Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thanh tra chuyên ngành

Thái Hải

Thứ tư, 05/01/2022 - 18:33

(Thanh tra) - Đó là một trong những nội dung chính của đề tài nghiên cứu khoa học do ThS. Nguyễn Sĩ Giao, Phó Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (CL&KHTT) thực hiện với chủ đề “Việc phát hiện và xử lý vi phạm của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành” vừa được Viện CL&KHTT nghiệm thu đánh giá kết quả xuất sắc.

ThS. Nguyễn Sĩ Giao trình bày kết quả nghiên cứu đề tài. Ảnh: TH

Theo ThS. Nguyễn Sĩ Giao, luật hóa chức năng thanh tra chuyên ngành cho các cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành được là một điểm mới của Luật Thanh tra năm 2010 nhằm đảm bảo phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của những cơ quan này, đồng thời khắc phục được tình trạng thành lập các cơ quan thanh tra chuyên ngành độc lập vốn tồn tại trước khi Luật thanh Tra năm 2010 được ban hành. Qua 9 năm thi hành Luật Thanh tra, trong giai đoạn từ 01/7/2011 đến 30/6/2019, đã có 1.668.899 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành được thực hiện và xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 32.340 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động thanh tra chuyên ngành của cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành đến nay đã bộc lộ những bất cập, hạn chế làm giảm hiệu quả trong việc phát hiện và xử lý vi phạm.

Nguyên nhân chủ yếu về nguyên tắc, trình tự, hình thức thực hiện thanh tra chuyên ngành; về thẩm quyền phát hiện, xử lý vi phạm hành chính của cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành; về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính; về phương thức phát hiện hành vi vi phạm hành chính.

ThS. Nguyễn Sĩ Giao nhấn mạnh, phát hiện và xử lý vi phạm hành chính qua hoạt động thanh tra chuyên ngành của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành là một nội dung rất rộng, đồng thời cũng là một công tác rất khó khăn, phức tạp. Hoạt động phát hiện và xử lý vi phạm hành chính liên quan đến nhiều đối tượng khác nhau, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân và tác động không nhỏ đến sự ổn định chính trị - xã hội.

Hiện nay, việc quản lý hiệu quả các ngành, lĩnh vực càng đóng vai trò quan trọng và có giá trị, nên công tác thực hiện pháp luật về phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật ngày càng có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả quản lý Nhà nước. Chính vai trò quan trọng đó, quy định về pháp luật thanh tra chuyên ngành, về xử lý vi phạm hành chính thường xuyên xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.

Về khía cạnh pháp luật thanh tra, Luật Thanh tra năm 2010 được ban hành đã có nhiều bước tiến mới so với Luật Thanh tra năm 2004, tạo thuận lợi cho hoạt động thanh tra chuyên ngành của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Tuy nhiên, nhằm khắc phục các hạn chế, vướng mắc nêu trên và nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra chuyên ngành của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, trên cơ sở kết quả nghiên cứu, đề tài đã đề xuất một số kiến nghị cụ thể.

Các bộ có cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành tham mưu với Bộ trưởng chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến tổ chức, hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Đồng thời, xác định rõ yêu cầu, mục tiêu và kết quả đạt được trong việc đào tạo, bồi dưỡng, tuyên truyền và tăng cường phối hợp với Thanh tra Chính phủ trong việc xây dựng và ban hành kế hoạch rà soát đánh giá tổng thể mô hình tổ chức, chức năng nhiệm vụ và quyền hạn thanh tra chuyên ngành của các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Báo cáo tại hội nghị, Chủ nhiệm Đề tài cho biết, mục tiêu nghiên cứu của đề tài là đề xuất các giải pháp hoàn thiện các quy định pháp luật và nâng cao hiệu quả việc phát hiện và xử lý vi phạm của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, đề xuất, làm rõ, kiến nghị các nội dung liên quan đến một số vấn đề chung về phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; thực trạng phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; định hướng và giải pháp nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Tại hội nghị, ThS. Lê Thị Thúy, Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Viện CL&KHTT nhấn mạnh, đề tài nghiên cứu có tính cấp thiết trong bối cảnh hiện nay khi chưa có đề tài nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này; cách tiếp cận nghiên cứu đề tài phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu theo thuyết minh được phê duyệt; phương pháp nghiên cứu về cơ bản phù hợp, được sử dụng hiệu quả; nội dung nghiên cứu phù hợp với mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu; kết quả nghiên cứu của đề tài có tính mới về lý luận, thực trạng và giải pháp.

Đề tài có thể điều chỉnh, làm rõ hơn khái niệm ”thanh tra chuyên ngành” và ”cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành”; luận giải cơ bản bản chất của hoạt động thanh tra chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành, mối liên hệ giữa bản chất của thanh tra chuyên ngành và ”thẩm quyền phát hiện” xử lý vi phạm pháp luật chuyên ngành.

Còn ThS. Văn Tiến Mai, Phó Vụ trưởng Vụ kế hoạch - Tổng hợp, Thanh tra Chính phủ cho rằng, đề tài được nghiên cứu công phu, nghiêm túc; các vấn đề lý luận được tiếp cận sát với những vấn đề cần nghiên cứu; đánh giá cao kết quả nghiên cứu tại chương II; các giải pháp đưa ra tại chương III có tính đồng bộ và khả thi. Dù đề tài còn có một số hạn chế cần được sửa đổi, bổ sung như một số thuật ngữ cần được sử dụng nhất quán; khuôn rõ phạm vi nghiên cứu là xử lý vi phạm hành chính; xác định rõ nội hàm của “xử lý vi phạm hành chính” gồm xử phạt và các biện pháp khác; khẳng định rõ cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành chỉ xử phạt vi phạm hành chính mà không có thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý khác.

Cũng theo ông Mai, phần giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật về tổ chức, hoạt động thanh tra chuyên ngành của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đưa lên nhóm giải pháp về hoàn thiện pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành cần được bổ sung, làm rõ hơn.

TS. Nguyễn Văn Kim, nguyên quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Nghiệm thu khẳng định, đề tài được nghiên cứu công phu, nghiêm túc, rõ ràng; đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề lý luận, thực trạng được phân tích sâu, giải pháp có tính toàn diện, khả thi. Đề tài cần nghiên cứu sâu hơn khái niệm “thanh tra chuyên ngành”, “cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành” và phần giải pháp gồm 3 nội dung thống nhất nhận thức, quan niệm; sửa pháp luật về tiêu chí, trình tự, thủ tục; tổ chức thực hiện.

Chủ tịch Hội đồng Nghiệm thu đề nghị chủ nhiệm đề tài tiếp thu những ý kiến đóng góp có giá trị về mặt lý luận cũng như thực tiễn.

Với những kết quả đạt được, Hội đồng thống nhất đánh giá đề tài đạt loại xuất sắc.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm