Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tăng cường trợ giúp pháp lý hỗ trợ nhóm yếu thế

Thứ sáu, 25/10/2019 - 09:52

(Thanh tra)- Đó là nội dung được chia sẻ tại Hội thảo tham vấn “Thực trạng giải quyết tranh chấp bằng hoà giải ở cơ sở”, diễn ra sáng 24/10, tại Hà Nội.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: LP

Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ các phát hiện chính về chất lượng và hiệu quả giải quyết tranh chấp ở cơ sở thông qua hoạt động hoà giải và từ đó, nêu các kiến nghị giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả giải quyết tranh chấp ở cơ sở thông qua hoạt động hoà giải. 

Đồng thời thảo luận về các nội dung sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về hoà giải ở cơ sở; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực hoà giải viên và các kiến nghị về việc cần nâng cao kiểm tra, đánh giá kết quả hoà giải để nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết tranh chấp thông qua hoạt động hoà giải ở cơ sở.

Hội thảo là hoạt động tiếp nối hoạt động khảo sát nghiên cứu, đánh giá thực trạng công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn 3 tỉnh Hà Giang, Kiên Giang và Đắk Nông, diễn ra hồi cuối tháng 9/2019. 

Các hoạt động này nằm trong khuôn khổ của Chương trình “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam (EU JULE)”, do Liên minh châu Âu, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Bộ Tư pháp đồng tổ chức, với mục đích hỗ trợ tăng cường tiếp cận trợ giúp pháp lý của người dân Việt Nam, đặc biệt là nhóm yếu thế như phụ nữ, trẻ em, người dân tộc thiểu số và người nghèo.

Ở Việt Nam, hoà giải ở cơ sở là hình thức giải quyết tranh chấp ngoài toà án phổ biến nhất. Hoà giải ở cơ sở thường được sử dụng để giải quyết các tranh chấp phát sinh từ các mối quan hệ gia đình, dân sự hoặc ở trong cộng đồng địa phương. Hình thức này được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam. 

Trên thực tế, báo cáo năm 2018 của Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) và kết quả khảo sát thực địa cho thấy có 45% đến 50% số người được khảo sát sẽ không đến toà án để giải quyết các mâu thuẫn dân sự; thay vào đó, họ sẽ nhờ tổ hòa giải ở cơ sở để tiến hành hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp của họ.

Trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2018, các tổ hoà giải ở cơ sở trên cả nước đã tiến hành hòa giải 760.755 vụ, việc, trong đó hòa giải thành công 612.807 vụ, việc (đạt tỷ lệ 80,6%); hòa giải không thành 147.948 vụ, việc (tỷ lệ 19,4%). Có 79,5% người dân tham gia trong nghiên cứu tại 3 địa phương khảo sát hoàn toàn tin tưởng và rất tin tưởng vào vai trò, giá trị và tác động của hòa giải ở cơ sở. 

Tuy nhiên hiện nay, hòa giải viên ở cơ sở còn thiếu tính chuyên nghiệp, kiến thức pháp luật còn hạn chế, kỹ năng hòa giải chưa cao; chỉ có 37,1% ý kiến người dân đánh giá hòa giải viên am hiểu pháp luật, hiểu vụ việc. 65%- 73% người dân được hỏi đã đánh giá hòa giải viên là nhiệt tình, hòa nhã, có trách nhiệm, có uy tín.

Phát biểu tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp Lê Vệ Quốc cho biết, công tác hòa giải ở cơ sở đã giải quyết kịp thời, dứt điểm những tranh chấp, bất đồng mới phát sinh tại cơ sở, không để tranh chấp kéo dài, khó xử lý, hạn chế đáng kể tình trạng khiếu kiện ra cơ quan Nhà nước, khiếu kiện vượt cấp; góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng khối đoàn kết cộng đồng bền vững, xây dựng khu dân cư văn hóa, sống hòa thuận, hạnh phúc, yên vui, giúp đỡ nhau cùng phát triển. Thực tế cho thấy, mọi vấn đề đều nảy sinh từ cơ sở và ở đâu làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở thì ở đó an toàn chính trị, an ninh, trật tự xã hội được giữ vững.

Cũng theo ông Quốc, hoạt động hòa giải ở cơ sở đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư và tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế, khi quan hệ cộng đồng làng xã ổn định, bền chặt, các thôn, bản, tổ dân phố giữ được an ninh, trật tự, khiến mỗi cá nhân và gia đình yên tâm lao động, sản xuất, làm ăn hiệu quả hơn, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói nghèo, xây dựng địa phương ngày càng giàu mạnh, văn minh. 

Công tác hòa giải ở cơ sở cũng thể hiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thông qua đó nhân dân, xã hội trực tiếp tham gia quản lý mọi mặt đời sống xã hội.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nicholas Booth - cố vấn chương trình Tiếp cận Công lý và Quyền con người của UNDP cho biết, hoà giải ở cơ sở là một công cụ hữu hiệu trong việc bảo đảm quyền tiếp cận công lý ở Việt Nam. Tuy vậy, các biện pháp giải quyết tranh chấp dễ tiếp cận, nhanh chóng và tiết kiệm chi phí như hoà giải ở cơ sở cũng cần bảo đảm được quyền con người.

“Hoà giải viên ở cơ sở cần tham gia nhiều tập huấn về pháp luật và họ cần đảm bảo được quyền của các nhóm yếu thế được bảo vệ, ví dụ như người trải qua bạo lực gia đình. Phụ nữ không nên bị ép tham gia hoà giải với những người chồng có hành vi bạo lực vì áp lực xã hội hoặc vì họ không tìm được các giải pháp hỗ trợ khác. Buổi hội thảo hôm nay là một cơ hội tuyệt vời để bàn thảo những bước tiếp theo trong việc đẩy mạnh hoà giải ở cơ sở, đảm bảo quyền tiếp cận công lý cho mọi người”, ông Nicholas Booth nhấn mạnh.

Lê Phương

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bảo vệ bí mật công tác của ngành Thanh tra - đảm bảo an toàn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động ngành

Bảo vệ bí mật công tác của ngành Thanh tra - đảm bảo an toàn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động ngành

(Thanh tra) - Ngày 12/12, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra tổ chức Hội thảo Hoàn thiện kết quả nghiên cứu “Bảo vệ bí mật Nhà nước và bí mật công tác của ngành Thanh tra – Thực trạng và giải pháp”, do TS Nguyễn Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục 4, Thanh tra Chính phủ làm chủ nhiệm.

Thái Hải

12:16 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm