Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Nâng cao hiệu quả phát hiện và khắc phục hạn chế, bất cập trong quản lý, chính sách, pháp luật qua công tác thanh tra

Thái Hải

Thứ năm, 11/07/2024 - 21:32

(Thanh tra) - Là tên đề tài khoa học cấp bộ do TS Trần Văn Long, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ làm Chủ nhiệm được Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra (CL&KHTT) tổ chức hội thảo góp ý đề cương nghiên cứu vào chiều ngày 11/7.

TS Trần Văn Long, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế trình bày nội dung đề tài. Ảnh: TH

Theo TS Trần Văn Long, nhằm đề xuất quan điểm, giải pháp hoàn thiện và nâng cao hiệu quả của cơ chế phát hiện và khắc phục hạn chế, bất cập trong quản lý, chính sách, pháp luật qua hoạt động thanh tra, đề tài tập trung nghiên cứu, phân tích, đánh giá các lý thuyết về tổ chức, hoạt động thanh tra, về vai trò của các cơ quan thanh tra trong quản lý Nhà nước; đồng thời, phân tích, đánh giá thực trạng các quy định của pháp luật về tổ chức, hoạt động của các cơ quan thanh tra nói chung, trong đó trọng tâm phân tích, đánh giá các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra, về mục đích hoạt động thanh tra, thẩm quyền người tiếp hành thanh tra; đánh giá thực trạng hoạt động thanh tra và việc phát hiện các bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật và việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật này.

Trên cơ sở đó, đề tài nghiên cứu 3 nội dung chính: Những vấn đề lý luận về phát hiện và khắc phục hạn chế, bất cập trong quản lý, chính sách, pháp luật qua hoạt động thanh tra nhằm làm rõ những vấn đề lý luận về phát hiện và khắc phục hạn chế, bất cập trong quản lý, chính sách, pháp luật qua hoạt động thanh tra.

Quy định pháp luật và thực tiễn phát hiện, khắc phục, hạn chế, bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật qua hoạt động thanh tra (nội dung này làm rõ các quy định pháp luật và các quy định có liên quan về hoạt động thanh tra, về triển khai một cuộc thanh tra và bảo đảm đạt được chất lượng, hiệu quả của cuộc thanh tra; phân tích, đánh giá thực trạng hoạt động thanh tra, trong đó làm rõ những kết quả phát hiện và hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật qua hoạt động thanh tra).

Định hướng, giải pháp cho việc nâng cao hiệu quả phát hiện và khắc phục hạn chế, bất cập trong quản lý, chính sách, pháp luật qua hoạt động thanh tra nhằm đưa ra định hướng và giải pháp, kiến nghị hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả phát hiện và khắc phục hạn chế, bất cập trong quản lý, chính sách, pháp luật qua hoạt động thanh tra.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TH

Bà Nguyễn Bích Huyền, Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ cho rằng, đây là đề tài hay và khó. Theo bà Huyền, mục đích hoạt động thanh tra là phát hiện sơ hở, bất cập chính sách pháp luật để kiến nghị những chính sách hoàn thiện. Tuy nhiên, thực tế trong hoạt động thanh tra chúng ta mới chú trọng việc phát hiện sai phạm và xử lý sai phạm, còn bất cập sơ hở trong quản lý, chính sách, pháp luật qua hoạt động thanh tra còn mờ nhạt. Nên đây là đề tài hay và có tính cấp thiết.

Góp ý nội dung chi tiết, bà Huyền cho rằng, tại nội dung 1, đề tài đã đi sâu về lý luận về phát hiện và khắc phục hạn chế, bất cập trong quản lý, chính sách, pháp luật thông qua hoạt động thanh tra. Tuy nhiên cần nhắc về phạm vi nghiên cứu.

Tại mục 1.5 về các yếu tố tác động đến việc pháp hiện và khắc phục những hạn chế, bất cập qua công tác thanh tra, đề tài cần bổ sung yếu tố về năng lực và trình độ đội ngũ trực tiếp tiến hành thanh tra và đội ngũ chỉ đạo, lãnh đạo hoạt động thanh tra. Việc tiến hành thanh tra trực tiếp ảnh hưởng như thế nào đến phát hiện cơ chế, sơ hở những bất cập mặt chính sách pháp luật cần làm rõ thêm, đưa ra một vài nội dung để làm rõ hơn.

Nội dung 2, tại mục 1 cần cân nhắc việc đưa vào việc khái quát các quy định của pháp luật hiện hành và các quy định có liên quan đến thực tiễn, phát hiện và khắc phục hạn chế, bất cập trong quản lý, chính sách, pháp luật qua hoạt động thanh tra. Mục 2.2 cần tập trung đánh giá những kết luận, kiến nghị thông qua kết luận thanh tra để được trọng tâm hơn.

ThS Lê Văn Đức, Viện CL&KHTT đồng ý với các ý kiến góp ý tại hội thảo.

Mục 5 của nội dung 1 về các yếu tố tác động đến việc phát hiện và khắc phục hạn chế, bất cập qua công tác thanh tra, đề tài cần bổ sung thêm các yếu tố tác động như: Định hướng chương trình các cuộc thanh tra; theo dõi kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra có nội dung “kiến nghị khắc phục những hạn chế, bất cập của cơ chế quản lý, chính sách” này không? Chất lượng của các kiến nghị đó tại các kết luận thanh tra, trên cơ sở đó mới đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả phát hiện và khắc phục hạn chế, bất cập trong quản lý, chính sách, pháp luật qua hoạt động thanh tra.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh đến phạm vi nghiên cứu đề tài cần nêu thời gian rõ ràng.

Đánh giá nội dung 1, đề tài đưa ra nhiều quan niệm về phát hiện và khắc phục hạn chế, bất cập trong quản lý, chính sách, pháp luật quan hoạt động thanh tra, nhưng cần xem xét lại có khớp với phần thực trạng không? Mục 2 tại nội dung này là đặc điểm và nội dung của hoạt động thanh tra phát hiện và khắc phục hạn chế, bất cập trong quản lý, chính sách, pháp luật qua hoạt động thanh tra, đề tài cần chẻ ra, phần nội dung để đưa vào phần thực trạng.

Nội dung 2, tại mục 2 thực trạng phát hiện và hoàn thiện những bất cập của cơ chế, chính sách phát hiện qua thanh tra, đề tài không thể chỉ phân tích 1 số cuộc thanh tra điển hình để phát hiện ra những bất cập, sơ hở, hạn chế trong cơ chế chính sách mà cần phải lấy nhiều cuộc thanh tra, nhìn toàn thể để đánh giá thực trạng và đưa ra giải pháp…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm