Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Giáo dục đạo đức liêm chính - “chìa khóa” phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực

Thái Hải

Thứ sáu, 15/11/2024 - 17:36

(Thanh tra) - Ngày 15/11, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra tổ chức Tọa đàm Khoa học với chủ đề “Đổi mới giáo dục liêm chính nhằm phòng, chống tham nhũng”.

TS Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện CL&KHTT phát biểu khai mạc. Ảnh: TH

Giáo dục liêm chính là giải pháp phòng ngừa tham nhũng bền vững và hiệu quả nhất

Phát biểu khai mạc, TS Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra nhấn mạnh: Để có thể xóa bỏ triệt để, tận gốc hành vi tham nhũng, bên cạnh các giải pháp về huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì việc xây dựng văn hóa liêm chính, chú trọng giáo dục đạo đức, lương tâm và danh dự là những giải pháp căn cơ và lâu dài tiến tới từng bước hiện thực hóa quan điểm “bốn không”: Không thể, không dám, không muốn và không cần tham nhũng, tiêu cực.

Hiện nay, Ban Nội chính Trung ương đang lấy ý kiến góp ý Dự thảo Đề án trình Bộ Chính trị ban hành “Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục liêm chính”; trong đó có nội dung về công tác giáo dục liêm chính trong thời kỳ đổi mới.

TS Nguyễn Quốc Văn cho rằng, giáo dục liêm chính không phải là vấn đề mới, tuy nhiên, gắn với mục tiêu phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng Chính phủ và nền công vụ liêm chính, kiến tạo, phát triển vì Nhân dân phục vụ trong tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN thì vấn đề giáo dục liêm chính đang là vấn đề mà hiện nay Đảng, Chính phủ và Nhân dân quan tâm sâu sắc.

“Trong bối cảnh Đảng ta luôn xác định xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt, thì việc xây dựng văn hóa liêm chính trong toàn xã hội luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa tham nhũng chiến lược, bền vững và hiệu quả nhất. Mặt khác, trong mọi trường hợp, giáo dục trong gia đình là yếu tố nền tảng hình thành nhân cách, lối sống và văn hóa liêm chính, phòng ngừa tham nhũng”, TS Văn nhấn mạnh.

Tại tọa đàm, PGS.TS Lê Văn Cường, Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trình bày tham luận “Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới - Những vấn đề cần lưu ý trong quá trình triển khai thực hiện”.

Theo ông Cường, Quy định số 144-QĐ/TW, ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị có tính hệ thống, khái quát, cập nhật và góp phần đồng bộ với các quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên; có tính liên thông với các quy định về những điều đảng viên không được làm, về nêu gương của đảng viên. Thực tế cho thấy, từ khi thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn chú trọng vấn đề giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Bên cạnh đó, Quy định 144-QĐ/TW chính là sự tiếp nối tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức cách mạng và là bước cụ thể hóa nhiệm vụ về xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng mà Đại hội XIII của Đảng đề ra.

Đồng thời, đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn đối với việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị hiện nay; góp phần loại bỏ những vướng mắc, bất cập nảy sinh từ thực tế nhưng chưa có quy định để điều chỉnh; thiết thực đưa chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới vào cuộc sống.

Đặc biệt, Quy định 144-QĐ/TW còn là tiêu chuẩn, thước đo, góp phần nâng cao hiệu quả công tác nhận xét, đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên; là cơ sở để cấp ủy đảng các cấp xem xét, đánh giá, lựa chọn cán bộ, đảng viên đưa vào quy hoạch, giới thiệu bầu cấp ủy khóa mới; là tiền đề quan trọng trong việc chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng.

Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: TH

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Quy định số 144-QĐ/TW, chúng ta cần lưu ý một số nội dung như: Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi; có bộ phận còn diễn biến ngày càng phức tạp hơn nhưng chưa có những biện pháp đủ mạnh để ngăn chặn kịp thời và có hiệu quả; đồng thời, sẽ có những lực cản, trở ngại trong quá trình tổ chức thực hiện Quy định số 144-QĐ/TW…

Đề cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong việc thực hiện nhiệm vụ

TS Tạ Ngọc Hải, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức, Bộ Nội Vụ cho rằng, đặc trưng đạo đức công vụ của cán bộ, công chức ngành Thanh tra là chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức ngành Thanh tra có quan hệ chặt chẽ với chuẩn mực được pháp luật quy định.

Tuy nhiên, do hoạt động công vụ của công chức, viên chức ngành Thanh tra có những điểm rất đặc thù, vì vậy, công chức, viên chức ngành Thanh tra phải tuân thủ những chuẩn mực, yêu cầu khác liên quan đến đạo đức công vụ.

Ngoài quy định về đạo đức công vụ nói chung, thanh tra còn phải tuân thủ các chuẩn mực đặc thù trong lĩnh vực hoạt động công vụ của mình, nhất là việc tuân thủ quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong thi hành công vụ.

Ông Hải đưa ra một số biện pháp bảo đảm liêm chính và nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ, công chức ngành Thanh tra. Theo đó, cần tăng cường thanh tra công vụ, kiểm tra, giám sát đối với việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của công chức, viên chức ngành Thanh tra; đề cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức ngành Thanh tra.

Đề cao tính tiền phong, gương mẫu, ý thức tự tu dưỡng, tự rèn luyện bản thân trong việc thực hiện đạo đức công vụ của cán bộ, công chức ngành Thanh tra; khen thưởng kịp thời cá nhân có thành tích và xử lý nghiêm đối với những hành vi vi phạm đạo đức công vụ của công chức, viên chức ngành Thanh tra...

Theo TS Nguyễn Huy Hoàng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, trong thời gian vừa qua, vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong các cơ quan, đơn vị vì chạy theo danh vị, tiền tài, vì lợi ích vật chất, nể nang né tránh, tham vọng cá nhân... đã bất chấp danh dự, sẵn sàng chà đạp lên giá trị liêm chính, đi ngược lại lý tưởng, mục tiêu cao đẹp; chà đạp lên lợi ích cộng đồng, tập thể; làm tổn hại đến uy tín, hình ảnh cơ quan, tổ chức, làm phai nhạt niềm tin giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân.

Vì vậy, chúng ta cần đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục đạo đức liêm chính qua một số giải pháp cụ thể như: Tiếp tục xây dựng, bổ sung các nội dung về liêm chính để giáo dục cán bộ, đảng viên; tăng cường công tác đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, phương pháp giáo dục liêm chính; tiếp tục đổi mới nội dung, cách thức tuyên truyền; giáo dục liêm chính gắn với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua; chia sẻ, nhân rộng những cách làm hay, kinh nghiệm tốt. 

Việc tăng cường công tác giáo dục liêm chính cho cán bộ, đảng viên trong tình hình hiện nay có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt nhằm tăng cường bản lĩnh chính trị, trau dồi lý tưởng, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, tạo sức đề kháng chống các căn bệnh nguy hiểm do tác động của mặt trái cơ chế thị trường, trong đó có nạn tham nhũng, tiêu cực. 

Bởi, giáo dục đạo đức liêm chính không chỉ là một giải pháp “chìa khóa” nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; mà còn là cơ sở, là nền tảng để lan tỏa tinh thần liêm chính, văn hóa liêm chính”, ông Hoàng nói.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm