Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế

Thứ năm, 12/03/2020 - 20:34

(Thanh tra)- Để tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế; đồng thời nghiên cứu, rà soát, sắp xếp bộ máy tinh gọn gắn với tinh giản biên chế, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Ảnh minh hoạ, nguồn: Internet

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị sơ kết thực hiện Quyết định số 41/2018/QĐ-TTg ngày 25/9/2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế thuộc Bộ Tài chính và công bố hoàn thành kế hoạch triển khai thành lập Chi cục Thuế khu vực.

Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu của ngành Thuế qua gần 75 năm xây dựng và trưởng thành; đã có nhiều đóng góp thiết thực trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Cùng với quá trình chuyển đổi của nền kinh tế, ngành Thuế đã đẩy mạnh cải cách, hiện đại hoá, đổi mới cơ chế quản lý theo tinh thần hợp tác, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp, góp phần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tổng cục Thuế đã triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII và Quyết định số 41/2018/QĐ-TTg ngày 25/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, đã cắt giảm 2.189 đầu mối trung gian; hợp nhất 565 chi cục thuế để thành lập 269 chi cục thuế khu vực, đưa số Chi cục Thuế từ 711 xuống còn 415 Chi cục Thuế; số cán bộ thuế phục vụ gián tiếp giảm trên 850 người.

Với vai trò là cơ quan thực hiện nhiệm vụ thu chủ yếu của ngân sách nhà nước, bằng sự quyết tâm cao, nỗ lực của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, nhất là sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành Thuế đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện các chỉ tiêu về thu và tăng thu ngân sách nhà nước.

Năm 2019, tổng thu ngân sách nhà nước đạt gần 1,277 triệu tỷ đồng, vượt 9,3% dự toán (trên 109 ngàn tỷ đồng). Xếp hạng chỉ số nộp thuế của Việt Nam trong Báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới tăng từ 131 lên 109 trong tổng số 190 quốc gia, vùng lãnh thổ. Mức độ hài lòng của người nộp thuế theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tăng từ 74,98% năm 2016 lên 77,94% năm 2019. Các hoạt động hợp tác quốc tế về thuế được đẩy mạnh; đã ký kết 80 Hiệp định tránh đánh thuế hai lần; thiết lập quan hệ hợp tác quốc tế về thuế với các tổ chức quốc tế như: WB, IMF, OECD, JICA, IFC…

Tuy nhiên, ngành Thuế vẫn còn hạn chế, bất cập cần tập trung khắc phục, tháo gỡ trong thời gian tới. Thủ tục hành chính thuế có lĩnh vực, có nơi vẫn còn phức tạp, gây khó khăn cho người nộp thuế và hoạt động kinh doanh; kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm; vẫn còn có tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, còn hiện tượng cán bộ vi phạm, phải xử lý. Tình trạng nợ đọng thuế, chây ỳ nộp thuế, trốn thuế, chuyển giá vẫn còn diễn ra; việc ứng dụng công nghệ thông tin còn chậm; xếp hạng quốc tế về chỉ số nộp thuế tuy đã được cải thiện nhưng còn thấp...

Rà soát, sắp xếp bộ máy tinh gọn gắn với tinh giản biên chế

Để tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế; đồng thời nghiên cứu, rà soát, sắp xếp bộ máy tinh gọn gắn với tinh giản biên chế, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Trong đó, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế kiên quyết không để xảy ra tình trạng trì trệ trong thực thi nhiệm vụ. Triển khai đồng bộ các biện pháp tăng cường quản lý thuế, phấn đấu hoàn thành vượt dự toán nhiệm vụ thu năm 2020 và nâng hạng chỉ số nộp thuế trong Báo cáo môi trường kinh doanh năm 2021 của Ngân hàng Thế giới.

Tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy ngành Thuế theo tinh thần của các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII; tăng cường năng lực cho các đơn vị trực thuộc Tổng cục, trong đó lưu ý thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quản lý doanh nghiệp lớn, các tập đoàn, công ty đa quốc gia và công tác kiểm tra nội bộ.

Đẩy mạnh công tác đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực, bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu theo từng chức năng quản lý thuế. Tăng cường kỷ luật kỷ cương, đưa ra khỏi Ngành những cán bộ, công chức, viên chức thoái hóa, biến chất; tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát việc tổ chức hoạt động của các đơn vị sau sáp nhập, nắm bắt rõ tâm tư, nguyện vọng, quan tâm giải quyết thỏa đáng chế độ, chính sách đối với cán bộ dôi dư.

Tập trung quản lý thu thuế đối với hộ kinh doanh và khu vực ngoài quốc doanh, nhất là trong bối cảnh thanh toán tiền mặt còn lớn, chưa kiểm soát được nguồn tiền và thu nhập. Nghiên cứu việc thu thuế điện tử đối với khu vực kinh tế ngoài quốc doanh.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, tập trung thanh tra chuyển giá, thương mại điện tử… Đẩy mạnh công tác kê khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử. Tổ chức đối thoại thường xuyên, đồng hành với người nộp thuế; hợp tác chặt chẽ với các cơ quan báo chí, truyền thông, góp phần tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức của người dân, doanh nghiệp về thực hiện nghĩa vụ nộp thuế; chống thất thu, ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, hiện đại hóa phương thức quản lý thuế, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong chống chuyển giá, gian lận thuế, trốn thuế..., tranh thủ sự ủng hộ của các quốc gia, tổ chức quốc tế trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của ngành Thuế.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn phối hợp với cơ quan thuế trong việc chống thất thu, quản lý thuế và sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực cán bộ của cơ quan thuế.

Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất quy định số lượng cấp phó của các Cục Thuế cấp tỉnh theo hướng bình quân, bảo đảm phù hợp với đặc điểm của đơn vị và yêu cầu quản lý theo địa bàn; áp dụng kinh nghiệm sắp xếp, tổ chức của ngành Thuế với các ngành, lĩnh vực khác cần tổ chức theo mô hình khu vực như hải quan, kho bạc nhà nước...

Kim Hồng

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm