Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Xử lý tài sản không kê khai hoặc tài sản tăng thêm không được giải trình hợp lý

Thứ sáu, 12/10/2018 - 06:30

(Thanh tra)- Đây thực sự là vấn đề gai góc mà cho đến nay, qua hai kỳ họp Quốc hội với nhiều cuộc thảo luận vẫn còn ý kiến khác nhau, thậm chí là trái chiều.

Có một thực tế là không ít cán bộ, công chức có khối tài sản lớn, vượt xa so với lương và thu nhập bình thường của một công chức, thậm chí có biệt phủ nhiều chục tỷ, đã có hành vi kê khai thiếu trung thực. Thế nhưng, cho đến nay về pháp luật, chúng ta mới chỉ quy định xử lý hành vi thiếu trung thực đó mà chưa hề “đụng” đến khối tài sản khổng lồ đã không được kê khai hoặc có kê khai thì cũng được giải thích một cách rất khó chấp nhận.

1. Việc truy nguyên nguồn gốc tài sản và tịch thu tài sản không được giải trình hợp lý

Cần truy nguyên nguồn gốc tài sản để tịch thu những tài sản che giấu, những tài sản tăng thêm không được giải trình hợp lý. Đây là ý kiến của một đại biểu Quốc hội và cũng là điều mong muốn của nhiều cử tri trong cả nước. Tuy nhiên, đây lại là vấn đề khó khăn nhất hiện nay.

Trước hết, có thể thấy, đây là hệ quả đương nhiên của vướng mắc liên quan đến kiểm soát tài sản thu nhập. Do không thể kiểm soát được nguồn thu nhập sẽ dẫn đến không thể  truy nguyên nguồn gốc tài sản, nhất là những tài sản lớn là kết quả của cả một quá trình lâu dài với nhiều sự biến động. 

Hãy lấy một ví dụ cụ thể. Một công chức có một biệt thự lớn, nếu chỉ đơn giản căn cứ vào thu nhập từ lương thì đó là điều khó chấp nhận nhưng nếu đó lại là cả một quá trình, từ khi công chức đó đi học nước ngoài vào những năm 90, rồi khi về nước dùng khoản tiền tiết kiệm hoặc do lao động thêm mua đồ về Việt Nam bán đi lấy tiền mua đất với giá cả không đáng bao nhiêu nhưng sau 2 chục năm mảnh đất đó trở thành một tài sản có giá trị rất lớn thì việc có một căn biệt thự  chẳng có gì là ngạc nhiên. 

Hoặc là, những mảnh đất được chia, những căn nhà cấp 4 mà công chức được phân phối từ thời bao cấp qua thời gian rất có thể sẽ trở thành một tài sản lớn, thậm chí rất lớn. 

Vì vậy, việc buộc họ phải giải trình trước Nhà nước và xã hội một cách hợp lý nguồn gốc tài sản để từ đó đưa ra các biện pháp xử lý đối với tài sản đó là điều không đơn giản. 

Thêm nữa, theo nguyên tắc pháp luật, trách nhiệm chứng minh thuộc về Nhà nước. Người có tài sản không có trách nhiệm chứng minh tính hợp pháp của tài sản mà mình có mà chính các cơ quan Nhà nước phải chứng minh tài sản đó có nguồn gốc bất hợp pháp nếu muốn tịch thu tài sản đó. 

Mọi vấn đề đụng chạm đến quyền cá nhân đều phải qua trật tự tư pháp. Sự kiểm soát của cơ quan quản lý qua công tác thanh tra, kiểm tra cũng chỉ có thể thực hiện đối với trách nhiệm của công chức trong việc kê khai tài sản mà thôi. Vụ thanh tra biệt phủ Yên Bái vừa qua là một ví dụ. 

Thực ra, gần đây pháp luật có quy định trách nhiệm  giải trình tài sản tăng thêm nhưng nếu sự giải trình này không thuyết phục thì cũng sẽ chỉ là lý do để cơ quan Nhà nước tiếp tục xem xét làm rõ để tìm ra mối quan hệ của tài sản với các hành vi tham nhũng mới có thể đi đến kết luận cuối cùng và quyết định tài sản đó có thể bị tịch thu hay không. 

Không phải tự nhiên mà Quốc hội, sau khi thảo luận, cân nhắc rất kỹ đã chưa chấp nhận tội danh làm giàu bất chính trong lần sửa đổi Bộ luật Hình sự vừa qua, mặc dù Điều 20 Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng có khuyến nghị cũng như một số nước  trên thế giới, trong đó có Trung Quốc có quy định về tội danh này. 

Giải pháp tốt nhất cho vấn đề này là kiểm soát chặt chẽ hoạt động thực thi quyền lực để ngăn chặn sự lợi dụng quyền lực mà vụ lợi, chiếm đoạt tài sản trước khi nó vào túi kẻ tham nhũng. Một khi nó đã trở thành tài sản cá nhân thì việc tịch thu hay thu hồi chỉ có thể thực hiện bằng con đường tư pháp, vốn hết sức khó khăn và phức tạp.

2. Cơ sở pháp lý và tính khả thi của các phương án khác xử lý

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung các quy định chi tiết về thu hồi, chế tài xử lý đối với tài sản không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp như nghiên cứu thêm các biện pháp thu hồi tài sản không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp thông qua thủ tục dân sự; quy định thủ tục tư pháp một cách công khai và chặt chẽ. 

Có ý kiến cho rằng, cơ chế thu hồi tài sản không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp thông qua xác định hành vi trốn thuế hoặc hình sự đã được quy định trong các luật chuyên ngành nên không cần phải quy định trong Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), nhưng có bổ sung việc chuyển hồ sơ cho cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập sang cho cơ quan thuế trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu trốn thuế để tiến hành truy thu và xử lý vi phạm về hành vi trốn thuế.

Cuộc tranh luận đã gần như bế tắc khi các cơ quan có trách nhiệm đưa ra rất nhiều phương án để xử lý vấn đề này. 

Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 16/7 vừa qua, cơ quan soạn thảo cho biết xung quanh xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc có khoảng 6 phương án. Đó là, thông qua con đường tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, xử phạt vi phạm hành chính, hành chính - tư pháp, xử lý kinh tế - thu thuế thu nhập cá nhân và cuối cùng là thực hiện như luật hiện hành.

Qua tìm hiểu kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cho thấy, việc xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý được thực hiện theo các phương thức chính, bao gồm: Xử lý thông qua bản án hình sự của Tòa án (tội phạm hóa hành vi kê khai không trung thực và hành vi chiếm giữ tài sản, thu nhập mà không giải trình được về nguồn gốc một cách hợp lý); thông qua trình tự tố tụng dân sự (khởi kiện vụ án dân sự chứng minh tài sản, thu nhập không thuộc về người kê khai); thông qua xử phạt  hoặc các công cụ về thuế (thu thuế thu nhập cá nhân tương ứng với giá trị tài sản kê khai không trung thực hoặc tài sản tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý).

Theo quy định của Hiến pháp và các quy định pháp luật hiện hành có liên quan thấy rằng, việc xử lý tài sản, thu nhập chênh lệch do kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý có liên quan đến quyền sở hữu tài sản của người kê khai và vợ/chồng, con chưa thành niên của người kê khai. Do đó, việc áp dụng các biện pháp xử lý trực tiếp đối với tài sản, thu nhập là một vấn đề phức tạp, ảnh hưởng đến quyền công dân, quyền con người đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013. Trường hợp áp dụng thì cũng cần phải sửa rất nhiều các đạo luật có liên quan mới được Quốc hội thông qua như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự. 

Như vậy, việc quy định các biện pháp xử lý trực tiếp đối với tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà không giải trình được một cách hợp lý trong Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) lần này là chưa thích hợp.

Từ những phân tích ở trên, Chính phủ đề xuất quy định về việc xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm và người kê khai không giải trình được một cách hợp lý về việc hình thành tài sản, thu nhập theo 2 phương án sau:

Phương án 1:

Trường hợp kết luận tài sản, thu nhập thực tế của người có nghĩa vụ kê khai lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai hoặc có tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý về việc hình thành phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm đó và chưa có dấu hiệu cho thấy phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm này có được hoặc có nguồn gốc từ hành vi phạm tội, thì trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày ban hành kết luận xác minh tài sản, thu nhập, cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập gửi kết luận xác minh tài sản, thu nhập đến Cục Thuế có thẩm quyền yêu cầu thực hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế.

Phương án 2

Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày ban hành kết luận xác minh tài sản, thu nhập, cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập gửi kết luận xác minh tài sản, thu nhập đến cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm.

Cũng cần nói thêm rằng, người phải nộp thuế theo quy định trên có quyền khiếu nại đến cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập hoặc khởi kiện kết luận xác minh tài sản, thu nhập ra tòa án có thẩm quyền theo quy định pháp luật và việc thu thuế theo quy định này không loại trừ việc xử lý trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản đối với người kê khai, nếu các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết một vụ án hình sự có liên quan chứng minh được tài sản kê khai không trung thực, tài sản tăng thêm không giải trình một cách hợp lý có được hoặc có nguồn gốc từ hành vi phạm tội.

Trong 2 phương án trên, Chính phủ lựa chọn phương án 1, xuất phát từ một số căn cứ sau:

- Phương án này phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể ở nước ta hiện nay, nhằm thể hiện thái độ của Nhà nước trong việc xử lý các khoản thu nhập, tài sản có nguồn gốc không rõ ràng khi cả người có nghĩa vụ kê khai và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đều không có đủ bằng chứng xác thực về căn cứ xác lập quyền sở hữu hợp pháp theo quy định của pháp luật. Luật Phòng, chống tham nhũng coi như đã có một khoản thu nhập được tích lũy trong quá khứ nhưng chưa kê khai của người có nghĩa vụ kê khai, vợ/chồng, con chưa thành niên của họ và do vậy, sẽ phát sinh trách nhiệm nộp thuế theo quy định của pháp luật. Đồng thời, Dự thảo Luật, tại Điều 123, cũng bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân nhằm xác định thu nhập do vi phạm quy định của khoản 1 Điều 59 Luật Phòng, chống tham nhũng là thu nhập chịu thuế với mức thuế suất là 45% trong biểu thuế toàn phần. 

- Phương án trên cũng đã thể hiện rõ tinh thần việc thu thuế không loại trừ trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản, thu nhập đối với người có nghĩa vụ kê khai, nếu như các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết một vụ án hình sự khác chứng minh được tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình một cách hợp lý có được hoặc có nguồn gốc từ hành vi phạm tội để tránh cách hiểu theo hướng hợp pháp hóa 55% giá trị còn lại của tài sản, thu nhập không có nguồn gốc rõ ràng hoặc trái với các quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền.

- Việc thu thuế đối với phần tài sản, thu nhập chênh lệch giữa thực tế và kê khai hoặc tăng thêm chỉ được áp dụng sau khi các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã tiến hành xác minh, kết luận người kê khai không giải trình được một cách hợp lý về việc hình thành phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm đó và chưa có đủ bằng chứng kết luận về phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm này có được hoặc có nguồn gốc từ hành vi phạm tội. Do vậy, phương án này phù hợp với quy định của Hiến pháp và Bộ luật Dân sự vì người kê khai đã không giải trình được tài sản, thu nhập này là hợp pháp, là của cải để dành theo Điều 32 Hiến pháp năm 2013 và không thuộc các trường hợp được xác lập quyền sở hữu theo Điều 221 Bộ luật Dân sự. 

Qua tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế cho thấy, phương án thu thuế đối với các khoản thu nhập, tài sản bất minh, trong đó có thu nhập, tài sản từ những hành vi có dấu hiệu tham nhũng (kể cả chưa chứng minh được có mối quan hệ trực tiếp hoặc chưa chứng minh được đó là hành vi tham nhũng) đã được thực hiện ở một số quốc gia như Hoa Kỳ, Ốt-xtrây-lia, Niu-di-lân và một số quốc gia khác quy định dựa trên quan điểm cho rằng: Nếu không đánh thuế đối với những khoản thu này thì cũng đồng nghĩa với việc khuyến khích cho các hành vi làm giàu bất minh và trốn thuế.

Chúng tôi cho rằng, phương án này là khả dĩ nhất và góp phần thu hồi tài sản “nghi ngờ” có nguồn gốc tham nhũng, phù hợp với tinh thần chỉ đạo hiện nay: “Thu hồi triệt để tài sản tham nhũng trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án”.

Thực tế cho thấy, các vụ việc được thu hồi ngay từ đầu là rất hiệu quả, điển hình là vụ AVG đã được Tổng Bí thư nhắc đến trong bài phát biểu của mình, đã thu được hơn 8.500 tỷ mặc dù chưa hề có bản án hình sự truy cứu trách nhiệm bất cứ ai về tội tham nhũng. 

Các phương án thực hiện theo trình tự tố tụng dân sự hoặc tố tụng hình sự sẽ gần như không thể thực hiện được trên thực tế bởi rất khó có thể tìm ra một cơ quan thực hiện quyền kiện dân sự cũng như khó có thể chứng minh được nguồn gốc tài sản đó là của Nhà nước theo những nguyên tắc pháp luật hiện hành và việc quy định trong luật theo phương án tố tụng dân sự không có ý nghĩa thực tiễn.

TS Đinh Văn Minh
Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Nâng cao năng lực quản trị an ninh phi truyền thống trong kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trước những thách thức toàn cầu

Nâng cao năng lực quản trị an ninh phi truyền thống trong kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trước những thách thức toàn cầu

(Thanh tra) - An ninh phi truyền thống khác với an ninh truyền thống ở trọng tâm là việc nhận diện và quản trị các rủi ro không chỉ ở cấp độ cá nhân, gia đình, mà còn mở rộng đến cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, địa phương, và quốc gia. Đây là một thách thức toàn diện, đòi hỏi sự phối hợp đa chiều để đưa ra các giải pháp phòng ngừa và ứng phó hiệu quả.

Minh Huyền

22:30 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm