Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Thực tiễn hoạt động giám sát doanh nghiệp Nhà nước ở Việt Nam

Thái Hải

Thứ sáu, 16/09/2022 - 16:08

(Thanh tra) - Ngày 16/9, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra (CL&KHTT) tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Thực trạng giám sát doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) ở Việt Nam” trong khuôn khổ đề tài khoa học cấp bộ “Giám sát DNNN ở Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn” do TS Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT làm Chủ nhiệm.

TS Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT trình bày nội dung đề tài. Ảnh: TH

DNNN ở Việt Nam là chủ thể đặc thù trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN. DNNN luôn gắn liền với tính Nhà nước vì DNNN là tổ chức kinh tế do Nhà nước đầu tư phần lớn vốn, tài sản, chịu sự quản lý chặt chẽ bởi cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo phân cấp của Chính phủ.

Giám sát DNNN là hệ thống các biện pháp do các chủ thể có thẩm quyền thực hiện nhằm theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của DNNN trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật và chấp hành các quyết định của chủ sở hữu.

Dù là DN 100% vốn Nhà nước, do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trực tiếp ký quyết định thành lập hoặc DN mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ thì trong các DN đó vốn, tài sản vẫn chủ yếu do Nhà nước đầu tư. Nói cách khác, vốn, tài sản của DNNN là một bộ phận của tài sản Nhà nước. Chủ thể kinh doanh không có quyền sở hữu đối với vốn, tài sản thuộc sở hữu Nhà nước trong DN mà chỉ là người quản lý vốn, tài sản và kinh doanh.

“Đây là đặc trưng khác biệt so với giám sát đối với các loại hình DN khác không có nguồn vốn Nhà nước. Với tính Nhà nước, DNNN chịu sự giám sát của cơ quan quyền lực Nhà nước, giám sát trong nội bộ hệ thống quản lý và giám sát của xã hội”, TS Nguyễn Tuấn Khanh nói.

Hoạt động của DNNN gồm rất nhiều nội dung, nhiều chủ thể có thẩm quyền giám sát, nội dung giám sát rộng nên việc giám sát đối với hoạt động của DNNN cũng phải được thực hiện với các phương pháp đa dạng.

TS Nguyễn Tuấn Khanh cho biết, thực tiễn hoạt động giám sát DNNN được phân thành: Giám sát của cơ quan quyền lực Nhà nước, giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu và giám sát trong nội bộ DNNN.

Đối với giám sát của cơ quan quyền lực Nhà nước, đầu tiên phải kể đến giám sát của Quốc hội theo Nghị quyết số 45/2017/QH14 của Quốc hội về giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại DN và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011-2016. Trên cơ sở báo cáo giám sát, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại DN và cổ phần hóa DNNN.

Tương tự giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoạt động giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đối với DNNN không nhiều. Thông thường các đoàn ĐBQH chỉ giám sát những vấn đề liên quan đến hoạt động của DNNN như: Khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường, bảo hiểm xã hội, an toàn lao động, phòng chữa cháy…

Giám sát của HĐNN đối với DNNN chủ yếu thực hiện giám sát những vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân, DN, đến phát triển kinh tế, an sinh xã hội, việc làm. Hoạt động giám sát của HĐND đối với DNNN thông thường đi vào những vấn đề cụ thể, mang tính đặc thù mà địa phương phải giải quyết.

Về giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu bao gồm cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước đầu tư vào DN; Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC); Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN (CMSC).

Giám sát trong nội bộ DNNN, tại nhiều DNNN đều thành lập bộ phận thực hiện chức năng giám sát trong nội bộ DN. Đó có thể là các ban thực hiện nhiệm vụ kiểm toán nội bộ và giám sát tài chính thuộc hội đồng thành viên, hội đồng quản trị.

Hội thảo nhận được nhiều ý kiến của các đại biểu tham dự chia sẻ về thực tiễn hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra DN và các nội dung nghiên cứu của đề tài.

Đại diện Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước chia sẻ thực tiễn việc kiểm tra, giám sát DNNN của Ủy ban, về mô hình, thẩm quyền của Ủy ban… Từ đó, Ban Chủ nhiệm Đề tài có thể tham khảo để nghiên cứu nội dung đề tài. Về nội dung, thanh tra, kiểm tra, giám sát có mối quan hệ mật thiết với nhau, đề tài làm rõ việc giám sát có phải thanh tra, kiểm tra hay không? Về phạm vi giám sát, cần xác định rõ phạm vi, trách nhiệm của các cơ quan để tránh chồng chéo trong kiểm tra, giám sát.

Cần có kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật, văn bản hướng dẫn, quy chế phối hợp giữa các cơ quan để tránh chồng chéo giữa các cơ quan trong kiểm tra, giám sát.

Đại diện Sở Tài chính Hà Nội chia sẻ thực tiễn kiểm tra, giám sát. Theo đó, hàng năm, Sở Tài chính xây dựng kế hoạch giám sát, trên cơ sở đó, quy định giám sát trực tiếp và giám sát gián tiếp, trong đó, việc giám sát gián tiếp được thực hiện nhiều hơn và thông qua báo cáo của DN, báo cáo của hội đồng thành viên, báo cáo tài chính DN. Qua đó, đánh giá hiệu quả DN, tìm ra giải pháp nâng cao hiệu quả của DN.

Chia sẻ tình hình giám sát, thanh tra, kiểm tra của Bộ Tài chính theo Nghị định 87/2015/NĐ-CP ngày 06/10/2015 của Chính phủ về giám sát đầu tư vốn Nhà nước vào DN, đại diện Thanh tra Bộ Tài chính cho rằng, đề tài cần làm rõ khái niệm giám sát DNNN về giám sát thường xuyên, giám sát trực tiếp; hiện nay, quy định pháp luật chưa phân tách rõ khái niệm thanh tra, kiểm tra, giám sát, do đó, đề tài cần tách bạch hoạt động giám sát với hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Đại diện Thanh tra Tập đoàn EVN cũng chia sẻ chức năng, nhiệm vụ của các Ban thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát ở EVN, bao gồm Ban Thanh tra nội bộ - Giám sát tài chính và Ban Kiểm tra thanh tra. Việc phân chia rõ chức năng, nhiệm vụ của 2 ban này nhằm tránh chồng chéo trong hoạt động kiểm tra, giám sát; đồng thời, các ban phối hợp lập kế hoạch thanh tra, giám sát để tránh trùng lắp, chồng chéo trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ.

Hàng năm, Tập đoàn EVN có thống kê, báo cáo về hoạt động của các đơn vị, công ty thành viên, qua đó, chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong hoạt động của đơn vị; thông qua công tác thanh tra, kiểm tra cũng phát hiện những bất cập và lãnh đạo tập đoàn đã có chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, đề xuất giải pháp khắc phục của các đơn vị.

Phát biểu kết thúc hội thảo, Chủ nhiệm Đề tài cảm ơn các ý kiến đóng góp của đại biểu tham dự.

Trên cơ sở đó, Ban Chủ nhiệm Đề tài sẽ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến và hoàn thiện kết quả nghiên cứu đề tài trong thời gian tới.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm