Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Luật không đòi hỏi “có giấy tờ chứng minh”

Thứ ba, 04/11/2014 - 07:07

(Thanh tra)- Đây là tình huống đã được phản ánh trong nhiều số Báo Thanh tra từ năm 2008, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.

Theo cụ Nguyễn Văn Hoành, 90 tuổi, trú tại số 10, khu D, thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội: Cụ được bố mẹ để lại cho nhiều ruộng đất và 2 cái ao. Năm 1960, gia đình cụ hiến toàn bộ ruộng đất vào hợp tác xã (HTX) trừ 2 cái ao (có diện tích ban đầu ước khoảng 300m2, nay đo chính xác là 628m2) gia đình không hiến mà để lại nuôi cá, ngâm tre, cho bà con lấy nước tưới tiêu. Người dân trong vùng gọi 2 ao này là “ao nhà ông Hoành”.

Năm 2005, cho rằng diện tích 2 ao là “đất công” do chính quyền quản lý, UBND thị trấn Sóc Sơn đã bán một phần đất ao đó cho Công ty TNHH Đạt Thắng. Gia đình cụ khiếu nại, yêu cầu được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 2 cái ao theo quy định tại khoản 4, Điều 50, Luật Đất đai 2003 nhưng không được giải quyết.

Mới đây nhất, ngày 3/10/2014, tại Công văn số 1472/UBND-TNMT, UBND huyện Sóc Sơn tiếp tục bác yêu cầu của gia đình cụ Hoành, giữ nguyên nội dung Văn bản số 337/UBND-TNMT (14/4/2008) và Văn bản số 424/QĐ-UBND (16/9/2008) của UBND huyện với những lập luận như sau (2 văn bản này đều do ông Vương Văn Bút, khi ấy là Phó Chủ tịch, nay là Chủ tịch UBND huyện ký):

- Ông Hoành không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng hai thửa ao.

- Gia đình ông Hoành không có giấy tờ chứng minh quá trình quản lý và sử dụng đất trên là của gia đình.

- Hai cái ao là đất thủy lợi do UBND thị trấn Sóc Sơn quản lý; đội sản xuất số 3 nhiều lần nạo vét giữ nước phục vụ sản xuất…

Ý KIẾN CỦA CHÚNG TÔI:

Về lập luận thứ nhất: Ông Hoành "không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng” hai thửa ao:

Đối với người sử dụng đất trước 15/10/1993, Luật Đất đai 2003 và nay, Luật Đất đai 2013 đều không quy định “phải có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng” thì mới được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì vậy, lập luận này không có cơ sở và trái pháp luật (trái quy định tại Điều 6, Nghị định 63/2010/NĐ-CP về kiểm soát thủ tục hành chính, theo đó, Chính phủ nghiêm cấm “tự ý yêu cầu bổ sung thêm hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định”).

Về lập luận thứ hai: Gia đình ông Hoành không có giấy tờ chứng minh quá trình quản lý và sử dụng đất:

Đối với hộ gia đình sử dụng đất trước 15/10/1993, để được cấp giấy chứng nhận, Luật Đất đai quy định người sử dụng phải có giấy tờ xác nhận “thời điểm bắt đầu sử dụng đất”.

Văn bản của các vị nguyên là lãnh đạo từng thời kỳ của xã nơi có đất xác nhận gia đình cụ Hoành quản lý và sử dụng "ao nhà ông Hoành" liên tục, ổn định, không tranh chấp từ trước 15/10/1993 đáp ứng đúng quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 3, Nghị định 84/2007/NĐ-CP giải thích về “đất sử dụng ổn định theo quy định tại khoản 4, Điều 50 Luật Đất đai”, đồng thời là căn cứ để “xác định thời điểm bắt đầu sử dụng đất ổn định”.

Như vậy, các văn bản do ông Phó Chủ tịch UBND huyện ký, nói cụ Hoành “không có giấy tờ chứng minh quá trình quản lý và sử dụng đất…” là không đúng sự thật.

Về lập luận thứ 3: Hai cái ao là đất thủy lợi do UBND thị trấn quản lý; đội sản xuất số 3 nhiều lần nạo vét giữ nước phục vụ sản xuất:

Qua 50 - 60 năm sử dụng ao, gia đình đã đầu tư nhiều tiền của, đưa xuống những vật liệu gì để “nâng cấp” đáy ao thì duy chỉ có cụ Hoành và gia đình cụ biết. Điều này càng chứng tỏ câu chuyện về việc đội 3 “nạo vét” đất - "ao nhà ông Hoành" - là không có thật.

Gia đình cụ Hoành là gia đình có công. Cụ được Nhà nước tặng Huy chương chống Pháp. Con trai trưởng của cụ: Ông Nguyễn Thanh Tùng là thương binh chống Mỹ. Những người con khác của cụ là công chức (một người đang là Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội); là sĩ quan trong lực lượng vũ trang, trong đó có 3 người công tác trong ngành Công an đều là cán bộ cao cấp: Con gái - Đại tá Nguyễn Thị Liên, giảng viên Trường Đại học Phòng cháy, chữa cháy (Bộ Công an); con trai - Thượng tá Nguyễn Văn Hà, công tác tại Công an quận Đống Đa, Hà Nội; con rể - Thiếu tướng Nguyễn Thế Nghiệp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương.

Các cấp lãnh đạo huyện Sóc Sơn và TP Hà Nội nên xem xét thận trọng, xử lý lại vụ việc này, trên cơ sở thượng tôn pháp luật, thuận theo đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.

Luật gia, nhà báo Nguyễn Chấn

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm