Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kết quả Pháp điển Đề mục Phòng, chống tham nhũng (17)

Thứ sáu, 19/03/2021 - 06:00

(Thanh tra)- Thực hiện Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 6/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục, Thanh tra Chính phủ đã pháp điển xong đối với đề mục phòng, chống tham nhũng thuộc thẩm quyền pháp điển của Thanh tra Chính phủ.

(Tiếp theo kỳ trước)

Mục 5

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH, ỨNG DỤNG KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ TRONG QUẢN LÝ VÀ THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT

Điều 18.2.LQ.27. Cải cách hành chính

(Điều 27 Luật số 36/2018/QH14, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2019)

Cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây:

1. Công khai, hướng dẫn thủ tục hành chính, đơn giản hóa và cắt giảm thủ tục trực tiếp tiếp xúc với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khi giải quyết công việc;

2. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công;

3. Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; quy định về vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình;

4. Thực hiện nhiệm vụ khác về cải cách hành chính.

Điều 18.2.LQ.28. Ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý

(Điều 28 Luật số 36/2018/QH14, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2019)

1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tăng cường đầu tư trang thiết bị, nâng cao năng lực, đẩy mạnh sáng tạo và ứng dụng khoa học, công nghệ trong tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.

2. Các Bộ, ngành có trách nhiệm đẩy mạnh xây dựng và vận hành hệ thống thông tin, dữ liệu quốc gia phục vụ cho việc quản lý ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật.

Điều 18.2.LQ.29. Thanh toán không dùng tiền mặt

(Điều 29 Luật số 36/2018/QH14, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2019)

1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các khoản thu, chi sau đây:

a) Các khoản thu, chi có giá trị lớn tại địa bàn đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng để thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định của Chính phủ;

b) Các khoản chi lương, thưởng và chi khác có tính chất thường xuyên.

2. Chính phủ áp dụng biện pháp tài chính, công nghệ để giảm việc sử dụng tiền mặt trong các giao dịch.

Mục 6

KIỂM SOÁT TÀI SẢN, THU NHẬP CỦA NGƯỜI CÓ CHỨC VỤ, QUYỀN HẠN TRONG CƠ QUAN, TỔ CHỨC, ĐƠN VỊ

Tiểu mục 1

THẨM QUYỀN, TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, ĐƠN VỊ, CÁ NHÂN TRONG KIỂM SOÁT TÀI SẢN, THU NHẬP

Điều 18.2.LQ.30. Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập

(Điều 30 Luật số 36/2018/QH14, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2019)

1. Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên công tác tại Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan, tổ chức do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, doanh nghiệp nhà nước; người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập (sau đây gọi là người có nghĩa vụ kê khai) thuộc thẩm quyền quản lý của mình.

2. Thanh tra tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của chính quyền địa phương, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.

4. Cơ quan giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác đại biểu kiểm soát tài sản, thu nhập của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và người có nghĩa vụ kê khai khác thuộc thẩm quyền quản lý cán bộ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

5. Văn phòng Quốc hội kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

6. Văn phòng Chủ tịch nước kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại Văn phòng Chủ tịch nước.

7. Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán nhà nước.

8. Cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác trong hệ thống cơ quan, tổ chức đó.

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 18.2.NĐ.2.11. Việc công khai bản kê khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đề mục Phòng, chống tham nhũng; Điều 18.2.NĐ.2.15. Phê duyệt và thực hiện kế hoạch xác minh của Đề mục Phòng, chống tham nhũng)

Điều 18.2.LQ.31. Nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập

(Điều 31 Luật số 36/2018/QH14, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2019)

1. Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có nhiệm vụ sau đây:

a) Quản lý, cập nhật bản kê khai tài sản, thu nhập (sau đây gọi là bản kê khai) và các thông tin về kiểm soát tài sản, thu nhập;

b) Giữ bí mật thông tin thu thập được trong quá trình kiểm soát tài sản, thu nhập;

c) Áp dụng hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ người cung cấp thông tin có liên quan đến việc kiểm soát tài sản, thu nhập. Việc bảo vệ người cung cấp thông tin được thực hiện như bảo vệ người tố cáo quy định tại khoản 1 Điều 67 của Luật này;

d) Cung cấp bản kê khai, thông tin, dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền quy định tại Điều 42 của Luật này;

đ) Trong quá trình kiểm soát tài sản, thu nhập nếu phát hiện hành vi vi phạm pháp luật thì Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập phải chuyển vụ việc cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

2. Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có quyền hạn sau đây:

a) Yêu cầu người có nghĩa vụ kê khai cung cấp, bổ sung thông tin có liên quan, giải trình khi có biến động tăng về tài sản, thu nhập từ 300.000.000 đồng trở lên so với tài sản, thu nhập đã kê khai lần liền trước đó hoặc để phục vụ việc xác minh tài sản, thu nhập;

b) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai để phục vụ việc xác minh tài sản, thu nhập;

c) Xác minh tài sản, thu nhập và kiến nghị xử lý vi phạm quy định của pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập;

d) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân đang quản lý tài sản, thu nhập áp dụng biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, hủy hoại, chuyển dịch tài sản, thu nhập hoặc hành vi khác cản trở hoạt động xác minh tài sản, thu nhập;

đ) Đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền định giá, thẩm định giá, giám định tài sản, thu nhập phục vụ việc xác minh.

3. Việc yêu cầu, đề nghị quy định tại các điểm b, d và đ khoản 2 Điều này phải được thực hiện bằng văn bản do Tổ trưởng Tổ xác minh tài sản, thu nhập, người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập ký. Trình tự, thủ tục yêu cầu, thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin quy định tại điểm b khoản 2 Điều này do Chính phủ quy định.

Điều 18.2.NĐ.2.6. Việc yêu cầu cung cấp thông tin của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập

(Điều 6 Nghị định số 130/2020/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/12/2020)

1. Việc yêu cầu cung cấp thông tin theo quy định tại khoản 3 Điều 31 của Luật Phòng, chống tham nhũng được thực hiện bằng văn bản.

2. Nội dung văn bản yêu cầu gồm có:

a) Mục đích, căn cứ yêu cầu cung cấp thông tin;

b) Những thông tin cần được cung cấp;

c) Thời hạn cung cấp thông tin;

d) Hướng dẫn việc cung cấp thông tin bằng văn bản, thông điệp dữ liệu;

đ) Yêu cầu khác (nếu có).

3. Việc yêu cầu cung cấp thông tin bổ sung được thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 18.2.NĐ.2.8. Việc yêu cầu và thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin đối với doanh nghiệp, tổ chức thuộc khu vực ngoài nhà nước và cá nhân của Đề mục Phòng, chống tham nhũng)

Điều 18.2.NĐ.2.22. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với người có hành vi vi phạm quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập

(Điều 22 Nghị định số 130/2020/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/12/2020)

1. Việc xử lý kỷ luật người có hành vi vi phạm là cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.

2. Việc xử lý kỷ luật người có hành vi vi phạm làm việc trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân được thực hiện theo quy định về xử lý kỷ luật trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân.

3. Việc xử lý kỷ luật người có hành vi vi phạm là thành viên, hội viên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được thực hiện theo quy định của tổ chức đó.

Điều 18.2.NĐ.2.23. Công khai quyết định xử lý vi phạm

(Điều 23 Nghị định số 130/2020/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/12/2020)

1. Quyết định kỷ luật đối với người có hành vi vi phạm quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập được niêm yết công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người bị xử lý kỷ luật thường xuyên làm việc trong thời gian 15 ngày.

Ngoài việc niêm yết công khai, người có thẩm quyền xử lý kỷ luật có thể lựa chọn thực hiện thêm hình thức thông báo tại Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

2. Việc xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi vi phạm khác về kiểm soát tài sản, thu nhập phải được công khai theo quy định của pháp luật.

(Còn nữa)

Hồng Việt

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm