Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Nhiều ý kiến góp ý Dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi

Cảnh Nhật

Thứ sáu, 26/11/2021 - 15:29

(Thanh tra) - Ngày 26/11, Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra: Những vấn đề lý luận và thực tiễn”. Hội thảo được tổ chức bằng cả hình thức trực tiếp và trực tuyến, với sự tham dự của hơn 200 đại biểu.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: CN

Luật Thanh tra được Quốc hội thông qua năm 2010 và có hiệu lực từ tháng 7/2011, đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng trong việc hoàn thiện tổ chức và nâng cao hoạt động thanh tra, góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước.

Qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Thanh tra năm 2010 cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, gây khó khăn vướng mắc, làm giảm hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra, không còn đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Vũ Văn Nhiêm, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường, Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh đề nghị các đại biểu tập trung nghiên cứu ý nghĩa, sự cần thiết của việc sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra năm 2010; thảo luận về các quy định của pháp luật của Luật Thanh tra và các văn bản liên quan, hiệu quả của các quy định trong thực tiễn, phân tích những ưu điểm và những hạn chế, bất cập. Từ đó, đề xuất, kiến nghị các giải pháp cụ thể để hoàn thiện, đồng thời góp ý cho Dự luật Thanh tra sửa đổi.

TS Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu ra những đóng góp của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc cụ thể hoá việc thực hiện Luật Thanh tra năm 2010 cũng như những đóng góp vào quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra. Theo ông, với xu hướng tự chủ đại học, thanh tra nội bộ tại các cơ sở giáo dục đại học sẽ giữ vai trò rất quan trọng. Do vậy rất cần thiết có quy định rõ hơn về chế định thanh tra trong đơn vị sự nghiệp nói chung tại Luật Thanh tra để trên cơ sở đó Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ sửa đổi bổ sung Thông tư 51 quy định tổ chức và hoạt động thanh tra nội bộ tại các cơ sở giáo dục đại học phù hợp, nhằm góp phần đảm bảo thực hiện tự chủ đại học một cách hiệu quả.

Cũng tại hội thảo, TS Trần Văn Long, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, nêu những chính sách lớn được đưa ra khi xây dựng Dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi bổ sung.
Tại hội thảo, nhiều tham luận đã phân tích, nêu rõ cần thiết phải có sự phân biệt giữa hoạt động thanh tra hành chính và hoạt động thanh tra chuyên ngành, nhất là việc xác định rõ thẩm quyền tiến hành thanh tra đối với mỗi loại hình thanh tra. Cần tách chế định thanh tra nhân dân khỏi Luật Thanh tra và xem xét lại hoạt động thanh tra nội bộ…
Theo các đại biểu, việc phân biệt hoạt động thanh tra hành chính và hoạt động thanh tra chuyên ngành mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng, giúp xác định thẩm quyền thanh tra giữa các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính và các cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực. Đồng thời, giúp xác định hình thức, phương thức, thời gian và quy trình tương ứng, phù hợp với đặc thù đối tượng thanh tra của mỗi loại thanh tra. Qua đó, tránh được sự trùng lắp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra.

Dự thảo Luật Thanh tra ngày 18/8/2021 tiếp tục đưa ra khái niệm thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành nhưng phần hoạt động thanh tra chỉ quy định về một quy trình thanh tra chung, đó là quy trình thanh tra được tiến hành theo phương thức đoàn thanh tra, mà không có sự phân biệt giữa quy trình thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành...

Một số ý kiến tại hội thảo cũng cho rằng, việc nhập chức năng tiếp công dân và quản lý trụ sở tiếp công dân vốn đang thuộc quyền quản lý của UBND về cho cơ quan thanh tra như dự thảo đưa ra là chưa hợp lý. Bởi lẽ, từ góc độ thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước và hiệu quả hoạt động tiếp công dân, việc để trụ sở tiếp công dân thuộc UBND sẽ đảm bảo việc thực hiện trách nhiệm tiếp công dân của chủ tịch UBND các cấp hơn là đưa về thuộc quyền quản lý của cơ quan thanh tra.

Thực tiễn cho thấy, trụ sở tiếp công dân thuộc UBND hay thuộc cơ quan thanh tra thì cơ quan thanh tra vẫn là cơ quan tham mưu giúp chủ tịch UBND tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, được chủ tịch UBND cùng cấp ủy quyền tiếp công dân theo lịch…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm