Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Dùng thông tin cá nhân để đứng tên thuê bao cho người khác có thể bị phạt

Hương Giang

Thứ hai, 25/12/2023 - 12:21

(Thanh tra) - Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Luật Viễn thông mới quy định rõ người dân không được sử dụng thông tin cá nhân của mình để giao kết hợp đồng cho người khác (trừ trường hợp pháp luật cho phép); nếu vi phạm sẽ xử phạt hành chính.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long. Ảnh: Đ.X

Sáng ngày 25/12, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố 7 luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 6, trong đó có Luật Viễn thông năm 2023.

Luật gồm 10 chương, 73 điều, có hiệu lực thi hành kể từ 1/7/2024, thay thế Luật Viễn thông năm 2009.

Còn sim không chính chủ tràn lan

Trả lời câu hỏi của báo chí về quản lý sim rác, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết đây là vấn đề tồn tại thời gian qua.

Thời gian qua, khi Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý chặt về đăng ký thông tin thuê bao thì có tình trạng một số người dân được thuê đi đăng ký thông tin thuê bao.

Đối soát, đối chiếu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì hoàn toàn đúng, không có gì sai, chỉ có điều đây không phải là người sử dụng mà đang lạm dụng, theo ông Long.

“Trước đây khi chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì không biết được thông tin thuê bao có đúng hay không. Bây giờ có rồi ta kiểm soát được. Đăng ký online thuê bao phải đối soát, phải nhìn thấy hình ảnh khuôn mặt thì mới làm được. Nhưng vẫn còn tình trạng lạm dụng, người dân được thuê đứng tên đăng ký thông tin thuê bao. Như vậy, vẫn còn tình trạng sim không chính chủ tràn lan”, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông nêu.

Vì vậy, Luật Viễn thông mới quy định thêm trách nhiệm của người dân, không sử dụng thông tin cá nhân của mình để giao kết hợp đồng cho người khác (trừ trường hợp pháp luật cho phép và chịu trách nhiệm về các số thuê bao mà mình đã đăng ký. Nếu vi phạm sẽ xử lý vi phạm hành chính.

Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của nhà mạng phải xác thực, lưu trữ, quản lý thông tin thuê bao, xử lý sim có thông tin không đầy đủ, không chính xác.

Thứ trưởng khẳng định khi có sự kết hợp trách nhiệm của người dân, trách nhiệm của nhà mạng sẽ giải quyết triệt để vấn đề sim rác trong gian tới.

Đấu giá số điện thoại đẹp do thị trường quyết định

Các điểm mới nữa, luật đã mở rộng phạm vi điều chỉnh một số dịch vụ mới: Dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (gọi tắt là dịch vụ OTT viễn thông).

Điều này để phù hợp với xu thế chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số; đồng thời tạo môi trường pháp lý rõ ràng, bình đẳng cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh.

Về đấu giá kho số viễn thông, tài nguyên Internet, Thứ trưởng Phạm Đức Long thông tin Luật Viễn thông năm 2009 đã có quy định nhưng chưa thực hiện được.

Nguyên nhân chủ yếu là do khó xác định được đầy đủ các loại mã, số viễn thông thực hiện đấu giá và khó xác định giá khởi điểm để đấu giá.

Khắc phục các vướng mắc này, Luật Viễn thông năm 2023 đã quy định cụ thể các loại tài nguyên viễn thông được phân bổ qua hình thức đấu giá. Việc lựa chọn mã, số viễn thông phân qua đấu giá sẽ do thị trường quyết định; sau khi mang ra đấu giá mà đấu giá không thành sẽ quay về phân bổ trực tiếp, tuần tự.

Luật cũng quy định việc xác định giá khởi điểm để đấu giá cho từng loại mã, số viễn thông, tên miền Internet, theo Thứ trưởng.

Điều 15. Quyền, nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ viễn thông, thuê bao viễn thông

1. Người sử dụng dịch vụ viễn thông có các quyền sau đây:

a) Lựa chọn doanh nghiệp viễn thông hoặc đại lý dịch vụ viễn thông để giao kết hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông;

b) Yêu cầu doanh nghiệp viễn thông, đại lý dịch vụ viễn thông cung cấp thông tin cần thiết liên quan đến việc sử dụng dịch vụ viễn thông;

c) Sử dụng dịch vụ viễn thông theo chất lượng và giá dịch vụ trong hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông;

d) Từ chối sử dụng một phần hoặc toàn bộ dịch vụ viễn thông theo hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông;

đ) Được bảo đảm bí mật thông tin riêng theo quy định của pháp luật;

e) Khiếu nại về giá dịch vụ, chất lượng dịch vụ; được hoàn trả tiền sử dụng dịch vụ và bồi thường thiệt hại trực tiếp khác do lỗi của doanh nghiệp viễn thông hoặc đại lý dịch vụ viễn thông gây ra.

2. Người sử dụng dịch vụ viễn thông có các nghĩa vụ sau đây:

a) Thanh toán đầy đủ và đúng hạn tiền sử dụng dịch vụ viễn thông;

b) Bồi thường thiệt hại trực tiếp do lỗi của mình gây ra cho doanh nghiệp viễn thông, đại lý dịch vụ viễn thông;

c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin mà mình gửi, lưu giữ trên mạng viễn thông;

d) Không được sử dụng cơ sở hạ tầng viễn thông của doanh nghiệp viễn thông để kinh doanh dịch vụ viễn thông.

3. Thuê bao viễn thông có các quyền sau đây:

a) Các quyền quy định tại khoản 1 điều này;

b) Thiết kế, lắp đặt hoặc thuê tổ chức, cá nhân khác thiết kế, lắp đặt thiết bị đầu cuối, mạng nội bộ trong phạm vi địa điểm mà mình sử dụng cho đến điểm kết cuối của mạng viễn thông công cộng.

4. Thuê bao viễn thông có các nghĩa vụ sau đây:

a) Các nghĩa vụ quy định tại khoản 2 điều này;

b) Thực hiện quy định về quản lý tài nguyên viễn thông và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật viễn thông;

c) Cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin của thuê bao viễn thông cho doanh nghiệp viễn thông khi giao kết hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông;

d) Không sử dụng thông tin trên giấy tờ tùy thân của mình để thực hiện giao kết hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông cho người khác, trừ trường hợp được phép theo quy định của pháp luật về viễn thông;

đ) Chịu trách nhiệm trước pháp luật trong việc sử dụng số thuê bao viễn thông do mình đã giao kết hợp đồng với doanh nghiệp viễn thông;

e) Bảo vệ mật khẩu, khóa mật mã và thiết bị đầu cuối của mình.

(Luật Viễn thông năm 2023)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm