Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Xóa "chợ cóc," chợ tạm: Cần thay đổi thói quen tiêu dùng

Chủ nhật, 17/09/2017 - 10:59

Hiện Hà Nội còn tồn tại trên 100 "chợ cóc," chợ tạm. Điều này làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng như làm mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Ảnh minh họa: Bùi Tường/TTXVN

Để xóa bỏ "chợ cóc" chợ tạm, không phải là câu chuyện "một sớm một chiều" có thể thay đổi được thói quen mua sắm của người tiêu dùng, mà cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp chính quyền để đô thị trở lên văn minh, xanh- sạch- đẹp hơn. 

"Chợ cóc," chợ tạm tràn lan 

Tại nhiều khu tập thể cũ ở các phường: Quỳnh Mai, Bùi Ngọc Dương (quận Hai Bà Trưng), Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai), Ngọc Lâm (quận Long Biên), Thành Công (quận Ba Đình), Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân), Phan Huy Chú (quận Hoàn Kiếm)... không khó để bắt gặp "chợ cóc," chợ tạm hoạt động tấp nập trong các ngõ nhỏ, đường vào khu tập thể. 

Tình trạng này cũng xuất hiện tại các khu chung cư mới trên địa bàn thành phố. Nhiều dự án chung cư cao tầng như khu đô thị Linh Đàm, khu chung cư Dương Nội (Hà Đông)... sau một thời gian cư dân chuyển về sinh sống, đã hình thành "chợ cóc" bám dọc theo các tuyến đường hoặc sát các nhà chung cư. 

Thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt của ngành công thương, chính quyền cơ sở và lực lượng chức năng, toàn thành phố đã giải tỏa được 94/213 điểm chợ tạm, "chợ cóc." 

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, liên quan đến chợ, việc chuyển đổi mô hình chợ, thành phố đã ban hành kế hoạch chuyển đổi 14 mô hình chợ giai đoạn 2012-2015. 

Nhưng trong quá trình thực hiện gặp rất nhiều vướng mắc, khó khăn, không triển khai được và đề xuất thành phố dãn tiến độ sau năm 2015. 

Cả giai đoạn đó trên địa bàn thành phố chỉ thực hiện được 11 mô hình chợ do đó, giai đoạn 2017-2020 phải tập trung vào thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ. 

Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội một số quận, huyện như Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Hoài Đức, Đan Phượng, Thạch Thất, Thanh Oai, Ứng Hòa... "chợ cóc" đã giảm. Trong số 111 điểm chợ còn lại sẽ tiếp tục xử lý trong thời gian tới. 

Có 7 chợ tạm và 13 "chợ cóc" được Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã đề nghị cho tạm tồn tại để phục vụ nhu cầu của người dân địa phương trong khi chờ hoàn thành xây dựng, cải tạo chợ theo quy hoạch. 

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cũng cho biết, việc giải tỏa chợ tạm, "chợ cóc" lâu nay chủ yếu giao cho Ủy ban Nhân dân các phường, xã, trong khi lực lượng mỏng, thiếu kinh phí, chế tài xử phạt nhẹ, chính quyền địa phương đôi lúc chưa quyết liệt. 

Một số phường trong các quận nội thành chưa có chợ truyền thống, trong khi thói quen của người tiêu dùng vẫn tiện đâu mua đấy, ít chú trọng kiểm tra chất lượng, nguồn gốc hàng hóa, cũng như điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm... 

Cần thay đổi thói quen 

Theo Sở Công Thương Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện tuy đã triển khai giải tỏa chợ cóc, chợ tạm đi đôi với việc triển khai quản lý hoạt động bán hàng rong lập lại trật tự kỷ cương đô thị. 

Nhưng việc kiểm soát, xử lý hoạt động kinh doanh trên vỉa hè của các đơn vị còn nhiều hạn chế. 

Các quận, huyện, thị xã chủ yếu tập trung vào việc tổ chức kiểm tra xử lý, tuyên truyền đối với các hộ kinh doanh lấn chiếm vỉa hè; chưa có đơn vị nào xây dựng kế hoạch, phương án bố trí sắp xếp, quản lý, đề xuất các điểm phù hợp để báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố cho phép bố trí các hộ đã kinh doanh lâu năm trên vỉa hè được vào hoạt động. 

Thực tế cho thấy, hàng loạt “chợ cóc,” chợ tạm trên địa bàn thành phố đã nhiều lần bị dẹp bỏ sau các cuộc ra quân quyết liệt, nhưng chỉ được vài ngày, cảnh mua, bán lại diễn ra tấp nập, nhất là tại những nơi tập trung đông dân cư, nhu cầu mua, bán cao. 

Để giải tỏa triệt để tình trạng "chợ cóc", chợ tạm gây mất mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thay đổi thói quen mua, bán, quy hoạch các hộ kinh doanh vào chợ dân sinh đã xây dựng. 

Quan trọng hơn, bên cạnh việc tuyên truyền, nhắc nhở, kiểm tra xử lý vi phạm, thành phố cũng yêu cầu các cấp, ngành rà soát quy hoạch; cải tạo chợ truyền thống theo hướng văn minh, hiện đại, bảo đảm an toàn phòng, chống cháy nổ; tổ chức, sắp xếp lại chợ tạm, bố trí chợ dân sinh để phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân. 

Bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát các tụ điểm “chợ cóc” trên địa bàn, báo cáo định kỳ hàng tháng về Sở Công Thương để tổng hợp, đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải quyết. 

Phó Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cũng đề nghị, Ủy ban Nhân dân các địa phương khẩn trương rà soát quỹ đất hiện có, đề xuất địa điểm phù hợp để đầu tư xây dựng chợ mới, bảo đảm khi di dời chợ tạm và xóa bỏ "chợ cóc," sẽ có chợ dân sinh hoạt động đúng quy định. 

Tuy nhiên, để có thể giải tỏa triệt để “chợ cóc,” chợ tạm rất cần sự vào cuộc của mỗi người bằng việc thay đổi thói quen mua, bán, chung tay xây dựng Thủ đô Hà Nội xanh-sạch-đẹp, phát triển thương mại văn minh, hiện đại./. 

P.A (TTXVN/VIETNAM+)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bảo vệ bí mật công tác của ngành Thanh tra - đảm bảo an toàn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động ngành

Bảo vệ bí mật công tác của ngành Thanh tra - đảm bảo an toàn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động ngành

(Thanh tra) - Ngày 12/12, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra tổ chức Hội thảo Hoàn thiện kết quả nghiên cứu “Bảo vệ bí mật Nhà nước và bí mật công tác của ngành Thanh tra – Thực trạng và giải pháp”, do TS Nguyễn Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục 4, Thanh tra Chính phủ làm chủ nhiệm.

Thái Hải

12:16 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm