Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hội thảo tham vấn vai trò và nâng cao vai trò của xã hội trong PCTN

Thứ sáu, 09/12/2016 - 15:44

(Thanh tra) - Ngày 8/12, tại TP Hải Phòng, Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội thảo tham vấn về vai trò và nâng cao vai trò của xã hội trong phòng, chống tham nhũng (PCTN).

Quang cảnh Hội thảo tham vấn về vai trò và nâng cao vai trò của xã hội trong PCTN. Ảnh: KT

Bài tham luận của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) do ông Nguyễn Quang Minh, Trưởng Ban Dân chủ và Pháp luật trình bày đã nêu rõ: Trong những năm qua, thực hiện Luật PCTN, MTTQVN đã thường xuyên tham gia tích cực vào hoạt động PCTN với nhiều phương thức, biện pháp khác nhau và cũng đã có những kết quả nhất định, nhất là ở cấp cơ sở. Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực hoạt động còn nhiều hạn chế, nặng tính hình thức và hiệu quả chưa cao. 

Thực tế này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả về chủ quan cũng như khách quan, trong đó có những nguyên nhân chính như: Quy định về nhiệm vụ, quyền và trách nhiệm cũng như quy trình giám sát, phản biện của MTTQVN, các biện pháp bảo đảm cho MTTQVN và nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội còn chưa đầy đủ, cụ thể; nhận thức về vai trò, trách nhiệm của MTTQVN trong hệ thống chính trị và trong xã hội còn chưa thật đầy đủ, sâu sắc, dẫn tới sự phối hợp, ủng hộ cho công tác của Mặt trận còn rất hạn chế; tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ của Mặt trận còn phân tán, chất lượng chưa đồng đều; điều kiện kinh phí, cơ sở vật chất còn hạn chế; chưa có sự liên kết, phối hợp hoạt động chặt chẽ giữa các tổ chức thành viên. Cần có những quy định về nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động của MTTQ theo hướng thống nhất, phát huy vai trò những người tiêu biểu có uy tín ở cơ sở, thông qua họ để động viên nhân dân phát huy quyền làm chủ, đấu tranh với những biểu hiện tham nhũng của cán bộ, công chức ở cơ sở…

Tiến sĩ Đỗ Gia Thư, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ cho rằng: “Bài tham luận cũng đã nêu thực trạng công tác PCTN của MTTQVN trong thời gian qua thể hiện trên các mặt như tham gia và giám sát công tác xây dựng pháp luật, tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Vận động nhân dân tham gia PCTN, tổ chức hiệp thương và giám sát việc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, giám sát việc thực hiện pháp luật về công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức. Báo cáo tham luận đã đưa ra ba giải pháp lớn nhằm nâng cao vai trò và hiệu quả công tác PCTN của MTTQVN. Những giải pháp mà tác giả đưa ra là hoàn toàn có cơ sở từ thực tiễn và rất cần thiết nhưng chưa có sự phân tích sâu sắc để thấy được vai trò, vị trí đặc thù và không thể thiếu của MTTQVN trong công tác đấu tranh PCTN so với các cơ quan Nhà nước và các tổ chức xã hội khác. Ở đây, chúng tôi muốn nhìn thấy điểm mạnh và khác biệt của MTTQVN với tư cách là một tổ chức liên minh rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, góp phần vào công tác quan trọng, thường xuyên và lâu dài này như thế nào”.

Ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội viết tham luận về nâng cao vai trò của MTTQVN và các tổ chức thành viên trong giám sát, phản biện xã hội trong pháp luật PCTN có nêu: “Cần sớm hoàn thiện pháp luật về PCTN, trong đó tập trung vào một số nội dung đảm bảo sự tham gia của nhân dân và Mặt trận trong PCTN như xác định rõ đối tượng phải kê khai tài sản; công khai bản kê khai tài sản; cơ chế xử lý người không trung thực trong kê khai tài sản khi có sự tố giác của người dân và báo chí. Cần sửa đổi, bổ sung các quy định về việc tham vấn ý kiến người dân khi triển khai các dự án về kinh tế - xã hội; phải coi việc lấy ý kiến người dân là một điều kiện bắt buộc để tránh hình thức như lâu nay. Về phía các cơ quan chức năng của Nhà nước, đối với những vụ việc tham nhũng gây bức xúc trong nhân dân và công luận, cần tập trung giải quyết nhanh chóng, dứt điểm và thông báo công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng để củng cố lòng tin của nhân dân vào quyết tâm đấu tranh PCTN của Đảng và Nhà nước”.

Tiến sĩ Trần Đức Lượng, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng: Tham luận đã được tác giả xây dựng khá công phu với nhiều thông tin, dữ liệu, tư liệu, số liệu phong phú, hữu ích. Về hoạt động giám sát, tác giả tập trung vào một số nội dung: Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, của nhân dân; tổ chức hiệp thương lựa chọn, giới thiệu đại biểu để bầu vào các cơ quan dân cử ở Trung ương và địa phương; vận động nhân dân giám sát chính quyền trong việc thực hiện các quy định pháp luật về PCTN từ cơ sở và công tác lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân. 

"Theo tôi, đây là hoạt động có ý nghĩa, thiết thực góp phần quan trọng vào việc phát huy vai trò của xã hội trong công tác PCTN, thể hiện sinh động chủ trương, quan điểm của Đảng về trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội trong công tác PCTN, lãng phí. Như chúng ta đều biết, cụm từ “pháp luật về PCTN” có nội hàm khá rộng. Đó là các văn bản pháp luật có liên quan đến dân chủ, công khai, minh bạch,trách nhiệm giải trình, chống xung đột lợi ích,bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền tiếp cận thông tin, các thiết chế về phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, tài sản tham nhũng... trên hầu khắp các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội. 

Như vậy, khi luận bàn về hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQVN và các tổ chức thành viên về chính sách, pháp luật và việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCTN là vấn đề khá rộng, rất đa dạng, phức tạp cả về quy định của pháp luật cũng như tổ chức thực hiện những quy định của pháp luật đó. Nên chăng, phạm vi của tham luận nên khoanh lại ở Luật PCTN và các văn bản hướng dẫn thi hành. Có lẽ phạm vi chủ đề tham luận không được xác định rõ nên trong tham luận có đoạn luận giải với nội dung rất rộng (phần I và II), ngược lại có đoạn chỉ dừng lại ở phạm vi quá hẹp (phần III). Về tính lôgic thì những đề xuất ở phần III chưa phủ hết những bất cập được luận giải ở phần II cả về nội dung phản biện và giám sát xã hội", nguyên Phó Tổng Thanh tra nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Trưởng phòng Văn phòng đại diện miền Bắc, Báo Tuổi trẻ viết tham luận về phát huy vai trò của báo chí trong PCTN có nêu: “Cần xây dựng cơ chế bảo vệ hiệu quả đối với người đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực nói chung, nhà báo chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng. Ở đây bao gồm sự bảo vệ của Nhà nước thông qua cơ chế, chính sách, pháp luật và sự tự bảo vệ của cơ quan báo chí đối với phóng viên, cộng tác viên, nguồn tin của mình. Đã có nhiều ý kiến đề cập về việc này lâu nay, nhưng chúng ta vẫn chưa có cách thức, biện pháp nào giải quyết một cách hiệu quả, việc bảo vệ người tố cáo, người đấu tranh chống tham nhũng chưa thể hiện rõ tính chủ động của Nhà nước để tránh cho người tố cáo, người đấu tranh chống tham nhũng nguy cơ bị trù dập, trả thù. Qua một số vụ xử lý hình sự đối với báo chí gần đây và số vụ cản trở hoạt động hành nghề hợp pháp của nhà báo đang có chiều hướng gia tăng đã phần nào tạo không khí cẩn trọng, e ngại, thậm chí né tránh của báo chí với các đề tài gai góc, đề tài điều tra chống tham nhũng”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Xuân Đức, Ủy ban Hội đồng tư vấn về Dân chủ pháp luật cho rằng: “Tham luận đã làm rõ ý nghĩa, vai trò, ưu thế của công cụ báo chí trong PCTN so với các công cụ khác và đóng góp của báo chí trong PCTN thể hiện qua các mặt: Báo chí là công cụ hữu hiệu tuyên truyền các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đấu tranh PCTN. Với vai trò này, báo chí thực hiện như một chức năng xã hội đặc thù được công chúng và dư luận xã hội ủy quyền. Đó là quá trình thực thi trách nhiệm xã hội của báo chí. Bên cạnh đó, báo chí có năng lực kết nối xã hội trong quá trình tổ chức giám sát, phản biện xã hội, đặc biệt kết nối đội ngũ những trí thức, các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà hoạt động văn hóa - xã hội... để có thể vừa giám sát xã hội vừa tạo diễn đàn phản biện chính sách công hay những vấn đề quan trọng của đất nước. Đó là quá trình huy động, kết nối nguồn sức mạnh mềm, tài nguyên mềm quốc gia vào quá trình giám sát, phản biện xã hội bảo đảm sự nghiệp phát triển bền vững đất nước. Đối với lĩnh vực PCTN, giám sát và phản biện xã hội có ý nghĩa rất lớn trong việc bịt các "lỗ hổng", các "khe hở" trong chính sách để người ta "không thể" lợi dụng mà tham nhũng; ngăn chặn việc đề xuất những chính sách mang danh là "chính sách công" nhưng lại hướng đến phục vụ một nhóm lợi ích nào đó; cũng như tham gia kiểm soát việc minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức và người thân". 

Tuy nhiên, ông Hải cũng đánh giá-bài viết còn một số hạn chế khiếm khuyết như: Bố cục tham luận chưa sáng do chưa phân biệt rõ phần lý luận, phần thực trạng và phần kiến nghị, đôi khi còn trình bày lẫn lộn giữa vai trò lý luận pháp lý với thực trạng thực hiện vai trò nên khó theo dõi; một số nội dung thực tiễn và thực trạng vai trò của báo chí trong PCTN đã được pháp luật quy định chưa được phân tích sâu; những giải pháp về phát huy vai trò của báo chí nêu chưa đầy đủ và luận giải chưa sâu… Những hạn chế này nên được khắc phục để giá trị khoa học của tham luận cao hơn.

Bà Hà Thị Dung, Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi Chính phủ, Bộ Nội vụ viết tham luận về phòng, chống nguy cơ phát sinh tham nhũng trong hoạt động của các tổ chức xã hội có tư cách pháp nhân có nêu: “Để tiếp tục tăng cường thực hiện, nâng cao hiệu quả các giải pháp PCTN, tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ, thực sự ngăn chặn nguy cơ phát sinh tham nhũng, đẩy lùi được nạn tham nhũng trong công tác quản lý, tổ chức, hoạt động của các tổ chức hội thời gian tới, xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật về PCTN chặt chẽ, đồng bộ và thống nhất nhằm giải quyết những bất cập của thực tiễn liên quan đến tham nhũng và đấu tranh phòng ngừa tham nhũng; tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục về pháp luật cho cán bộ, công chức thuộc cơ quan đơn vị, tổ chức thường xuyên các hội nghị tập huấn cho người làm công tác hội; công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá phòng ngừa tham nhũng phải được làm thường xuyên; có chế độ đãi ngộ lương, thưởng thỏa đáng với cán bộ, công chức, viên chức, những người làm việc tại các tổ chức hội; công tác kê khai tài sản cần kịp thời, chính xác, công khai và minh bạch; mạnh dạn đưa những vụ án tham nhũng ra xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật; việc xử lý, thu hồi tài sản liên quan đến tham nhũng phải được thực hiện công khai và theo quy định của pháp luật...“.

Tiến sĩ Trần Văn Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp cho rằng: “Đã nêu được một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng đáng chú ý như: Triển khai các biện pháp phòng ngừa tham nhũng đến các tổ chức hội; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hội, quỹ; có chế độ đãi ngộ lương, thưởng thỏa đáng với cán bộ, công chức, viên chức, những người làm việc tại các tổ chức hội; công tác kê khai tài sản cần kịp thời, chính xác, công khai và minh bạch; mạnh dạn đưa những vụ án tham nhũng ra xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật; việc xử lý, thu hồi tài sản liên quan đến tham nhũng phải được thực hiện công khai và theo quy định của pháp luật. 

Tuy nhiên, tham luận có một số nội dung cần được cân nhắc thêm, đây là tham luận khoa học hay là báo cáo sơ kết, tổng kết của cơ quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tổ chức và hoạt động của hội. Nếu là tham luận khoa học, góp phần sửa đổi, bổ sung Luật PCTN thì cần gắn nội dung của báo cáo với các quy định của Luật PCTN hiện hành, để từ đó đưa ra các kiến nghị sửa đổi trong dự thảo Luật PCTN (nhất là những vấn đề liên quan đến tổ chức và hoạt động của các hội)".

Ngoài ra, còn có nhiều ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực giám sát đều đồng tình vai trò của xã hội trong việc đấu tranh chống tham nhũng ngoài Nhà nước.

Ông Nguyễn Văn Kim, quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ đánh giá cao những ý kiến tham gia, góp ý của các chuyên gia trong Hội thảo tham vấn về vai trò và nâng cao vai trò của xã hội trong PCTN. Trong thời gian tới Ban Dự thảo sẽ hoàn thiện dự thảo này với chất lượng tốt hơn.

Kim Thành

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thành phố Lạng Sơn: Hiệu quả trong công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo

Thành phố Lạng Sơn: Hiệu quả trong công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo

(Thanh tra) - Trong tháng 11/2024, UBND thành phố Lạng Sơn đã triển khai nhiều hoạt động quan trọng trong các lĩnh vực thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo nhằm đảm bảo công tác quản lý Nhà nước hiệu quả và đáp ứng kịp thời các yêu cầu của công dân.

Chính Bình

15:33 11/12/2024
An Giang: Dự kiến tiến hành 102 cuộc thanh tra trong năm 2025

An Giang: Dự kiến tiến hành 102 cuộc thanh tra trong năm 2025

(Thanh tra) - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng đã ký ban hành kế hoạch thanh tra năm 2025. Tại kế hoạch, Thanh tra tỉnh, thanh tra các sở và thanh tra huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh dự kiến tiến hành 102 cuộc thanh tra.

Cảnh Nhật

14:16 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm