Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại

Thanh Thanh

Thứ bảy, 10/06/2023 - 15:30

(Thanh tra) - Sáng 10/6, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia: Cơ sở khoa học và thực tiễn sửa đổi Luật Báo chí 2016 - Tổng kết thi hành Luật Báo chí 2016.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Thanh Thanh

Tại hội thảo, các đại biểu dự đã đi sâu vào bàn các vấn đề chính: Đánh giá 6 năm thi hành Luật Báo chí 2016 và phân tích thực trạng về công tác quản lý Nhà nước và hoạt động báo chí và những nhóm vấn đề gợi mở cho nhiệm vụ đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong giai đoạn tới.

Phân tích dự báo, đưa ra những luận cứ khoa học và thực tiễn về xu hướng phát triển của báo chí hiện đại, những khó khăn thách thức trong việc thực hiện các chiến lược, chủ trương lớn phát triển báo chí Việt Nam và cơ sở khoa học cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí.

Trao đổi, chia sẻ những bài học kinh nghiệm, đề xuất những giải pháp, cơ chế, phương thức thực thi Luật Báo chí nhằm nâng cao chất lượng nội dung tác phẩm, hoàn thành tốt trách nhiệm xã hội và gìn giữ sự trong sáng của đạo đức nghề nghiệp.

Chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của hoạt động báo chí

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh, sau hơn 6 năm thi hành trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của khoa học, công nghệ, truyền thông hiện đại, một số quy định của Luật Báo chí đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của hoạt động báo chí.

Thực hiện chương trình công tác năm 2023 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông lập đề nghị xây dựng luật sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016, trình Chính phủ trong năm 2023.

Đánh giá được tầm quan trọng của nhiệm vụ này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn và Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội nghị Tổng kết thi hành Luật Báo chí 2016 cùng với Hội thảo Quốc gia cơ sở khoa học và thực tiễn sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thanh Thanh

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, các ý kiến đánh giá của đại diện các cơ quan, các diễn giả, nhà khoa học đến từ nhiều cơ quan thuộc các lĩnh vực khác nhau sẽ đưa ra cái nhìn khách quan, đầy đủ các khía cạnh liên quan về hoạt động báo chí, công tác quản lý nhà nước về báo chí trong giai đoạn hiện nay; qua đó, đề xuất và kiến nghị những vấn đề, nội dung cần sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cũng bày tỏ tin tưởng: “Dù góc nhìn dưới lăng kính cơ quan quản lý Nhà nước từ trung ương đến địa phương và các cơ quan báo chí, hay dưới góc độ khoa học của các nghiên cứu, các giảng viên chuyên ngành báo chí và luật pháp thì đây sẽ là những tiếng nói tâm huyết nhất, với mục tiêu đóng góp vì một nền báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng phát triển theo đúng định hướng của Đại hội XIII của Đảng: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại””.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm khẳng định, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ lắng nghe, ghi nhận, tổng hợp, tiếp thu các ý kiến đóng góp tại hội thảo để lập đề nghị trình Chính phủ xin ý kiến về những vấn đề cần sửa đổi Luật Báo chí 2016.

Đánh giá kỹ lưỡng các khó khăn, vướng mắc

Tham dự hội thảo và lắng nghe những ý kiến đóng góp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh nêu rõ, những ý kiến đóng góp sẽ là thông tin hữu ích trong quá trình tham mưu, thẩm định Đề nghị xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí 2016 cũng như đề xuất đưa dự án này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thanh Thanh

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh, quá trình nghiên cứu, tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng việc thực hiện Luật Báo chí 2016, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cập nhật và bám sát các văn bản, nghị quyết, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo Trung ương thời gian qua về công tác báo chí để đảm bảo thể chế hóa đầy đủ mục tiêu, quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; tổng kết thực tiễn, đánh giá kỹ lưỡng các khó khăn, vướng mắc về thể chế gây cản trở cho hoạt động của cơ quan báo chí cũng như công tác quản lý nhà nước về báo chí nhất là trong bối cảnh đẩy mạnh chuyển đổi số báo chí; xây dựng kế hoạch toàn diện, chi tiết về việc sửa đổi, bổ sung luật, báo cáo Chính phủ về đề nghị xây dựng luật và thực hiện quy trình theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo tiến độ, thời hạn được giao.

Trong quá trình soạn thảo luật, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông quan tâm, gương mẫu, đi đầu trong viêc thực hiện Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027”, xác định chính sách quan trọng trong dự thảo luật để truyền thông rộng rãi nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Cơ quan chủ trì soạn thảo cũng cần tranh thủ sự tham gia, đóng góp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các đại biểu Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội để tạo thuận lợi trong quá trình trình Dự thảo Luật.

Theo nhà báo Trần Anh Tú, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Thông tin và Truyền thông, để việc sửa đổi, hoàn thiện Luật Báo chí năm 2016 theo kịp tốc độ phát triển của báo chí hiện đại cần thiết phải có sự tham gia đồng hành tích cực trên cả phương diện lý luận và thực tiễn của đông đảo chuyên gia nghiên cứu, các chuyên gia xây dựng chính sách, các nhà quản lý và đội ngũ những người làm báo, làm luật trên toàn quốc.

Luật Báo chí năm 2016 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017. Sau 6 năm thực hiện, Bộ Thông tin và Truyền thông ghi nhận nhiều đánh giá tích cực từ các bộ, ngành, địa phương và cơ quan báo chí.

Luật Báo chí năm 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí phát triển vượt bậc, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và luật định.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, vẫn còn không ít bất cập do Luật Báo chí 2016 không theo kịp với sự đổi mới về khoa học và công nghệ thông tin, trong thời kỷ nguyên số. Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Báo cáo số 57/BC-BTTTT ngày 30/3/2022 báo cáo Chính phủ về kết quả nghiên cứu, rà soát Luật Báo chí năm 2016 và kiến nghị sửa đổi, bổ sung.

Báo cáo số 57 đã nêu 27 nội dung, nhóm nội dung có quy định bất cập, không phù hợp với thực tiễn của pháp Luật Báo chí. Những vấn đề đó cho thấy việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016cho phù hợp với thực tiễn là cần thiết, nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho báo chí hoạt động, phát triển; đồng thời khắc phục những tồn tại, bất cập, bổ sung quy định để điều chỉnh kịp thời những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm