Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ năm, 21/05/2020 - 20:03
(Thanh tra)- Theo đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) Vũ Tiến Lộc, việc đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp (DN) không phải để đưa ra con số DN cho đẹp mà xuất phát từ thực tiễn của nền kinh tế…
ĐBQH Vũ Tiến Lộc. Ảnh: CTV
Sáng ngày 21/5, thảo luận trực tuyến Dự án Luật DN (sửa đổi), nhiều ĐBQH quan tâm đến việc “lên đời” hộ kinh doanh, thế nào là DN Nhà nước (NN).
Có nên “ép” hộ kinh doanh thành DN?
ĐB Mai Sỹ Diến (Đoàn Thanh Hoá) cho rằng, đưa đối tượng hộ kinh doanh vào Dự luật DN là “không phù hợp” mà nên ban hành luật riêng.
"Hiện có đến 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó chỉ có 1,7 triệu hộ đang nộp thuế. Đây là số lượng rất lớn cần thiết phải có luật riêng để điều chỉnh. Còn quy định về hộ kinh doanh như Dự thảo Luật còn thiếu rất nhiều nội dung cần thiết về bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hộ kinh doanh", ông Diến phân tích.
ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) cũng dẫn ra loạt bất cập nếu đưa đối tượng này vào Dự án Luật như hộ kinh doanh không phải là DN.
“Dự luật mới chỉ giải quyết được việc kiểm soát quản lý Nhà nước đối với hộ kinh doanh mà chưa có quy định trao thêm quyền tự do kinh doanh. Trong khi đó, số lượng đối tượng chịu tác động của hộ kinh doanh rất lớn”, ông Cảnh nói.
Ở chiều ngược lại, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc (ĐB Đoàn Thái Bình) kiên trì bảo vệ quan điểm đưa hộ kinh doanh “lên đời” DN và quy định ngay tại Luật DN.
Ông phân tích, theo quy định Bộ luật Dân sự, các cá nhân trong hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân, mà chỉ có thể tiến hành các hoạt động kinh doanh thông qua vai trò người đại diện. Trong khi bản chất pháp lý của hộ kinh doanh là DN.
"Nếu chúng ta vẫn cứ tiếp tục duy trì vai trò chủ thể hộ kinh doanh nguyên trạng như vậy sẽ không còn hợp lý, mà nên coi họ là một loại hình DN một chủ trong nền kinh tế", ông Lộc nói.
Coi hộ kinh doanh như DN tư nhân, nhưng Chủ tịch VCCI cho rằng, không đồng nghĩa "chủ hộ kinh doanh sau một đêm thành giám đốc". Họ vẫn được áp dụng các quy định đặc thù như hiện nay về quản lý Nhà nước, quản trị, kê khai, nộp thuế để không phát sinh thêm các chi phí và thủ tục hành chính phiền hà, mà vẫn tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy hoạt động kinh doanh của các hộ.
"Đưa hộ kinh doanh vào Luật DN dù theo phương án nào thì cũng không phải là việc chúng ta đưa ra những quy định để trói buộc các hộ kinh doanh mà chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho họ trong phát triển sản xuất, kinh doanh. Việc này cũng không phải để chúng ta đưa ra thống kê về con số DN cho đẹp trong các báo cáo mà xuất phát từ thực tiễn của nền kinh tế", Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Giải trình trước QH từ điểm cầu Nhà Diên Hồng, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc Chính phủ trình đưa hộ kinh doanh vào Luật DN nhằm định danh cho họ, giúp họ có điều kiện hưởng các quyền lợi, quy định hỗ trợ của Chính phủ.
Nêu thực tế là có rất nhiều hộ kinh doanh quy mô lớn, hàng trăm lao động, doanh thu hàng nghìn tỷ đồng nhưng vẫn hoạt động theo quy định hộ kinh doanh, theo ông Dũng, nếu xây dựng luật riêng về họ sẽ mất rất nhiều thời gian, khoảng 3 năm nữa mới xong.
"Cái gì có lợi thì làm ngay, việc này chỉ có lợi cho hộ kinh doanh, khi nào làm luật riêng thì chuyển quy định ở luật này sang luật mới là xong", Bộ trưởng đề nghị.
Lo ngại DN đã cổ phần hóa bỗng thành DNNN trở lại
Một vấn đề nữa, Dự thảo Luật quy định, DNNN là DN nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, quy định trên nhằm mục đích kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả hơn việc sử dụng vốn Nhà nước.
“Thay đổi khái niệm có thể có những tác động nhất định đến quá trình cổ phần hóa, song các DNNN nắm cổ phần chi phối chỉ là DN sản xuất kinh doanh ở những lĩnh vực then chốt, quan trọng mà Nhà nước cần nắm như tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW. Do vậy, sẽ không có tác động lớn”, ông Thanh nói.
Từ điểm cầu tỉnh Đồng Tháp, ĐB Phạm Văn Hòa bày tỏ quan điểm chưa đồng tình vì khái niệm DNNN đã thay đổi liên tục, không đảm bảo tính nhất quán. “DNNN hiện vẫn còn những ưu ái về chính sách thuế, ngân hàng… như vậy sẽ thiếu công bằng với các loại hình doanh nghiệp khác”, ông Hoà nói.
Hơn nữa, theo ĐB Đoàn Đồng Tháp, nếu tư nhân nắm giữ 49% vốn điều lệ, Nhà nước nắm giữ trên 50% thì “chênh lệch không đáng kể”. Từ đó, ông đề nghị, là DNNN thì tỷ lệ vốn do Nhà nước nắm giữ nên cao hơn nữa.
Trong khi đó, theo ĐB Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam (Đoàn Khánh Hoà) nên giữ như quy định hiện hành, nghĩa là, DNNN phải là DN 100% vốn Nhà nước để “tránh xáo trộn nghiêm trọng”.
“Khái niệm 50% không rõ là nắm giữ trực tiếp hay nắm giữ gián tiếp. Nếu là nắm giữ gián tiếp thì rất nhiều DN đã cổ phần hóa bỗng nhiên thành DNNN trở lại”, ông Thịnh phân tích.
ĐB Đoàn Khánh Hoà nói tiếp, quy định như Dự thảo cũng khiến nhà đầu tư nước ngoài e ngại khi mua cổ phần của các DNNN. Bản thân DN được coi là DNNN cũng khó tham gia đấu thầu các dự án đầu tư công.
Thêm nữa, cán bộ quản lý hay thành viên hội đồng thành viên trong DN bình thường bỗng nhiên trở thành người đại diện phần vốn góp của Nhà nước có thể phải chịu trách nhiệm hình sự nếu không bảo toàn vốn kể cả vì lý do khách quan hay cố ý làm trái quy định.
“Thực tế cho thấy, nhiều cán bộ DNNN đã nghỉ việc xin ra ngoài làm vì các quy định quản lý vốn Nhà nước và chịu trách nhiệm quá nặng”, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tỷ lệ Nhà nước nắm giữa trên 50% vốn điều lệ được ban soạn thảo đưa ra sau khi cân nhắc nhiều phương án. Nếu, QH thông qua Dự án Luật này, Chính phủ sẽ có hướng dẫn chi tiết loại DN 100% vốn Nhà nước và loại trên 50%.
Theo Bộ trưởng, việc này sẽ đảm bảo hoạt động bình thường, không ảnh hưởng đến các cổ đông nắm cổ phần không chi phối và vẫn bảo đảm tiến trình cổ phần hóa một cách bình thường.
Hương Giang
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - An ninh phi truyền thống khác với an ninh truyền thống ở trọng tâm là việc nhận diện và quản trị các rủi ro không chỉ ở cấp độ cá nhân, gia đình, mà còn mở rộng đến cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, địa phương, và quốc gia. Đây là một thách thức toàn diện, đòi hỏi sự phối hợp đa chiều để đưa ra các giải pháp phòng ngừa và ứng phó hiệu quả.
Minh Huyền
22:30 22/11/2024(Thanh tra) - Bộ Công Thương cho biết, trong quá trình xây dựng nghị định thay thế các nghị định về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đã nhận được nhiều ý kiến góp ý của các bộ, ngành, doanh nghiệp, Hiệp hội Xăng dầu trong đó có một số nội dung liên quan đến cơ chế điều hành giá xăng dầu; việc xem xét bỏ quy định về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và quyền mua bán xăng dầu giữa các thương nhân phân phối xăng dầu.
Lê Phương
21:51 22/11/2024Nguyễn Điểm
15:57 22/11/2024Trần Quý
13:17 22/11/2024Trần Kiên
Bùi Bình
Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam