Theo dõi Báo Thanh tra trên
Chủ nhật, 02/02/2014 - 09:03
(Thanh tra) - Thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, trong những năm qua, Thanh tra Chính phủ đã chủ động mở rộng quan hệ hợp tác song phương và đa phương trên một số lĩnh vực hoạt động của ngành Thanh tra, trong đó, đã tích cực tham gia thực hiện Công ước Liên Hợp Quốc về Chống tham nhũng (UNCAC), tham gia Hiệp hội các cơ quan Thanh tra châu Á (AOA), Sáng kiến Chống tham nhũng khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Diễn đàn Chống tham nhũng, hối lộ trong khuôn khổ APEC. Vai trò và những đóng góp của Thanh tra Chính phủ trong các diễn đàn hợp tác quốc tế đã được các bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, quan hệ đối ngoại giữa Thanh tra Chính phủ với đối tác đang ngày càng được củng cố.
Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh.
Trong các nỗ lực phát triển quan hệ hợp tác, với sự đồng thuận của Chính phủ Việt Nam và giúp đỡ nhiệt tình của các đối tác phát triển (Thụy Điển, Đan Mạch, Hà Lan, Ca-na-đa và Na Uy), ngành Thanh tra đã triển khai Chương trình “Tăng cường năng lực tổng thể ngành Thanh tra giai đoạn 2009 - 2014” (POSCIS) với tổng số vốn viện trợ không hoàn lại cam kết khoảng 11,83 triệu USD. Đây là chương trình hợp tác phát triển có quy mô lớn nhất từ trước đến nay của ngành Thanh tra, trong đó, Thanh tra Chính phủ giữ vai trò chủ trì, quản lý thực hiện, cùng với sự tham gia của Thanh tra 04 Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công an, Tài chính và Nội vụ; Thanh tra TP. Hồ Chí Minh và Thanh tra 04 tỉnh: Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Bình Dương, Kiên Giang. Chương trình đưa ra các mục tiêu hoàn toàn phù hợp với những định hướng phát triển chung của toàn ngành Thanh tra. Qua hơn 04 năm triển khai thực hiện, Chương trình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhất là trên một số phương diện chính sau:
Từ năm 2007 đến nay, định kỳ hàng năm với sự hỗ trợ của Chương trình POSCIS, Thanh tra Chính phủ đã chủ trì, phối hợp cùng đối tác phát triển điều phối tổ chức đối thoại về phòng, chống tham nhũng giữa Chính phủ Việt Nam và cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế. Chủ đề và nội dung đối thoại ngày càng được cải thiện hơn nhằm bao quát trên nhiều lĩnh vực quản lý Nhà nước, đảm bảo phong phú về hình thức, với nhiều lượt tham gia của đại diện các đối tác phát triển, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, cùng các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp. Chương trình cũng đã hỗ trợ cho việc thực hiện Đề án 137 về đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng dành cho các cấp học từ trung học phổ thông trở lên và các chương trình bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức và đào tạo nghề. Qua đó, giúp xây dựng được hệ thống chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng; tài liệu đào tạo, bồi dưỡng và tổ chức đào tạo cho hàng ngàn lượt giáo viên và học viên. Thanh tra Chính phủ và các cơ quan tham gia đã có nhiều hoạt động khác nhằm nâng cao nhận thức của công chúng nói chung về các cơ quan Thanh tra Nhà nước như: Xây dựng các tiểu phẩm phát thanh, truyền hình; xuất bản các ấn phẩm truyền thông; tổ chức các hội thi, cuộc thi tìm hiểu dành cho đối tượng là công chúng...
Qua đánh giá cho thấy, nhận thức của công chúng về chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực thanh tra, giải quyết KNTC và phòng, chống tham nhũng đã có những bước tiến thực chất. Số liệu tổng kết của Thanh tra Chính phủ trong những năm gần đây cho thấy, các vụ việc KNTC có sự tham gia của luật sư đang có xu hướng tăng; người dân cũng đã ngày càng ý thức được tốt hơn về việc thực hiện quyền KNTC: Tỷ lệ đơn thư KNTC sai và tình hình KNTC đang có xu hướng giảm dần (KN sai năm 2013: 61%, năm 2012: 65%; năm 2011: 68%. Năm 2013, số đoàn đông người giảm 11,5%, số đơn thư KNTC giảm 23,44%, số vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền giảm 30,42% so với năm 2012.
Thứ hai, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của ngành Thanh tra được xây dựng, hoàn thiện một cách đồng bộ, toàn diện và có chất lượng nhằm tạo ra một khuôn khổ thể chế thống nhất cho việc triển khai các nhiệm vụ công tác (Chương trình đã hỗ trợ cho 10 lượt sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới các Luật; 16 nghị định và văn bản khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và khoảng 20 thông tư của Thanh tra Chính phủ).
Thời gian từ 2009 đến nay, được đánh giá là một giai đoạn mà ngành Thanh tra đã đạt được nhiều thành tựu nhất trong xây dựng và hoàn thiện thể chế. Chương trình POSCIS đã hỗ trợ cho Thanh tra Chính phủ xây dựng và ban hành hoặc trình ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm: Luật Thanh tra năm 2010, Luật Khiếu nại 2011, Luật Tố cáo 2011, Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi, bổ sung) 2012 và Luật Tiếp công dân 2013; Nghị định về minh bạch tài sản, thu nhập; Nghị định về trách nhiệm giải trình; Nghị định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành; các Nghị định quy định chi tiết một số điều của các Luật Thanh tra, Khiếu nại; Tố cáo, Phòng, chống tham nhũng...
Đánh giá cho thấy, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đảm bảo chất lượng, phản ánh đúng xu hướng thay đổi trong các quan hệ thuộc phạm vi quản lý của ngành Thanh tra và phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương, trong đó, Luật Thanh tra tăng thẩm quyền của cơ quan Thanh tra trong việc quyết định thanh tra đột xuất, thanh tra lại; Luật Khiếu nại cũng đã hoàn thiện hơn trong việc bảo đảm quyền của tổ chức, công dân trong khiếu nại và nâng cao trách nhiệm của Nhà nước trong giải quyết KN, phù hợp với cam kết của Việt Nam trong các hiệp định khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Luật Tố cáo ghi nhận và quy định đầy đủ về các biện pháp bảo vệ người tố cáo, nâng cao hiệu quả xử lý tố cáo. Luật Phòng, chống tham nhũng cũng đã bổ sung thêm quy định về công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình của cơ quan Nhà nước; các biện pháp tạm thời đối với người có dấu hiệu tham nhũng để xác minh, làm rõ; hoặc nghĩa vụ giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm... theo tinh thần nâng cao mức độ tuân thủ UNCAC. Luật Tiếp công dân cũng đưa ra những quy định nhằm kiện toàn về bộ máy làm công tác tiếp dân và tăng cường trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong công tác này.
Chương trình POSCIS đã hỗ trợ cho việc xây dựng và ban hành một hệ thống đồng bộ các quy trình nghiệp vụ trong lĩnh vực thanh tra, giải quyết KNTC và phòng, chống tham nhũng; quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan Thanh tra Nhà nước; về tuyển dụng, quản lý và sử dụng công chức, viên chức cũng đã được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới một cách đầy đủ, toàn diện. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, hệ thống quy trình nghiệp vụ mới được ban hành đã phát huy hiệu quả trong việc tạo dựng một nền tảng pháp lý thống nhất cho hoạt động của toàn ngành Thanh tra. Bên cạnh đó, các quy trình về quản lý, điều hành trong cơ quan Thanh tra Chính phủ và các cơ quan thanh tra tham gia Chương trình POSCIS cũng đã được chuẩn hóa theo Hệ thống quản lý chất lượng (TCVN ISO 9001-2008) và đang tiếp tục được chia sẻ, nhân rộng trong toàn Ngành; thủ tục hành chính trong nội bộ các cơ quan Thanh tra Nhà nước, giữa cơ quan Thanh tra Nhà nước và các cơ quan Nhà nước có liên quan và công chúng cũng đã và đang được rà soát, đơn giản hóa. Đồng thời, công nghệ thông tin cũng bước đầu được ứng dụng trong hoạt động quản lý và nghiệp vụ, đặc biệt là tiếp nhận, xử lý đơn thư và thông báo kết quả giải quyết khiếu nại, cũng như cung cấp thông tin cho công chúng. Ngoài ra, Chương trình POSCIS cũng đã hỗ trợ cho việc kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan Thanh tra Nhà nước theo hướng chuyên môn hóa, đặc biệt là tại Thanh tra Chính phủ với việc thành lập các đơn vị chuyên trách về công tác giám sát, theo dõi, xử lý sau thanh tra; kế hoạch, tài chính, tổng hợp; tiếp dân và xử lý đơn thư (Chương trình POSCIS đã hỗ trợ cho việc xây dựng trên 20 quy trình, quy chế về các lĩnh vực nghiệp vụ; tổ chức cán bộ và quản lý điều hành, tác nghiệp cho ngành Thanh tra, đặc biệt là Thanh tra Chính phủ và các cơ quan Thanh tra tham gia Chương trình; hỗ trợ xây dựng Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thụ hưởng, Báo Thanh tra, Tạp chí Thanh tra...).
Thứ tư, năng lực của đội ngũ công chức, viên chức ngành Thanh tra, đặc biệt là đối với các cơ quan tham gia Chương trình POSCIS được tăng cường theo hướng chuyên nghiệp (Thanh tra Chính phủ và 09 Thanh tra các Bộ, ngành, địa phương đã tổ chức hàng trăm lượt đào tạo, bồi dưỡng và tập huấn cho các công chức, viên chức của ngành Thanh tra về nhiều nội dung trong khuôn khổ của Chương trình POSCIS).
Trong các giai đoạn xây dựng, chuẩn bị và thực hiện, Chương trình POSCIS đã hỗ trợ cho ngành Thanh tra tổ chức nhiều khóa tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng ở cả trong nước và nước ngoài. Nội dung tập huấn, đào tạo và bồi dưỡng đã tập trung vào các nhóm kiến thức, kỹ năng cần thiết cho công chức, viên chức của Ngành, đặc biệt là về thanh tra, giải quyết KNTC và phòng, chống tham nhũng như phương pháp theo dõi, đánh giá hoạt động hành chính; phòng, chống tham nhũng và cải cách hành chính; quản lý xung đột và đối thoại trong giải quyết khiếu nại hành chính hoặc các khóa đào tạo về ngoại ngữ chuyên ngành... Chương trình cũng đã hỗ trợ cho các hoạt động học tập, trao đổi kiến thức và kinh nghiệm với các đối tác nước ngoài, chuyên gia quốc tế về các chủ đề khác nhau như với các cơ quan thi hành pháp luật và chống tham nhũng của Vương quốc Anh, Ốt-xtrây-lia, Nhật Bản... Bên cạnh đó, chương trình, nội dung và tài liệu bồi dưỡng cho các ngạch Thanh tra viên của Ngành cũng được xây dựng với sự hỗ trợ của Chương trình, kèm theo việc tổ chức nhiều lớp đào tạo về phương pháp, kỹ năng giảng dạy hiện đại cho đội ngũ cán bộ, giảng viên.
Tóm lại, với những đánh giá tổng quan về kết quả đạt được của Chương trình POSCIS qua các giai đoạn triển khai, Thanh tra Chính phủ khẳng định về tính đúng đắn về chủ trương hợp tác, sự lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình thời gian qua. Đây có thể được coi là một trong những biểu hiện sinh động của mối quan hệ hợp tác hữu nghị, tốt đẹp giữa Thanh tra Việt Nam và các đối tác phát triển, đặc biệt là Thụy Điển. Chương trình đã có những đóng góp thiết thực, hiệu quả cho ngành Thanh tra thực hiện thắng lợi nhiều nhiệm vụ chính trị quan trọng thời gian qua. Bên cạnh đó, Chương trình còn giúp xây dựng một nền tảng quan trọng, đặc biệt là về thể chế, chính sách và nguồn nhân lực cho sự phát triển của ngành Thanh tra trong thời gian tới. Những kết quả trong quá trình thực hiện Chương trình cần được tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, làm cơ sở cho các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm, nhân rộng trong toàn Ngành, qua đó góp phần xây dựng ngành Thanh tra trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại và có đủ năng lực thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Huỳnh Phong Tranh
Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Thanh tra tỉnh Bắc Ninh vừa ban hành quyết định thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quá trình thực hiện 2 dự án đấu giá quyền sử dụng đất tại thị xã Thuận Thành và TP Bắc Ninh.
Hải Hà
12:54 15/12/2024(Thanh tra) - Năm 2024, công tác thanh tra trên địa bàn tỉnh Hậu Giang luôn được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo sâu sát. Các cuộc thanh tra, kiểm tra được triển khai thực hiện theo quy định, nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm.
Thu Huyền
21:00 14/12/2024Hương Trà
16:36 14/12/2024Thu Huyền
16:28 14/12/2024Hương Trà
07:00 14/12/2024Lâm Ánh
06:30 14/12/2024Đông Hà
Nguyễn Điểm
Kim Thành
Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân
Hải Hà
Văn Thanh
Lê Hữu Chính
Đông Hà + Thanh Hoa
Thu Huyền
Đông Hà