Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ hai, 16/09/2019 - 19:17
(Thanh tra)- Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, việc lựa chọn nhà đầu tư dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP) cần phải được thực hiện thông qua đấu thầu cạnh tranh, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật, hạn chế tối đa việc chỉ định thầu hoặc đấu thầu hạn chế để tránh rủi ro về lợi ích nhóm, lãng phí, thất thoát…
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: HG
Chiều ngày 16/9, tại phiên họp 37, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Đầu tư theo hình thức PPP.
Tránh “vay mượn” quy định
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, quy định pháp luật về hoạt động đầu tư theo hình thức PPP hiện nằm rải rác ở nhiều luật (Đầu tư, Doanh nghiệp, Đất đai…) nên không phản ánh đúng bản chất mối quan hệ công - tư, và khiến quá trình triển khai các dự án PPP gặp khó khăn, bất cập.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư đánh giá, quy định về PPP hiện có tính ổn định chưa cao. Dẫn tới, nhiều nhà đầu tư đề xuất áp dụng bảo lãnh hoặc yêu cầu một mức lợi nhuận cao hơn, thời gian thu hồi vốn dài hơn nhằm bù đắp cho những rủi ro khi khi chính sách thay đổi.
Theo Bộ trưởng, điều này gián tiếp làm tăng chi phí của dự án, chi phí xã hội để thực hiện dự án PPP cũng như chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư quốc tế do cam kết từ phía công còn thấp…
“Trong bối cảnh này, việc ban hành một đạo luật riêng để đảm bảo tính đặc thù của đầu tư PPP, tránh tình trạng “vay mượn” quy định của các pháp luật khác trong quá trình áp dụng là cần thiết”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh và cho rằng, “cần có khung pháp lý ổn định cho các hợp đồng PPP dài hạn, nhiều rủi ro, đầu tư quy mô lớn”.
Thẩm tra Dự án Luật, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, cơ quan này đồng ý với sự cần thiết ban hành, song cho rằng, cần quy định phạm vi điều chỉnh một cách rõ ràng hơn về không gian áp dụng luật, cụ thể việc điều chỉnh các hoạt động đầu tư PPP tại Việt Nam và rà soát, nghiên cứu, đề xuất một cách đầy đủ những quy định khác nhau giữa luật này và các luật liên quan.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cũng cho rằng, Dự luật PPP được thiết kế với quy mô lớn như hiện nay chắc chắn sẽ xung đột với nhiều luật hiện hành. Theo ông Định, luật này chỉ nên tập trung vào phần ký hợp đồng, cụ thể là hợp đồng BOT. “Nguyên tắc tối cao của hợp đồng là tự nguyện, thoả thuận, trên nguyên tắc không trái pháp luật đã được luật khác quy định”, ông góp ý.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, phải xác định đây là luật hình thức hay luật nội dung. Nếu là luật hình thức sẽ đơn giản hơn, còn là luật nội dung thì phải đảm bảo tính thống nhất với luật hiện hành. Vì đưa ra luật PPP, nhiều nội dung sẽ đụng chạm tới nhiều luật khác như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư công, Luật Đất đai.. “Nếu đụng chạm quá nhiều, gây ách tắc và xáo trộn thì phải cân nhắc”, bà Ngân phát biểu.
Đấu thầu cạnh trạnh, công khai, minh bạch
Về lựa chọn nhà đầu tư, ông Thanh cho biết, đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra đề nghị “thận trọng với chỉ định thầu các dự án”. Thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều nhà đầu tư, nhà thầu được chỉ định có nguồn lực hạn chế, dẫn đến những vi phạm trong quá trình thực hiện, vận hành và khai thác công trình, gây thất thoát và giảm hiệu quả đầu tư.
Một số ý kiến cho rằng, việc triển khai các dự án PPP thời gian qua thường chậm tiến độ, đội vốn, thất thoát, lãng phí, tiêu cực là do các quy định về điều kiện lựa chọn nhà đầu tư, hồ sơ đấu thầu, dự thảo hợp đồng PPP thiếu chặt chẽ, cần có quy định khắc phục những hạn chế này.
Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định cụ thể các tiêu chí đánh giá năng lực tài chính của nhà đầu tư, chẳng hạn nghiên cứu quy định mức vốn chủ sở hữu phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng nhóm dự án.
“Ủy ban Kinh tế cho rằng việc lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP cần phải được thực hiện thông qua đấu thầu cạnh tranh, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật, hạn chế tối đa việc chỉ định thầu hoặc đấu thầu hạn chế để tránh rủi ro về lợi ích nhóm, lãng phí, thất thoát, giảm tính cạnh tranh và lựa chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án”, ông Thanh nhấn mạnh.
Vì vậy, theo ông Thanh, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về điều kiện áp dụng theo hướng thu hẹp các trường hợp chỉ định thầu hoặc đấu thầu hạn chế tại Dự thảo Luật.
Về quy mô đầu tư dự án PPP, Uỷ ban Kinh tế cho rằng, là cần thiết nhằm ưu tiên đầu tư PPP với các dự án quan trọng, thu hút nguồn lực tư nhân, tránh tình trạng đầu tư tràn lan, không kiểm soát được rủi ro do các dự án PPP còn liên quan đến các nghĩa vụ từ phía khu vực công như bảo lãnh, bảo đảm đầu tư...
“Việc áp dụng quy mô đầu tư tối thiểu cho các dự án PPP thuộc các lĩnh vực khác nhau là phù hợp”, ông Thanh nói và đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, quy định cụ thể quy mô đầu tư tối thiểu đối với các lĩnh vực cũng như làm rõ căn cứ, cơ sở của việc không quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu đối với dự án áp dụng loại hợp đồng kinh doanh - quản lý. Tờ trình của Chính phủ cũng chưa nêu rõ được nội dung này.
Thế giới không làm BT nữa, tại sao Việt Nam vẫn làm?
Theo tờ trình của Chính phủ, đến nay có 336 dự án PPP đã ký kết hợp đồng (trong đó, 140 dự án áp dụng loại hợp đồng BOT, 188 dự án áp dụng loại hợp đồng BT và 8 dự án áp dụng các loại hợp đồng khác). Qua đó, huy động được hơn 1,6 triệu tỷ đồng vào đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga. Ảnh: HG
Nhấn mạnh, “đầu tư theo hình thức PPP đã đóng góp rất quan trọng cho sự phát triển của đất nước, mở mang nhiều về hạ tầng”, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu quan điểm, “làm luật là cần thiết, thậm chí còn hơi chậm so với yêu cầu thực tế”.
Tuy nhiên, theo bà Nga, đây là luật khó, đồng thời đặt một loạt câu hỏi. “Hạn chế lớn nhất thời gian qua của các hình thức đầu tư này là gì? Tương ứng với từng hạn chế thì điểm nào trong luật khắc phục được?, bà Nga ví dụ, như BOT, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cũng định hướng tập trung kiểm tra xem có tham nhũng không. Vậy, bây giờ khắc phục được bằng quy định nào?
“Khi có BOT, tại sao cùng cơ chế đó chỉ thu hút ở các dự án giao thông mà không thu hút được ở loại đầu tư khác?”, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp lưu ý thêm, làm BOT giao thông, nhà đầu tư chủ yếu kêu lỗ, nhưng chuyên gia tính toán “không thể lỗ được”. BOT thì làm đường độc đạo, buộc người dân phải đi nên người dân không chịu.
“Quốc tế làm BOT có rơi vào tình trạng này không?”, bà Nga tiếp tục hỏi. Một vấn đề nữa khiến Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp băn khoăn là tại sao trên thế giới không làm BT nữa, vậy tại sao nước ta vẫn làm. “Thực tiễn thời gian qua, Chính phủ cũng nói là làm có nóng vội, tràn lan. Vậy tại sao thế giớ không làm nữa mà chúng ta vẫn tiếp tục?”.
Do hết thời gian thảo luận một loạt câu hỏi của Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp sẽ được trả lời bằng văn bản.
Dự thảo Luật PPP được bố cục thành 11 chương với 102 điều. Theo dự kiến chương trình, tại Kỳ họp 8 tới đây, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu.
Hương Giang
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Từ 1/1/2025, theo Thông tư số 59/2024 ngày 7/11/2024 của Bộ Công an, sẽ tiến hành thu thập ảnh chân dung, vân tay của công dân tại các cửa khẩu theo quy định của pháp luật.
PV
15:40 13/12/2024(Thanh tra) - Sáng nay (13/12), tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Tài chính phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Hội nghị Đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2024 với cộng đồng doanh nghiệp phía Nam.
Trần Quý
15:21 13/12/2024Cảnh Nhật
12:51 13/12/2024Thái Hải
12:16 12/12/2024Thành Dương
22:33 10/12/2024Nam Dũng
21:51 10/12/2024Thu Huyền
Đông Hà
Đông Hà
Nguyễn Điểm
Kim Thành
Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân
Hải Hà
Văn Thanh
Lê Hữu Chính
Đông Hà + Thanh Hoa