Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự trong xét xử các vụ án tham nhũng, chức vụ

Thái Hải

Thứ hai, 28/09/2020 - 22:34

(Thanh tra) - Đó là ý kiến của các đại biểu đối với Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự trong xét xử vụ án tham nhũng, chức vụ được TAND Tối cao tổ chức vào ngày 28/9.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TH

Phát biểu khai mạc, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: Thời gian qua công tác điều tra, truy tố và xét xử các vụ án tham nhũng, chức vụ có xu hướng gia tăng cả về số lượng, mức độ và quy mô. Việc xét xử tội phạm tham nhũng thời gian qua đã đảm bảo đúng nguyên tắc xử lý tham nhũng quy định tại Điều 4 của Luật Phòng, chống tham nhũng và được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, được dư luận đồng tình, tạo bước đột phá mới trong công tác xử lý tham nhũng, khẳng định quyết tâm mạnh mẽ, không bao che, nương nhẹ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, thông qua hoạt động xét xử, bên cạnh việc trừng trị tội phạm tham nhũng, các tòa án còn thực hiện triệt để việc thu hồi tài sản tham nhũng cho cơ quan, tổ chức, đồng thời kiến nghị giúp các cấp, ngành khắc phục những hạn chế, thiếu sót, góp phần quan trọng trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, thu hồi tài sản như:  Vụ án Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam và đồng phạm; các vụ án liên quan Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm; vụ án Đinh La Thăng và đồng phạm; vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm...

Thực tiễn công tác xét xử các vụ án tham nhũng, chức vụ trong thời gian qua vẫn còn tồn tại không ít hạn chế, khó khăn, vướng mắc, như trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, giữa các cơ quan tiến hành tố tụng còn có quan điểm khác nhau về đánh giá chứng cứ và áp dụng pháp luật, xác định tội danh, đánh giá vai trò của các đối tượng trong vụ án đồng phạm; về xác định thiệt hại, trách nhiệm dân sự...

Công tác thu hồi tài sản tham nhũng chưa đạt được kết quả như kỳ vọng, tỷ lệ tài sản thu hồi chưa được cao so với thiệt hại, hậu quả của tội phạm.

Để bảo đảm việc giải quyết các vụ án tham nhũng, chức vụ đạt hiệu quả cao, đúng quy định của pháp luật, căn cứ vào khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 41 của Quốc hội đã “giao TAND Tối cao thông qua tổng kết việc áp dụng pháp luật, giám đốc việc xét xử bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử các quy định Bộ luật Hình sự năm 2015” và trên cơ sở tổng kết thực tiễn xét xử TAND Tối cao nghiên cứu, Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán, hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự trong xét xử vụ án tham nhũng, chức vụ.

Tại hội thảo, các đại biểu đánh giá cao sự cần thiết ban hành Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự trong xét xử vụ án tham nhũng, chức vụ.

Các đại biểu cũng đã đề xuất những vấn đề cần hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo Nghị quyết như: Vấn đề dân sự trong vụ án tham nhũng, chức vụ; tình tiết định tội; trường hợp được xem xét miễn trách nhiệm hình sự; xem xét miễn hình phạt; áp dụng hình phạt đối với người phạm tội tham nhũng, chức vụ; truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một số tội, trường hợp cụ thể; việc xác định tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại; thu hồi tài sản trong vụ án tham nhũng, chức vụ...

Theo TS Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Dự thảo Nghị quyết nghiêm túc, công phu, với nhiều nội dung phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn xét xử các vụ án tham nhũng, chức vụ. Các nội dung được hướng dẫn về cơ bản là phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự nhiều nội dung cụ thể được hướng dẫn trong Dự thảo Nghị quyết.

Ông Cường nhấn mạnh: Thời gian qua, hệ thống TAND đã rất cố gắng, nỗ lực trong việc xét xử các vụ án tham nhũng, chức vụ, bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, trong quá trình xét xử, cũng như trong quá trình điều tra, truy tố cho thấy còn có những khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các quy định của Bộ luật Hình sự đối với các tội này. Do đó, để đảm bảo thực hiện tốt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng, chức vụ; nâng cao chất lượng hoạt động xét xử; bảo đảm áp dụng đúng và thống nhất các quy định của Bộ luật Hình sự  thì việc ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự trong xét xử vụ án tham nhũng, chức vụ vô cùng quan trọng.

Bà Lê Thị Vân Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp bày tỏ: Qua các lần sửa đổi, bổ sung và đặc biệt lần sửa đổi, bổ sung gần đây nhất, tại Bộ luật Hình sự 2015 những quy định về các tội phạm về chức vụ ngày càng hoàn thiện hơn nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đấu tranh với loại tội phạm này, đồng thời phù hợp với các chuẩn mực quốc tế khi Việt Nam đã là thành viên Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng. Theo đó, Bộ luật Hình sự 2015 quy định 14 tội danh cụ thể tại Chương các tội phạm về chức vụ, với 7 điều luật quy định về các tội phạm tham nhũng và 7 điều luật quy định về các tội phạm khác về chức vụ.

Mặc dù Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có những sửa đổi, bổ sung đối với nhóm các tội phạm về chức vụ theo hướng cụ thể hơn, rõ ràng hơn về cấu thành cơ bản cũng như về các tình tiết tăng nặng định khung hình phạt nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đấu tranh với loại tội phạm này cũng như phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, tuy vậy, "để việc vận dụng các quy định này vào thực tiễn được thống nhất, thuận lợi, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác đấu tranh với loại tội phạm này thì việc Hội đồng Thẩm phán TANDT Tối cao thống nhất, ban hành văn bản hướng dẫn rất có giá trị” - bà Vân Anh khẳng định.

Ông Đỗ Khắc Hưởng, Trưởng phòng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an đề nghị nghiên cứu mở rộng phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự trong xét xử vụ án tham nhũng, chức vụ, đặc biệt là hướng dẫn một số quy định của Bộ luật Hình sự về tội phạm tham nhũng chức vụ thì cần hướng dẫn thêm một số quy định củaBộ luật Hình sự về tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế đối với một số tình tiết có tính chất tương đồng.

Theo ông Hưởng, qua thực tế công tác điều tra, giải quyết các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo thấy có một số khó khăn, vướng mắc trong điều tra, giải quyết các vụ án liên quan đến tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự và tội vi phạm quy định về quản lý đất đai quy định tại Điều 229 và một số tội danh thuộc Chương các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế. Điển hình, khó khăn trong việc xác định tình tiết “có tổ chức”, “dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt”, “gây thất thoát, lãng phí”; khó khăn trong việc xác định hậu quả, thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra làm căn cứ để xác định trách nhiệm hình sự...

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Nâng cao năng lực quản trị an ninh phi truyền thống trong kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trước những thách thức toàn cầu

Nâng cao năng lực quản trị an ninh phi truyền thống trong kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trước những thách thức toàn cầu

(Thanh tra) - An ninh phi truyền thống khác với an ninh truyền thống ở trọng tâm là việc nhận diện và quản trị các rủi ro không chỉ ở cấp độ cá nhân, gia đình, mà còn mở rộng đến cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, địa phương, và quốc gia. Đây là một thách thức toàn diện, đòi hỏi sự phối hợp đa chiều để đưa ra các giải pháp phòng ngừa và ứng phó hiệu quả.

Minh Huyền

22:30 22/11/2024
Bộ Công Thương làm rõ các ý kiến liên quan dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu

Bộ Công Thương làm rõ các ý kiến liên quan dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu

(Thanh tra) - Bộ Công Thương cho biết, trong quá trình xây dựng nghị định thay thế các nghị định về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đã nhận được nhiều ý kiến góp ý của các bộ, ngành, doanh nghiệp, Hiệp hội Xăng dầu trong đó có một số nội dung liên quan đến cơ chế điều hành giá xăng dầu; việc xem xét bỏ quy định về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và quyền mua bán xăng dầu giữa các thương nhân phân phối xăng dầu.

Lê Phương

21:51 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm