đông người, phức tạp, kéo dài, nhất là các vụ việc khiếu kiện lên Trung ương, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, cá nhân, tổ chức, qua đó giải quyết căn bản tình hình KN,TC phức tạp, kéo dài nhằm góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: LP

Tăng cường và có giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết KN,TC, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân, giải quyết KN,TC, tập trung ở những địa bàn, lĩnh vực xảy ra KN,TC đông người, vượt cấp, không để phát sinh “điểm nóng”.

Chú trọng làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở gắn với công tác dân vận, tích cực vận động quần chúng nhân dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hạn chế việc KN,TC không đúng quy định; đồng thời nghiên cứu, phát huy cách làm mới, phù hợp trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình dịch bệnh Covid - 19 để nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết KN,TC.

Trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ theo Luật PCTN, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ; tiếp nhận các bản kê khai tài sản theo quy định; khẩn trương triển khai thực hiện Đề án về cơ sở dữ liệu quốc gia kiểm soát tài sản, thu nhập ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; phối hợp với Ban Nội chính Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập sau khi Bộ Chính trị đồng ý, thông qua.

Tiếp tục thực hiện chương trình, kế hoạch công tác PCTN và kết luận, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực và của Thủ tướng Chính phủ.

Tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, tăng cường xây dựng các tiêu chí, điều kiện, tiêu chuẩn và công cụ kiểm tra, giám sát; coi trọng công tác giám sát, kiểm tra nội bộ. Tổ chức tổng kết việc thực hiện Chiến lược Quốc gia về PCTN đến năm 2020 và Kế hoạch thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng; Chương trình hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Đánh giá công tác PCTN của các địa phương và 03 bộ triển khai thí điểm năm 2021.

Đối với công tác xây dựng thể chế và xây dựng ngành, tập trung hoàn thiện Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) bảo đảm chất lượng và tiến độ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba, tháng 5/2022; tiếp tục rà soát các quy định pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, KN,TC và PCTN để phát hiện chồng chéo, mâu thuẫn trong các quy định về thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, từ đó sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung bảo đảm sự thống nhất của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện của cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Nâng cao hiệu quả việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, KN,TC và PCTN trong cán bộ, công chức và Nhân dân, góp phần thúc đẩy hiệu quả công tác của ngành Thanh tra; thực hiện kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2022; tổng kết thực hiện Đề án "Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN giai đoạn 2019-2021"…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm