Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Nhiều khuyến nghị qua công tác kiểm tra việc quản lý tiền công đức, tài trợ

Trần Quý

Thứ tư, 26/06/2024 - 18:26

(Thanh tra) - Hôm nay (26/6), Bộ Tài chính đã có Báo cáo số 174/BC-BTC về kết quả kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên phạm vi toàn quốc năm 2023 gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái.

Khi trao tiền công đức, tài trợ hãy thực hiện bằng cách trao trực tiếp cho người đại diện di tích tại bàn ghi công đức. Ảnh: TQ

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 04/2023/TT-BTC ngày 19/1/2023, là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên điều chỉnh về quản lý, thu chi tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội trên phạm vi cả nước, được Nhân dân và các tổ chức xã hội đồng thuận, ủng hộ.

Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có Văn bản số 62/HĐTS-VP1 ngày 20/2/2023 hướng dẫn áp dụng thông tư cho Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo các địa phương, trụ trì các chùa, cơ sở tự viện, trong đó đề nghị các tăng ni, Phật tử, tổ chức tôn giáo trực thuộc, trụ trì chùa, cơ sở tự viện của Giáo hội thực hiện nghiêm Thông tư số 04/2023/TT-BTC.

Vì vậy, mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cần phải nâng cao tinh thần trách nhiệm của mình và thể hiện bằng những hành động cụ thể.

Đối với tổ chức, cá nhân công đức, tài trợ: Công đức, tài trợ cho tu bổ, tôn tạo di tích và hoạt động lễ hội là nét văn hóa mang ý nghĩa đẹp. Để sự đóng góp đó được trọn vẹn ý nghĩa, phát huy hiệu quả và đem lại lợi ích chung cho cộng đồng, khi trao tiền công đức, tài trợ hãy thực hiện bằng cách trao trực tiếp cho người đại diện di tích tại bàn ghi công đức, đặt vào hòm công đức hoặc chuyển vào tài khoản của cơ sở di tích. Không đặt tiền lên ban thờ, trên mâm lễ, không gài tiền vào tay tượng, giá chuông, khe cửa… vì như vậy sẽ làm mất đi nét đẹp vốn có của hoạt động công đức, tài trợ.

Đối với người đại diện hoặc ban quản lý di tích: Mở sổ ghi chép đầy đủ các khoản thu, chi bảo đảm công khai, minh bạch. Công đức là dựa vào niềm tin. Tổ chức, cá nhân tự nguyện công đức, tài trợ có thể không quan tâm tới mục đích sử dụng, nhưng người tiếp nhận và sử dụng số tiền đó cần phải công khai, minh bạch. Sự công khai, minh bạch sẽ làm cho niềm tin đó được bền vững, nguồn tài chính đóng góp cho di tích sẽ tốt hơn.

Du khách không đặt tiền lên ban thờ, trên mâm lễ, không gài tiền vào tay tượng, giá chuông, khe cửa… Ảnh: TQ

Trường hợp chưa mở tài khoản tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước thì cần thực hiện ngay để bảo đảm việc quản lý an toàn. Hiện nay, thanh toán không dùng tiền mặt không còn xa lạ, đang trở thành thói quen của mọi người, thì việc công đức, tài trợ theo hình thức chuyển khoản là bình thường, vừa văn minh vừa dễ dàng kiểm soát, không cản trở hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo.

Quản lý chặt chẽ các khoản tiền đã tiếp nhận, bao gồm tiền trong hòm công đức; đối với tiền mặt tạm thời chưa sử dụng cần gửi kịp thời vào tài khoản để bảo đảm việc quản lý an toàn, hạn chế thiệt hại do hành vi trộm cắp. Trường hợp ban quản lý di tích đang giao tiền cho cá nhân giữ, đứng tên gửi tiết kiệm hoặc cho vay cần thực hiện thu hồi ngay để quản lý theo tài khoản của ban quản lý.

Giữ gìn nơi thờ tự trang nghiêm, thanh tịnh để du khách đến tìm thấy sự bình an, yên tĩnh và thanh thản. Không đặt đĩa, đặt khay nơi thờ tự cho mục đích tiếp nhận tiền công đức, tài trợ và các khoản tiền có tính chất tương tự.

Lắp camera giám sát tại các điểm tiếp nhận, kiểm đếm tiền công đức, tài trợ.

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc sử dụng tiền công đức, tài trợ, xem đây là nhiệm vụ, là văn hoá ứng xử của người đại diện hoặc ban quản lý di tích trong hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo nhằm góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực xã hội cho phát triển văn hóa của đất nước.

Đối với cơ quan chức năng Nhà nước: Việc quản lý di tích và tổ chức lễ hội tại di tích trong tình hình mới, bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có yếu tố kinh tế thị trường, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, bảo đảm tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội được sử dụng đúng mục đích, công khai, minh bạch nhằm loại bỏ xu hướng chạy theo lợi ích vật chất, lòng tham, lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi.

Đối với các địa phương đến nay chưa ban hành văn bản quy định về quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo hướng dẫn tại Thông tư số 04/2023/TT-BTC, đề nghị UBND cấp tỉnh quan tâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành để thống nhất thực hiện tại địa phương.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm