Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phát huy trí tuệ của Nhân dân để đáp ứng mong mỏi của hơn 1,6 triệu nhà giáo

Phương Hiếu

Thứ sáu, 17/05/2024 - 21:35

(Thanh tra) - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Phạm Ngọc Thưởng đã nhấn mạnh như vậy tại buổi tọa đàm với các cơ quan báo chí về Dự án Luật Nhà giáo diễn ra chiều ngày 17/5, tại Hà Nội. Đây là tọa đàm đầu tiên với cơ quan báo chí về Dự án Luật Nhà giáo.

Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: TH

Dự thảo Luật Nhà giáo đã được đăng công khai trên Cổng Thông tin Chính phủ, Bộ GDĐT để tiếp thu ý kiến góp ý của các tầng lớp Nhân dân và các cơ quan, đoàn thể, trong đó cơ quan báo chí với vai trò quan trọng trong định hướng truyền thông những vấn đề cốt lõi của dự án Luật.

Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Dự án Luật Nhà giáo là luật khó, phạm vi lớn, tác động đến nhiều chính sách và liên quan đến nhiều văn bản mà các bộ, ngành đã ban hành. Trước đó, ban soạn thảo đã tổ chức nhiều hội nghị, tọa đàm, với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học và các thành phần khác. Trong quá trình xây dựng dự án luật, ban soạn thảo đã lấy ý kiến nhằm tạo sự đồng thuận của dư luận xã hội, bảo đảm Luật sẽ đi vào cuộc sống, phát huy được hiệu quả trong thực tiễn.

“Đây là dự án mới, khó nên càng cần phát huy trí tuệ của Nhân dân, tầng lớp xã hội để dự án được hoàn thiện, đáp ứng mong mỏi của khoảng 1,6 triệu nhà giáo trên cả nước”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.

Dự án Luật Nhà giáo được Chính phủ đồng ý xây dựng, Quốc hội đồng ý đưa vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh đã trở thành bước đột phá và mang lại ý nghĩa động viên to lớn với hàng triệu nhà giáo trong cả nước.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại tòa đàm. Ảnh: TH

Về nội dung dự án luật, theo Bộ GDĐT, sau một thời gian tiến hành soạn thảo với nhiều công việc, quy trình phức tạp, nội dung mới khó, ngày 13/5/2024, Bộ GDĐT đã công bố dự thảo Luật Nhà giáo để lấy ý kiến rộng rãi dư luận xã hội.

Theo nội dung dự thảo, Luật Nhà giáo được xây dựng với quan điểm tiếp tục luật hóa đầy đủ các quan điểm của Đảng và Nhà nước về nhà giáo, nhất là quan điểm “phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu”, nhà giáo "giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục"; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục (trong đó có nhà giáo).

Kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển đội ngũ nhà giáo; chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo tinh thần Nghị quyết 29 của Đảng và phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế, sự phát triển của giáo dục, khoa học, công nghệ trên thế giới (nhất là trí tuệ nhân tạo) để thực hiện một trong ba đột phá chiến lược là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao - những công dân toàn cầu, phát triển kinh tế xã hội của đất nước...

Dự thảo ;uật có 5 chính sách cơ bản gồm: Định danh nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; quản lý Nhà nước về nhà giáo.

Như vậy, lần đầu tiên, việc định danh nhà giáo gắn với đặc thù nghề nghiệp được quy định một cách đầy đủ, hệ thống, làm cơ sở cho việc chuẩn hóa và đề xuất các quy định chế độ, chính sách đối với nhà giáo. Điều này vừa đảm bảo chất lượng đội ngũ nhà giáo và tạo sự bình đẳng giữa nhà giáo trong công lập và nhà giáo trong các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục.

Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục Vũ Minh Đức. Ảnh: TH

Nội dung nhận được sự quan tâm tại Dự thảo Luật Nhà giáo là vấn đề tiền lương, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục Vũ Minh Đức cho biết, nhà giáo được xếp lương cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp, bảo đảm bình đẳng giữa nhà giáo công lập và ngoài công lập.

Cũng theo ông Đức, theo quy tắc xây dựng tiền lương mới, tiền lương cơ bản chiếm 70%, phụ cấp ưu đãi chiếm 30%. Riêng ngành Giáo dục sẽ được hưởng mức phụ cấp ưu đãi theo nghề ở mức cao nhất.

Theo quy định, tiền lương mới không thấp hơn tiền lương cũ, trong trường hợp thấp hơn, nhà giáo sẽ được bảo lưu mức cũ. Bên cạnh đó, dự thảo còn đề xuất các chế tài để bảo đảm tiền lương và chính sách theo lương của nhà giáo công tác tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, tự chủ phải bảo đảm không ít hơn so với nhà giáo có cùng trình độ đào tạo, cùng thâm niên, cùng chức danh trong các cơ sở giáo dục công lập đang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.

547.786 nhà giáo được lấy ý kiến

Trong năm 2023, Bộ GDĐT đã tổ chức hơn 100 cuộc họp chuyên môn, hội thảo xin ý kiến chuyên gia trong và ngoài ngành với các quy mô khác nhau; tổ chức khảo sát, lấy ý kiến của 547.786 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp học mầm non, phổ thông, đại học và giáo dục nghề nghiệp để phục vụ phân tích, đánh giá để phục vụ hoàn thiện các chính sách trong Dự thảo Luật Nhà giáo

Bộ GDĐT xác định việc đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo là nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành trong giai đoạn từ 2021-2025, vì vậy, việc chuẩn bị đề xuất xây dựng luật đã được chuẩn bị nghiêm túc, kỹ lưỡng, tạo cơ sở bước đầu quan trọng để xây dựng Luật.

Một trong những quy định mới thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội được nêu trong dự thảo Luật Nhà giáo là quy định chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo. Chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo là văn bản xác nhận tư cách nhà giáo do cơ quan có thẩm quyền cấp cho người đạt tiêu chuẩn chức danh nhà giáo theo quy định.

Về nội dung này, ông Vũ Minh Đức cho hay, để không gây xáo trộn khi áp dụng quy định về chứng chỉ hành nghề, Dự thảo Luật Nhà giáo đã tính toán phương án chuyển tiếp thuận lợi cho 1,6 triệu nhà giáo được tuyển dụng vào ngành trước khi luật có hiệu lực, sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề mà không cần sát hạch. Những nhà giáo đã nghỉ hưu nếu có nguyện vọng cũng được cấp chứng chỉ hành nghề để ghi nhận sự cống hiến cho sự nghiệp giáo dục hoặc sử dụng để tiếp tục hoạt động nghề nghiệp.

Việc đổi mới cơ chế quản lý nhà giáo được xác định là một nội dung quan trọng trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo vì nhà giáo đóng vai trò là một thành tố quan trọng của giáo dục. Do đó, Luật Nhà giáo dự kiến điều chỉnh các quy định về quản lý nhà giáo theo hướng thống nhất quản lý Nhà nước đối với đội ngũ nhà giáo trong toàn hệ thống.

Đồng thời tăng cường phân cấp, khẳng định vị thế, vai trò quản lý Nhà nước của ngành Giáo dục (đặc biệt là đối với các cấp học mầm non, phổ thông) nhằm tháo gỡ các bất cập trong thừa/thiếu cục bộ đội ngũ nhà giáo, chủ động điều tiết nhà giáo trên phạm vi từng tỉnh/toàn quốc.

Dự thảo luật cũng quy định cụ thể về việc quản lý nhà giáo tại các cơ sở giáo dục và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan.

Với định hướng đổi mới công tác quản lý Nhà nước về nhà giáo, giúp nâng cao tính chủ động của các cơ quan quản lý giáo dục các cấp, đồng thời nâng cao vị thế của ngành Giáo dục và của nhà giáo.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tôn sư trọng đạo là yếu tố quyết định đến chất lượng giáo dục!

Tôn sư trọng đạo là yếu tố quyết định đến chất lượng giáo dục!

(Thanh tra) - Đó là phát biểu của Hoà thượng Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Học viên Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, khi bàn về Luật Giáo dục, nhân ngày 20/11- Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Trà Vân

16:21 20/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm