Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hơn 3 năm, 3 tháng, có thông tư vẫn chưa “đẻ” xong

Thứ hai, 17/04/2017 - 19:40

(Thanh tra) - Chiều ngày 17/4, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tiến hành kiểm tra tình hình xây dựng, trình các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh đang nợ đọng và các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh có hiệu lực từ 1/6/2017 và 1/7/2017.

Bộ trưởng, Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng nêu, người ta 9 tháng 10 ngày là đẻ rồi. So với 9 tháng, 10 ngày, nợ đến 3 năm, 3 tháng, 17 ngày thì là quá chậm trễ.

Theo báo cáo cập nhật đến ngày 13/4/2017, tổng số văn bản quy định chi tiết nợ đọng có 25 văn bản, trong đó có 8 nghị định, 1 quyết định, 16 thông tư.

Văn bản “nợ” lâu nhất là 3 năm, 3 tháng, 17 ngày. Đó là, thông tư về điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện cho tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự do Bộ Công an chủ trì soạn thảo. Thông tư này quy định chi tiết Luật Giám định tư pháp đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013.

Một văn bản chậm kéo dài nữa là thông tư hướng dẫn các biểu mẫu báo cáo lập, theo dõi và đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, đã chậm hơn 2 năm, 3 tháng.

Cũng theo rà soát, Bộ có nhiều văn bản “nợ” nhất là Y tế khi “nợ” 1 nghị định và 7 thông tư. Trong đó, có 1 nghị định và 5 thông tư quy định chi tiết Luật Dược (có hiệu lực từ ngày 1/1/2017) và 2 thông tư quy định chi tiết Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế (có hiệu lực từ ngày 1/1/2017).

Đứng thứ hai thuộc về Bộ Tài chính khi “nợ” 4 nghị định và 1 thông tư quy định chi tiết Luật Ngân sách Nhà nước đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017.

Cũng liên quan đến việc quy định chi tiết Luật Dược, Bộ Tài nguyên Môi trường còn “nợ” 1 nghị định; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn “nợ” 1 nghị định.

Bộ Công thương “nợ” 2 thông tư quy định chi tiết Pháp lệnh Quản lý thị trường (có hiệu lực từ ngày 1/9/2016); Bộ Giáo dục Đào tạo “nợ” 1 nghị định quy định chi tiết Luật Sửa đổi, bổ sung Điều 6 và phục lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017).

Bộ Quốc phòng “nợ” 2 thông tư. Một thông tư hướng dẫn Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015). Thông tư ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động trong phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng quy định chi tiết Luật An toàn, vệ sinh lao động (có hiệu lực từ ngày 1/7/2016).

Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông “nợ” 1 quyết định và 2 thông tư quy định chi tiết Luật An toàn thông tin mạng (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016)

Tại buổi làm việc, Tổ công tác của Thủ tướng đề nghị, làm rõ nguyên nhân dẫn tới chậm trễ trong việc xây dựng các nghị định, thông tư, quyết định, với tinh thần “không thể để Chính phủ nợ đọng văn bản”.

Đại diện các bộ cũng “hứa” và cam kết, sẽ sớm trả hết nợ, chủ yếu, trong tháng 4, 5 sẽ ban hành các văn bản quy định chi tiết.

Riêng thông tư ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động trong phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng “hứa” sẽ ban hành trước ngày 30/7.

Còn thông tư quy định chi tiết về điều phối ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho biết, hiện thông tư đang trong giai đoạn soạn thảo do còn nhiều ý kiến khác nhau. Dự kiến, tháng 12/2017 mới ban hành.

Kết luận nội dung làm việc này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, Văn phòng Chính phủ sẽ hết sức đổi mới, phối hợp chặt chẽ với các bộ trong xây dựng thể chế. Trường hợp văn bản còn có những ý kiến xung đột giữa các bộ, Văn phòng Chính phủ sẽ chủ trì để các bộ ngồi lại với nhau, giải quyết xung đột, chứ không để văn bản phải “đẩy đi đẩy lại” mãi.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm