Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thu tiền phạt vi phạm giao thông trực tuyến: Vẫn “muốn nọ, kia thì giời cũng không làm được”

Thứ sáu, 10/01/2020 - 16:15

(Thanh tra) – Theo tính toán của Văn phòng Chính phủ, chỉ tính riêng việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến đối với thu nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và thu lệ phí trước bạ đăng ký xe sẽ giúp tiết kiệm cho xã hội khoảng l0,4 triệu ngày công và hơn 2.268 tỷ đồng/năm.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: N.Bắc

Sáng ngày 10/1, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi làm việc với các bộ, ngành, đơn vị bàn việc triển khai tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia các dịch vụ: Thu tiền xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông vận tải; thu lệ phí trước bạ trực tuyến và áp dụng chứng từ điện tử trong nộp lệ phí trước bạ đăng ký xe ô tô, xe gắn máy; cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân.

Tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng và chục triệu ngày công

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) cho hay, ngày 8/1, báo cáo về vấn đề này đã được gửi đến Bộ trưởng Công an Tô Lâm.

Theo phương án đề ra, việc thu tiền phạt sẽ thực hiện áp dụng đối với xử phạt thuộc thẩm quyền của Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông.

Nếu phương án này được thực thi, người bị xử phạt sẽ tiết kiệm được ít nhất 1,5 ngày làm việc để thực hiện công đoạn từ nhận quyết định xử phạt, đi nộp phạt đến nhận giấy tờ, phương tiện, tương ứng với khoảng 4 triệu trường hợp vi phạm lập biên bản được lập trong 1 năm.

“Xã hội sẽ tiết kiệm được khoảng 6 triệu ngày công và hơn 1.300 tỷ đồng/năm (tính theo thu nhập bình quân đầu người năm 2018 khoảng 220.000 đồng/ngày làm việc)”, ông Phan thông tin.

Với việc thu lệ phí trước bạ trực tuyến và áp dụng chứng từ điện tử trong nộp lệ phí trước bạ đăng ký xe ô tô, xe gắn máy, theo ông Phan, hiện ngành thuế đã triển khai. Nhưng ngành Công an chưa chấp nhận hóa đơn điện tử khi đăng ký xe.

Ngoài ra, việc thực hiện chia sẻ dữ liệu giữa cơ quan thuế và công an chưa hiệu quả, chưa đáp ứng yêu cầu của Chính phủ.

Ông Phan phân tích, vướng mắc đó dẫn tới việc cá nhân, tổ chức rất mất thời gian, chi phí trong việc nộp lệ phí trước bạ. Theo số liệu thống kê, với khoảng 4,4 triệu ô tô, xe máy được đăng ký năm 2019 thì việc chuẩn bị hồ sơ, nộp lệ phí trước bạ theo hình thức trực tiếp mất khoảng 1 ngày làm việc, tương đương với 4,4 triệu ngày công và 968 tỷ đồng/năm khi không thực hiện trực tuyến.

Việc cấp Giấy xác nhận số chứng minh nhân dân cho người dân đã được cấp căn cước công dân có rất nhiều khó khăn, vướng mắc thời gian qua, triển khai dịch vụ trực tuyến được coi là giải pháp tháo gỡ. Văn phòng Chính phủ cũng đã chính thức có văn bản đề nghị Bộ Công an triển khai tích hợp, cung cấp dịch vụ này trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính nhấn mạnh, việc triển khai dịch vụ công theo hình thức trực tuyến sẽ mang lại hiệu quả rất lớn, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian cho người dân.

“Chỉ tính riêng việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến đối với thu nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và thu lệ phí trước bạ đăng ký xe sẽ giúp tiết kiệm cho xã hội khoảng l0,4 triệu ngày công và hơn 2.268 tỷ đồng/năm”, ông Ngô Hải Phan khái quát.

Còn tâm lý “e dè” trong triển khai

Tuy nhiên, theo nhận định chung, việc triển khai các dịch vụ này còn chậm, nếu không có biện pháp cải thiện thì khó đảm bảo mục tiêu tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia trong quý I/2020.

Triển khai thu tiền xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông theo hình thức trực tuyến sẽ tiết kiệm khoảng 6 triệu ngày công và hơn 1.300 tỷ đồng/năm. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Một trong những nguyên nhân là do chưa tập trung nguồn lực, bố trí kinh phí thực hiện cũng như còn một số tâm lý “e dè” trong triển khai.

Ông Vương Ngọc Bắc, Cục Cảnh sát giao thông cho hay, từ năm 2012, Bộ Công an đã xây dựng cơ sở giữ liệu xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông vận tải. Nhưng mới triển khai ở 42 địa phương và chưa đến công an cấp huyện.

Vì vậy, Cục Cảnh sát giao thông đã báo cáo, đề xuất Bộ bổ sung kinh phí cho các tỉnh còn lại, nâng cấp trung tâm và đến cuối năm 2019, các thủ tục đấu thầu mới hoàn thiện. “Chúng tôi hứa sẽ đẩy nhanh tiến độ nhanh nhất để đưa thủ tục lên Cổng dịch vụ Công quốc gia”, ông Bắc nói.

Còn dịch vụ thu lệ phí trước bạ đăng ký xe, theo ông Bắc, Cục đã kết nối với Tổng Cục thuế, thí điểm thực hiện tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Song đến nay chưa chuẩn hoá trường thông tin giữ cảnh sát giao thông, thuế, ngân hàng. Cục đang phối hợp với Tổng Cục thuể để đáp ứng yêu cầu.

Nghe vậy, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói, nếu đầu tư bằng ngân sách thì “lâu lắm vì thực hiện theo Luật Đầu tư công rất phức tạp”. Theo ông, kinh nghiệm của Văn phòng Chính phủ là để doanh nghiệp vào đánh giá thực hiện, rồi thuê lại.

“Tôi nghĩ, Cục Cảnh sát giao thông nên tiếp cận theo hướng này”, Bộ trưởng Dũng nói và đặt vấn đề, quan trọng nhất là cảnh sát giao thông có muốn làm không?. “Nếu chỉ nói mà không muốn làm, muốn nọ, muốn kia thì có giời cũng không làm được”.

“Quan trọng là Cục Cảnh sát giao thông có muốn chia sẻ không. Hiện nay có tư tưởng là không muốn chia sẻ. Bây giờ thái độ việc này phải rõ”, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nêu và cho hay, “Bộ trưởng Tô Lâm nói rất muốn cải cách cái này”.

Văn phòng Chính phủ đề nghị Bộ Công an bố trí kinh phí, tập trung nguồn lực để chủ trì xây dựng, tích hợp, cung cấp 3 thủ tục này trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Cùng với đó, sửa đổi nhanh Thông tư 15 năm 2014 để sử dụng chứng từ điện tử nộp lệ phí trước bạ khi đăng ký xe; kết nối, chia sẻ dữ liệu với ngành Thuế để đảm bảo việc thu nộp lệ phí trước hạ trực tuyến thực chất, hiệu quả.

Theo ông Mai Tiến Dũng, sau buổi làm việc này, Văn phòng Chính phủ sẽ cáo báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Sau đó, sẽ có thông báo của Thủ tướng để đẩy nhanh tiến độ, rõ việc và thời gian hoàn thành.

Hương Giang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Nâng cao năng lực quản trị an ninh phi truyền thống trong kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trước những thách thức toàn cầu

Nâng cao năng lực quản trị an ninh phi truyền thống trong kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trước những thách thức toàn cầu

(Thanh tra) - An ninh phi truyền thống khác với an ninh truyền thống ở trọng tâm là việc nhận diện và quản trị các rủi ro không chỉ ở cấp độ cá nhân, gia đình, mà còn mở rộng đến cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, địa phương, và quốc gia. Đây là một thách thức toàn diện, đòi hỏi sự phối hợp đa chiều để đưa ra các giải pháp phòng ngừa và ứng phó hiệu quả.

Minh Huyền

22:30 22/11/2024
Bộ Công Thương làm rõ các ý kiến liên quan dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu

Bộ Công Thương làm rõ các ý kiến liên quan dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu

(Thanh tra) - Bộ Công Thương cho biết, trong quá trình xây dựng nghị định thay thế các nghị định về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đã nhận được nhiều ý kiến góp ý của các bộ, ngành, doanh nghiệp, Hiệp hội Xăng dầu trong đó có một số nội dung liên quan đến cơ chế điều hành giá xăng dầu; việc xem xét bỏ quy định về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và quyền mua bán xăng dầu giữa các thương nhân phân phối xăng dầu.

Lê Phương

21:51 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm