Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kiểm soát quyền lực trong thu hồi đất ở Việt Nam hiện nay

Thái Hải

Thứ ba, 06/12/2022 - 17:50

(Thanh tra) - Là tên đề tài khoa học cấp bộ do PGS.TS Doãn Thị Hồng Nhung, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội làm Chủ nhiệm được Hội đồng Đánh giá cơ sở thống nhất đánh giá đạt yêu cầu để đưa ra nghiệm thu chính thức.

PGS.TS Doãn Thị Hồng Nhung trình bày kết quả nghiên cứu. Ảnh: TH

PGS.TS Doãn Thị Hồng Nhung cho biết, kiểm soát quyền lực Nhà nước trong thu hồi đất sẽ phát huy quyền và trách nhiệm làm chủ của nhân dân. Từ đó, thắt chặt mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Kiểm soát quyền lực trong thu hồi đất chính là việc thực hiện việc giám sát của nhân dân đối với công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người có đất bị thu hồi. Việc giám sát quá trình thực thi thu hồi đất của các cán bộ Nhà nước khi tiếp xúc với người dân là vấn đề cốt lõi của cả quá trình thu hồi đất. Thực hiện hoạt động này tốt sẽ hạn chế được tình trạng hành chính hóa, phô trương, hình thức, quan liêu và xa dân.

Kiểm soát quyền lực của chính quyền địa phương trong thu hồi đất chính là việc phân công phân cấp nâng cao tính chủ động của chính quyền địa phương kết hợp chặt chẽ quản lý lĩnh vực đất đai, quản lý lãnh thổ, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ.

Từ đó, hoạt động kiểm soát quyền lực trong thu hồi đất sẽ hạn chế được sự lộng quyền, lạm quyền mâu thuẫn, chồng chéo, trùng lặp trong thực thi quyền lực Nhà nước giữa các cơ quan Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả thực thi quyền lực Nhà nước trong thu hồi đất.

Hoàn thiện các quy định pháp luật và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật là giải pháp quan trọng đối với hoạt động kiểm soát quyền lực. Bên cạnh đó, kiểm soát quyền lực trong thu hồi đất cần phải được thực hiện nhằm loại bỏ sự tha hóa về quyền lực. Từ đó, làm cho hoạt động thu hồi đất diễn ra đúng pháp luật, loại bỏ những hành vi lạm dụng quyền lực, tham nhũng quyền lực trong lĩnh vực đất đai.

Để có thể hoàn thiện đề tài này, Ban Chủ nhiệm đã đưa ra 5 định hướng; 6 nhóm giải pháp hoàn thiện pháp luật và 6 giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật.

Toàn cảnh hội nghị đánh giá cấp cơ sở. Ảnh: TH

Tại hội nghị, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, đề tài đã nghiên cứu vấn đề có tính chất trọng yếu đối với pháp luật Việt Nam.

Tuy nhiên theo ông Võ, đề tài cần bổ sung thêm một số ý để làm rõ thêm vấn đề quản trị đất đai. Các quyết định quản lý thường đi một chiều từ trên xuống. Nếu người quản lý có trí tuệ và đạo đức tốt thì các quyết định sẽ đúng đắn. Các quyết định bị chi phối bởi các quyền lợi tư nhân thì các quyết định đó có rất nhiều vấn đề. Rất cần những quyết định Nhà nước sáng suốt, cần sự tham gia của người dân từ dưới lên, cần minh bạch thông tin quản lý, trách nhiệm giải trình của các cán bộ quản lý thuộc phạm vi của những người ra quyết định từ trên xuống. Vì vậy, cần có những cơ chế để các quyết định từ trên xuống trở nên đúng đắn, chia sẻ lợi ích một cách hợp lý.

Đề tài hiện nay đã đáp ứng được yêu cầu của quản lý nhưng cần làm tăng yếu tố quản trị thì sẽ làm nổi bật được nội dung nghiên cứu. Việc nghiên cứu đề tài cần tham khảo rộng hơn các tài liệu hiện đang sử dụng.

TS Cung Phi Hùng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (CL&KHTT) đánh giá, sản phẩm nghiên cứu đề tài thể hiện sự công phu nghiên cứu; hàm lượng nội dung rất nhiều; là đề tài đầu tiên của Thanh tra Chính phủ được đăng trên các tạp chí.

Tuy nhiên, để hoàn thiện hơn nội dung nghiên cứu, Ban Chủ nhiệm chỉnh sửa, bổ sung một số vấn đề sau: Đối tượng nghiên cứu nên gom lại (pháp luật và thu hồi đất ở Việt Nam; pháp luật và kiểm soát quyền lực trong thu hồi đất).

Chương I, cơ sở lý luận đủ để thực hiện mục tiêu của đề tài. Tuy nhiên, mục 1.5 về những vấn đề cơ bản về thu hồi đất nên đổi thành cơ chế kiểm soát quyền lực trong thu hồi đất (kiểm soát quyền lực bằng thể chế; kiểm soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; kiểm soát về nội dung; kiểm soát trình tự, thủ tục trong thu hồi đất).

Chương II, Ban Chủ nhiệm cần đánh giá 2 nội dung: Đánh giá thực trạng pháp luật về thu hồi đất (pháp luật về thu hồi đất; bồi thường đất tái định cư; bồi thường thiệt hại do thu hồi đất); đánh giá thực trạng thực hiện về thu hồi đất.

Chương III, đề tài nên bỏ một số giải pháp pháp khác. Với nội dung kiến nghị, Ban Chủ nhiệm cần bổ sung kiến nghị ban hành nghị định về kiểm soát quyền lực trong thu hồi đất. Về phiếu khảo sát, câu 1 và câu 5 trùng nhau về nội dung hỏi, cần chỉnh sửa lại. Về tuyển tập tài liệu đề tài, cần bổ sung thành viên tham gia vào báo cáo tổng thuật; báo cáo tóm tắt thì ngược lại, bỏ các thành viên tham gia nghiên cứu.

TS Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện CL&KHTT đánh giá, đề tài đã đạt được mục tiêu nghiên cứu theo thuyết minh; hàm lượng thông tin khoa học là rất lớn, giá trị ứng dụng có giá trị tham vấn đối với Nhà nước và tổ chức liên quan.

Sản phẩm của đề tài có thể áp dụng đầu ra, bảo đảm đúng kế hoạch được phê duyệt về mặt thời gian và chất lượng nghiên cứu.

Báo cáo tổng thuật quá dài, chưa thực sự tập trung; một số diễn đạt cần chỉnh sửa đảm bảo tính chính xác hơn, đảm bảo tính chính trị và quan điểm của người viết; một số đề nghị với Chủ nhiệm Đề tài cần được tiếp thu.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm