Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tiếp tục lấy ý kiến đóng góp cho Nghị định thay thế Nghị định số 16/2022/NĐ-CP

Trần Quý

Thứ ba, 17/09/2024 - 11:55

(Thanh tra) - Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 53/QĐ-TTg ngày 15/1/2024, Bộ Xây dựng đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương lấy ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 16/2022/NĐ-CP.

Bộ Xây dựng tiếp tục lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 16/2022/NĐ-CP. Ảnh: TQ

Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Chu Hồng Uy - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Soạn thảo Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về xây dựng cho biết, Bộ Xây dựng đã tổ chức hai hội thảo tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để lấy ý kiến hoàn thiện. Đến nay, Bộ Xây dựng đã hoàn thành dự thảo nghị định; gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương và lấy ý kiến rộng rãi của người dân trên Cổng Thông tin của Bộ Xây dựng.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Soạn thảo cho biết, Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng gồm 8 chương với 88 ddiều.

Cụ thể: Chương 1, quy định chung (6 Điều); Chương 2, quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong hoạt động xây dựng (35 Điều); Chương 3, quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng (1 Điều); Chương 4, quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật (16 Điều); Chương 5, vi phạm quy định về kinh doanh bất động sản và nhà ở (14 Điều); Chương 6, quy định về thẩm quyền lập biên bản, xử phạt về vi phạm hành chính (10 Điều); Chương 7, quy định về biện pháp thi hành (2 Điều); Chương 8, quy định về điều khoản thi hành (4 Điều).

Nghị định quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, biện pháp thi hành, thẩm quyền lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng. Vi phạm hành chính về xây dựng quy định xử phạt tại Nghị định này bao gồm: Hoạt động xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh bất động sản và nhà ở.

Đáng chú ý, Bộ Xây dựng xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 16/2022/NĐ-CP theo hướng tăng mức tiền phạt kịch khung 1 tỷ đồng đối với một số hành vi vi phạm.

Trong đó, 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng là mức phạt tiền cao nhất áp dụng đối với 4 hành vi vi phạm liên quan đến việc chủ đầu tư không công khai thông tin việc thế chấp nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn trong công trình, quyền sử dụng đất, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh...

Bộ Xây dựng đề xuất tăng mức phạt tiền từ 600 triệu đồng lên tối đa là 1 tỷ đồng đối với một số hành vi vi phạm. Ảnh: TQ

Hành vi không công khai, công khai không đầy đủ hoặc không đúng các nội dung về dự án bất động sản, dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định đã được quy định xử phạt tại Nghị định số 16/2022/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 100 triệu đến 120 triệu đồng. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, vẫn còn tình trạng chủ đầu tư che giấu thông tin dự án đã bị đem đi thế chấp ngân hàng nhưng vẫn ký hợp đồng với người dân mà không công khai cho người dân biết dự án đã bị thế chấp.

Việc chủ đầu tư che giấu thông tin trên dẫn đến người mua nhà do chưa đủ thông tin nên vẫn ký hợp đồng mua bán, đến khi bị ngân hàng phát mại tài sản mới biết căn nhà mà mình mua đã bị chủ đầu tư thế chấp trước đó. Do đó, tại dự thảo lần này, Bộ Xây dựng kiến nghị trình Chính phủ điều chỉnh tăng mức phạt tiền từ 120 triệu đồng lên đến 1 tỷ đồng.

Đối với mức phạt này, có ý kiến cho rằng, dù đã tăng tiền phạt nhưng nếu so với lợi ích mà chủ đầu tư thu được thì mức phạt này là vẫn thấp. Đó là lý do nhiều nhà đầu tư cố tình làm trái pháp luật, chấp nhận nộp phạt, gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của khách hàng.

Thanh tra Bộ Xây dựng khẳng định, đây là mức phạt tối đa (kịch khung) trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản do Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định. Theo Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản là 1 tỷ đồng (kịch khung) áp dụng đối với tổ chức.

Trên cơ sở quy định trên, dự thảo nghị định đã điều chỉnh tăng mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản tối đa là 1 tỷ đồng.

Ngoài ra, dự thảo quy định yêu cầu chủ đầu tư công khai đúng, đầy đủ thông tin của dự án và bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động kinh doanh bất động sản.

Hành vi kinh doanh bất động sản không đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định hoặc không được phép đưa vào kinh doanh theo quy định cũng được Bộ Xây dựng đề xuất tăng mức phạt tiền từ 600 triệu đồng lên tối đa là 1 tỷ đồng.

Ngoài hình thức xử phạt bằng tiền, theo dự thảo nghị định, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động kinh doanh bất động sản có thời hạn và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả phù hợp, tương xứng với hành vi vi phạm.

Đối với lĩnh vực kinh doanh dịch vụ bất động sản, dự thảo còn bổ sung nhiều hành vi vi phạm. Dự thảo nghị định đưa ra mức xử phạt cụ thể cho hàng loạt hành vi từ việc sàn giao dịch bất động sản ký hợp đồng với cá nhân môi giới bất động sản không đủ điều kiện hoạt động theo quy định; sàn giao dịch bất động sản hoạt động không có giấy phép hoạt động…

Nhiều hành vi vi phạm trong kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở mới được sửa đổi, bổ sung hoặc điều chỉnh trong dự thảo Nghị định lần này sẽ xử lý nghiêm minh, chặt chẽ và có tính răn đe, góp phần vào công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Hiện, Tổ Biên tập tiếp tục rà soát, tiếp thu một số nội dung của dự thảo nghị định liên quan đến xử phạt hành vi thi công làm lún, nứt công trình bên cạnh; xem xét bổ sung chế tài xử lý đối với nhà thầu giám sát không hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, để xảy ra các sai phạm; đảm bảo sự đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; rà soát việc sử dụng một số thuật ngữ đảm bảo chính xác, cụ thể, dễ hiểu.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Đề tài “Đổi mới tổ chức hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt Nam” được xếp loại xuất sắc

Đề tài “Đổi mới tổ chức hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt Nam” được xếp loại xuất sắc

(Thanh tra) - Đề tài cấp bộ “Đổi mới tổ chức hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt Nam” do ThS Dương Văn Huế, Phó Chánh Văn phòng, Thanh tra Chính phủ làm Chủ nhiệm được Hội đồng Khoa học Thanh tra Chính phủ nghiệm thu với kết quả xuất sắc vào ngày 22/11.

15:37 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm