Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Giám sát, phản biện xã hội là một phương thức thực hiện quyền làm chủ của nhân dân

Thanh Thanh

Thứ năm, 12/10/2023 - 06:35

(Thanh tra) - Chủ tịch Ủy ban Trung ương (UBTƯ) Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam cho rằng, trong thời gian tới, công tác giám sát, phản biện xã hội sẽ được nâng lên tầm cao mới, ngày càng đi vào chiều sâu, phát huy hiệu quả thiết thực, là một phương thức thực hiện quyền làm chủ của nhân dân.

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến. Ảnh: H.D

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTƯMTTQVN ngày 15/6/2017 quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, công tác giám sát, phản biện xã hội ngày càng đi vào chiều sâu, phát huy hiệu quả thiết thực.

Đặc biệt, trong bối cảnh 5 năm qua, đã có nhiều văn bản quy định về giám sát, phản biện mới được ban hành, như Kết luận 19 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư, Kết luận 54 của Ban Bí thư yêu cầu Đảng đoàn MTTQ Việt Nam lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng cơ chế để nhân dân trực tiếp tham gia góp ý, phản ánh với Đảng về những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" của cán bộ, đảng viên.

Từ năm 2018 đến năm 2022, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tiến hành giám sát 5 nội dung thông qua hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Theo đó, các kiến nghị sau giám sát đều được Chính phủ trả lời và chỉ đạo các bộ, ngành, liên quan khẩn trương nghiên cứu và có văn bản trả lời.

Đã tiến hành giám sát 60.463 cuộc và phản biện vào 42.051 văn bản dự thảo

Trong 5 năm, MTTQ các cấp đã tiến hành giám sát 60.463 cuộc, đã tổ chức 87.356 đoàn giám sát; Ban Thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn đã tổ chức được 144.462 cuộc; Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã tổ chức được 149.200 cuộc giám sát, qua đó, đã kiến nghị, phản ánh để tìm hướng xử lý, giải quyết và phát hiện những sai sót, bất cập trong quá trình thực hiện cho phù hợp với tình hình thực tế.

Việc thực hiện các hình thức phản biện theo Nghị quyết liên tịch số 403, 14 hội nghị phản biện xã hội đã được tổ chức thành công. Các dự án luật, đề án được tổ chức phản biện là những dự thảo văn bản liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của công dân; đóng vai trò quan trọng đối với đời sống xã hội và được nhân dân quan tâm.

Trong 5 năm qua, MTTQ cấp tỉnh, thành phố đã chủ trì tổ chức 23.869 hội nghị phản biện; gửi văn bản đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để tham gia góp ý kiến, phản biện vào 42.051 văn bản dự thảo về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật... của các cơ quan, tổ chức tại địa phương, cơ sở.

Giám sát đến cùng, phản biện đến cùng...

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Trung Thành, trong bối cảnh mới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mong muốn UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội làm rõ những vướng mắc trong thể chế, các văn bản pháp luật cụ thể, chỉ ra từng bất cập trong quy định hiện hành nhằm giúp cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động giám sát, phản biện xã hội.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Trung Thành. Ảnh: H.D

Trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, quy trình giám sát, phản biện cần được thực hiện xuyên suốt trong tất cả các khâu, nếu chỉ thực hiện giám sát, phản biện xã hội tại giai đoạn dự thảo thì khó đạt được hiệu quả cao.

Vì vậy, ông Ngô Trung Thành cho rằng, việc tham gia giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam cần bao quát trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan của Quốc hội, giám sát đến cùng, phản biện đến cùng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ đối với hoạt động xây dựng luật của Quốc hội.

...để nhân dân trực tiếp kiểm soát quyền lực Nhà nước

Theo GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam, đổi mới tổ chức và phương thức giám sát của Mặt trận phải gắn chặt với phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng"; phát huy dân chủ, xây dựng và hoàn thiện cơ chế để nhân dân trực tiếp kiểm soát quyền lực Nhà nước.

GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam. Ảnh: H.D

Ông Đỗ Duy Thường, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho biết, việc theo dõi, giải quyết kiến nghị sau giám sát ở nhiều nơi chưa được chú trọng, đôn đốc đến cùng, dẫn đến việc kiến nghị một chiều, hình thức, hiệu quả chưa cao, thậm chí không đánh giá được kết quả giám sát trong một vụ việc nhất định.

Ông Đỗ Duy Thường, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam. Ảnh: H.D

Do đó, cán bộ thực hiện hoạt động giám sát cần thể hiện được bản lĩnh dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tránh hiện tượng nể nang, né tránh, ông Đỗ Duy Thường nêu rõ.

Sẽ thực chất hơn, hiệu quả hơn

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho rằng, giám sát, phản biện xã hội đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên, là một phương thức thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, là kênh thông tin quan trọng để góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh.

Cũng theo ông Đỗ Văn Chiến, việc hoàn thiện thể chế, pháp luật là cơ sở quan trọng để MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội làm tốt hơn nữa công tác giám sát, phản biện xã hội.

Cùng với đó, khâu đột phá được xác định chính là nâng cao chất lượng hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội như Chỉ thị 18 của Ban Bí thư.

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng tin rằng, trong thời gian tới, trên cơ sở phát huy những bài học kinh nghiệm, khắc phục hạn chế, khó khăn, công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội sẽ được nâng lên tầm cao mới, thực chất hơn, hiệu quả hơn.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tôn sư trọng đạo là yếu tố quyết định đến chất lượng giáo dục!

Tôn sư trọng đạo là yếu tố quyết định đến chất lượng giáo dục!

(Thanh tra) - Đó là phát biểu của Hoà thượng Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Học viên Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, khi bàn về Luật Giáo dục, nhân ngày 20/11- Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Trà Vân

16:21 20/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm