Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hoạt động xây dựng thể chế của TTCP có bước tiến mới

Thứ sáu, 07/11/2014 - 11:33

(Thanh tra) - Đó là khẳng định của Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng trong buổi trò chuyện với PV Báo Thanh tra nhân Ngày Pháp luật Việt Nam.

Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng. Ảnh PH

Phó Tổng Thanh tra khẳng định: Trong các giai đoạn trước đây, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã chủ trì xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản pháp luật quan trọng, xác lập cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của TTCP và ngành Thanh tra như: Pháp lệnh Thanh tra năm 1990, Pháp lệnh Xét khiếu tố năm 1991, Pháp lệnh Chống tham nhũng năm 1998 (được sửa đổi, bổ sung năm 2000); Luật Khiếu nại, tố cáo (KN,TC) năm 1998 (được sửa đổi, bổ sung năm 2004, 2005), Luật Thanh tra năm 2004.

Những năm gần đây, hoạt động xây dựng pháp luật của TTCP đã có bước tiến mới, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho tổ chức và hoạt động của toàn ngành Thanh tra. Nhiều đạo luật quan trọng đã được Quốc hội thông qua như: Luật Thanh tra năm 2010, Luật KN 2011, Luật TC 2011, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) 2012 và Luật Tiếp công dân 2013.

Nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, TTCP còn xây dựng và ban hành theo thẩm quyền nhiều quy trình nghiệp vụ trong hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KN,TC và PCTN nhằm chuẩn hóa và nâng cao tính thống nhất, chuyên nghiệp và hiệu quả hoạt động của các công tác này. Đồng thời, hướng dẫn hoặc tham gia cùng các bộ, ngành trong việc soạn thảo hoặc góp ý kiến đối với hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật quan trọng khác có liên quan.

Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cũng được thực hiện thường xuyên trên các phương tiện truyền thông của TTCP như Báo Thanh tra, Tạp chí Thanh tra, Cổng Thông tin điện tử của TTCP, hoặc thông qua việc tổ chức các hội thảo, hội nghị, các chương trình tập huấn chuyên đề và chương trình đào tạo thanh tra viên do TTCP tổ chức… Công tác này góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức và nhân dân, hạn chế tình trạng KN,TC tràn lan, kéo dài, không đúng pháp luật; đồng thời góp phần tạo sự đồng thuận của nhân dân và xã hội đối với hoạt động của TTCP và của ngành Thanh tra.

Trong chỉ đạo điều hành của lãnh đạo TTCP, công tác pháp chế đặc biệt được coi trọng. Xin Phó Tổng Thanh tra cho biết cụ thể hơn về nội dung này?

- Trong sự phát triển của ngành Thanh tra, công tác pháp chế luôn giữ vị trí quan trọng. Bởi, xây dựng thể chế không chỉ là công cụ quản lý Nhà nước mà còn là phương tiện nâng cao vị thế của ngành Thanh tra trong bộ máy quản lý Nhà nước. Do vậy, việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đối với công tác pháp chế được lãnh đạo TTCP xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu.

Nhận thức được vai trò này, trong những năm qua, lãnh đạo TTCP đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra trực tiếp và sát sao; tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác theo dõi thi hành pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KN,TC và PCTN để kịp thời nắm bắt, phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện pháp luật và những bất cập trong các quy định của pháp luật; có biện pháp tháo gỡ, hướng dẫn hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Bên cạnh đó, TTCP cũng đã tăng cường hoạt động thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, KN,TC, PCTN và tiếp công dân để đảm bảo kỷ luật, kỷ cương trong quản lý Nhà nước về công tác này; đảm bảo cho hoạt động của cơ quan, tổ chức tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trực tiếp làm công tác pháp chế; kiện toàn tổ chức bộ máy, tăng cường biên chế cho Vụ Pháp chế và lực lượng làm công tác pháp chế thuộc các vụ, cục, đơn vị thuộc TTCP; bảo đảm cơ sở vật chất và điều kiện làm việc cho cán bộ làm công tác pháp chế.

Định hướng công tác này trong thời gian tới như thế nào, thưa Phó Tổng Thanh tra?

- Thời gian tới, TTCP tập trung tổng kết và đánh giá toàn diện việc thi hành Luật Thanh tra, Luật PCTN để nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung toàn diện 2 Luật này; tiếp tục hoàn thiện các quy trình trong hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KN,TC và PCTN.

Trong công tác theo dõi, thi hành pháp luật, tâp trung theo dõi tình hình thi hành pháp luật về thanh tra, PCTN để phục vụ cho việc tổng kết, đánh giá; thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thanh tra, KN,TC, PCTN, tiếp công dân và các văn bản pháp luật mới liên quan đến lĩnh vực quản lý Nhà nước của ngành trên Báo Thanh tra, Tạp chí Thanh tra, Cổng Thông tin điện tử của TTCP; tiếp tục triển khai thực hiện Đề án về tiếp tục tăng cường, phổ biến pháp luật về KN,TC ở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2013 - 2016.

Xin Phó Tổng Thanh tra cho biết một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, tuyên truyền, phổ biến và theo dõi thi hành pháp luật của TTCP thời gian tới?

- Theo tôi, ngoài tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác xây dựng, tuyên truyền, phổ biến pháp luật thì việc theo dõi thi hành pháp luật của TTCP là một trong những yêu cầu bắt buộc.

Để làm được điều này, TTCP cần tập trung vào một số giải pháp như đổi mới phương thức xây dựng pháp luật; tăng cường lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và các cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng chịu sự tác động của văn bản; phát huy hiệu quả của hình thức lấy ý kiến nhân dân trên trang thông tin điện tử của TTCP; tăng cường hợp tác quốc tế để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong công tác xây dựng pháp luật về thanh tra, KN,TC và PCTN.

Trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và hướng dẫn pháp luật, cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được; đa dạng hóa hơn các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thanh tra, KN,TC, PCTN và tiếp công dân; tạo sự đồng thuận của các tầng lớp trong xã hội đối với các lĩnh vực hoạt động của ngành Thanh tra.

Gắn công tác theo dõi thi hành pháp luật với hoạt động thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp dân, giải quyết KN,TC và PCTN. Qua đó, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, bất cập để có những giải pháp hoàn thiện thể chế đáp ứng yêu cầu quản lý trong điều kiện hội nhập và phát triển.

+ Nhân ngày Pháp luật Việt Nam, Phó Tổng Thanh tra có nhắn nhủ gì với các đồng nghiệp?

- Công tác pháp chế là công tác rất quan trọng trong quản lý Nhà nước, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Tôi trân trọng, đánh giá cao những cán bộ, công chức tình nguyện lựa chọn và tâm huyết đối với công tác này và chia sẻ với các đồng nghiệp về những khó khăn hiện nay trong công tác pháp chế.

Là người lâu nay tâm huyết với công tác này, tôi rất phấn khởi và tự hào vì sự ra đời của Ngày Pháp luật Việt Nam. Ngày Pháp luật Việt Nam hằng năm sẽ là dịp để chúng ta tri ân những thế hệ đi trước, là cơ hội để các đồng nghiệp làm công tác pháp chế trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với nhau nhằm nâng cao hiệu quả của công tác này, quảng bá rộng rãi hơn ý nghĩa lớn lao của công tác pháp chế.

+ Xin trân trọng cảm ơn Phó Tổng Thanh tra!

 Phương Hiếu

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

An Giang: Xử lý nghiêm các vi phạm ở lĩnh vực nông nghiệp

An Giang: Xử lý nghiêm các vi phạm ở lĩnh vực nông nghiệp

(Thanh tra) - Năm 2024, công tác thanh tra, kiểm tra luôn được lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang và thủ trưởng các đơn vị quan tâm triển khai. Đặc biệt, hoạt động kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm, nông lâm thủy sản luôn được tăng cường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Cảnh Nhật

09:00 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm