Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Thu lợi bất chính 1.200 tỷ đồng từ bán hóa đơn

Nam Dũng

Thứ tư, 02/11/2022 - 17:34

(Thanh tra) - Ngày 2/11, Công an tỉnh Phú Thọ đã tổ chức họp báo để thông tin về kết quả đấu tranh một số chuyên án, vụ án nổi bật, trong đó án mua bán trái phép hóa đơn và làm, mua bán, sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức xảy ra tại tỉnh Phú Thọ và các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: ND

Thu lợi bất chính 1.200 tỷ đồng

Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Công an tỉnh Phú Thọ cho biết: Kể từ 1/11/2018, hóa đơn điện tử được đưa vào triển khai thí điểm, sau đó triển khai chính thức vào 1/11/2020 và kéo dài thực hiện triển khai bắt buộc áp dụng với tất cả các doanh nghiệp kể từ ngày 1/7/2022.

Ngoài những tiện ích rất lớn, thì cũng đã xuất hiện tội phạm mua bán trái phép hóa đơn điện tử với quy mô, mức độ ngày càng lớn và thủ đoạn lợi dụng môi trường quản lý điện tử thông thoáng, để thực hiện hành vi phạm tội ngày càng tinh vi, khó bị phát hiện và khó chứng minh hành vi phạm tội.

Trong tháng 10/2022, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Phú Thọ đã phát hiện và khởi tố vụ án, khởi tố 5 bị can trong đường dây mua bán trái phép hóa đơn điện tử, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức với doanh số hóa đơn điện tử đã bán đặc biệt lớn.

Hai đối tượng được xác định cầm đầu đường dây là Nguyễn Minh Tú (sinh năm 1992, thường gọi là Hùng) cùng Võ Tấn Lộc (sinh năm 1997, thường gọi là Long) ở phường Tam Phú, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh đã thông qua mạng zalo để mua 228 công ty có người đại diện theo pháp luật đều sử dụng giấy tờ giả, địa chỉ ở nhiều tỉnh thành trên cả nước (chủ yếu ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội).

Các đối tượng này đã thiết lập mạng lưới các đối tượng trung gian khoảng trên 400 người có phân công, phân cấp nhiệm vụ rõ ràng khai thác trang thông tin điện tử các doanh nghiệp Việt Nam, tìm kiếm các đơn vị có nhu cầu mua để bán hóa đơn giá trị gia tăng điện tử cho rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong cả nước với doanh số đặc biệt lớn khoảng trên 25.000 tỷ đồng.

Qua đấu tranh, bước đầu cơ quan CSĐT đã xác định thiệt hại về thuế trên 2.500 tỷ đồng. Các đối tượng thu lời bất chính khoảng trên 1.200 tỷ đồng (tương đương 5% doanh số tiền hàng ghi trên hóa đơn khống đã bán).

Riêng hai đối tượng Nguyễn Minh Tú và Võ Tấn Lộc thu lời bất chính trên 252 tỷ đồng, tương đương 1% doanh số tiền hàng ghi trên hóa đơn khống đã bán. Các đối tượng trung gian trong hệ thống (F1, F2, F3…) hưởng lợi bất chính số tiền khoảng 750 tỷ đồng.

Để hợp thức thủ tục thanh toán qua ngân hàng cho các hóa đơn đã bán, Tú và Lộc thành lập nhiều công ty “tài chính” cũng với hình thức mua qua mạng zalo (người đại diện theo pháp luật của các công ty này đều sử dụng giấy tờ giả), sử dụng số điện thoại sim “rác” để đăng ký ứng dụng Intenet Banking để "bơm tiền" cho các đối tượng trung gian làm thủ tục thanh toán "quay vòng".

Đối với các hóa đơn đã bán có mặt hàng cần phải có hồ sơ chứng minh nguồn gốc như: đất, cát, sỏi, gỗ, xăng dầu, thực phẩm… Nguyễn Minh Tú đã qua mạng Internet, mua 32 con dấu giả của các cơ quan có thẩm quyền (UBND các tỉnh, các sở, ngành và các cơ quan đăng kiểm, kiểm định, công chứng) để thiết lập các bộ hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa ghi trên các hóa đơn khống chuyển cho doanh nghiệp mua hóa đơn.

Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Phú Thọ đã thu giữ 228 con dấu của các doanh nghiệp bán hóa đơn và 32 con dấu giả các cơ quan chức năng, phong tỏa 2 tài khoản với số tiền trên 27 tỷ đồng.

Hiện tại, vụ án vẫn đang tiếp tục được xác minh điều tra mở rộng.

Nhiều vụ án phức tạp cũng được triệt phá

Cũng tại buổi hợp báo, lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự đã thông tin về vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Căn cứ kết quả điều tra, Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Phú Thọ xác định, từ khoảng tháng 6 đến tháng 10/2020 đối tượng Phạm Văn Vượng (sinh năm 1994, ở xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) cùng đồng bọn đã tạo ra khoảng 20 trang Fanpage trên nền tảng mạng xã hội Facebook; thường lấy phần đầu tên là “trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe...” để chạy quảng cáo nhận cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX) các hạng nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tà sản của người dân.

Giá các đối tượng đưa ra là 1,3 triệu đồng/bộ GPLX mô tô và ô tô là 2,5 - 4,5 triệu đồng/bộ GPLX. Khi có người chốt đơn đăng kí cấp đổi GPLX, Vượng và đồng phạm liên hệ với đối tượng làm giả hồ sơ và GPLX, sau đó gửi dịch vụ ship hàng; tiền hoa hồng được chi theo các tỉ lệ.

Tiếp đó, Phòng An ninh điều tra, Công an tỉnh Phú Thọ cũng thông báo kết quả đấu tranh, triệt phá các ổ nhóm thu thập, mua bán và sử dụng trái phép thông tin cá nhân về nghề nghiệp, tiền sử bệnh lý, số điện thoại... của người dân thu lợi bất chính hàng tỉ đồng.

Đại tá Phạm Trường Giang, Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ khẳng định, đây là những chuyên án, vụ án lớn, tính chất phức tạp, liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, gây thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của các cơ quan Nhà nước.

“Việc đấu tranh, triệt phá được các vụ án khẳng định bản lĩnh, tinh thông nghiệp vụ của lực lượng Công an tỉnh Phú Thọ, qua đó góp phần ngăn chặn tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự. Mong muốn, các cơ quan thông tấn, báo chí tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, phương thức thủ đoạn của tội phạm, chế tài xử phạt để định hướng dư luận” - Đại tá Giang nhấn mạnh.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm