Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đối tượng nào được áp dụng quy định ưu đãi đầu tư đặc biệt?

Thứ ba, 12/10/2021 - 06:00

(Thanh tra) - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt. Theo đó, miễn thuế 5 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 10 năm tiếp theo đối với thu nhập của tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 5 Quyết định này.

Khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quyết định này quy định về mức, thời gian và điều kiện áp dụng ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với các dự án đầu tư quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Đầu tư.

2. Quyết định này áp dụng với cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan đến ưu đãi đầu tư đặc biệt quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 20 Luật Đầu tư: Ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt
1. Chính phủ quyết định việc áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt nhằm khuyến khích phát triển một số dự án đầu tư có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội.
2. Đối tượng áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm:
a) Dự án đầu tư thành lập mới (bao gồm cả việc mở rộng dự án thành lập mới đó) các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển có tổng vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư; trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;
b) Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 10.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư.
3. Mức ưu đãi và thời hạn áp dụng ưu đãi đặc biệt thực hiện theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và pháp luật về đất đai.
4. Hỗ trợ đầu tư đặc biệt được thực hiện theo các hình thức quy định tại khoản 1 Điều 18 của Luật này.
5. Ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt quy định tại Điều này không áp dụng đối với các trường hợp sau đây:
a) Dự án đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành;
b) Dự án đầu tư quy định tại khoản 5 Điều 15 của Luật này.
6. Chính phủ trình Quốc hội quyết định áp dụng các ưu đãi đầu tư khác với ưu đãi đầu tư được quy định tại Luật này và các luật khác trong trường hợp cần khuyến khích phát triển một dự án đầu tư đặc biệt quan trọng hoặc đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt
7. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp, hợp tác xã thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam và không thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư.

2. Tổng chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển là toàn bộ các chi phí cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của dự án đầu tư, được xác định theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Quyết định này.

Điều 3. Tiêu chí về công nghệ cao, chuyển giao công nghệ, doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi, giá trị sản xuất trong nước

 1. Dự án đáp ứng tiêu chí công nghệ cao theo quy định tại điểm d khoản 6 Điều 20 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư (sau đây gọi là Nghị định số 31/2021/NĐ-CP) được xác định như sau:

a) Dự án công nghệ cao mức 1 là dự án có hoạt động ứng dụng, nghiên cứu, phát triển công nghệ cao, sản xuất sản phẩm công nghệ cao và đáp ứng đồng thời 3 điều kiện sau:

- Doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao đạt ít nhất 70% tổng doanh thu thuần hàng năm của dự án;

- Tổng chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển trên tổng doanh thu thuần trừ đi giá trị đầu vào (bao gồm giá trị nguyên vật liệu, linh kiện phục vụ sản xuất nhập khẩu và mua nội địa) hàng năm của dự án đầu tư đạt ít nhất 0,5%;

- Tỷ lệ lao động trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển trên tổng số lao động của dự án đầu tư của tổ chức kinh tế đạt ít nhất 1%.

b) Dự án công nghệ cao mức 2 là dự án có hoạt động ứng dụng, nghiên cứu, phát triển công nghệ cao, sản xuất sản phẩm công nghệ cao và đáp ứng đồng thời 3 điều kiện sau:

- Doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao đạt ít nhất 80% tổng doanh thu thuần hàng năm của dự án;

- Tổng chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển trên tổng doanh thu thuần trừ đi giá trị đầu vào (bao gồm giá trị nguyên vật liệu, linh kiện phục vụ sản xuất nhập khẩu và mua nội địa) hàng năm của dự án đầu tư đạt ít nhất 1%;

- Tỷ lệ lao động trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển trên tổng số lao động của dự án đầu tư của tổ chức kinh tế đạt ít nhất 2%.

2. Doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi theo quy định tại điểm d khoản 6 Điều 20 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP được xác định như sau:

a) Doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi mức 1 là trường hợp có doanh nghiệp Việt Nam không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư tham gia chuỗi giá trị và đáp ứng đồng thời 2 điều kiện sau:

- Có từ 30% đến 40% doanh nghiệp Việt Nam trong tổng số doanh nghiệp tham gia và thực hiện hợp đồng lắp ráp, cung cấp linh kiện, nguyên vật liệu, dịch vụ để sản xuất ra sản phẩm;

- Tối thiểu 30% giá thành sản phẩm được tạo ra bởi các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị.

b) Doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi mức 2 là trường hợp có doanh nghiệp Việt Nam không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư tham gia chuỗi giá trị và đáp ứng đồng thời 2 điều kiện sau:

- Có trên 40% doanh nghiệp Việt Nam trong tổng số doanh nghiệp tham gia và thực hiện hợp đồng lắp ráp, cung cấp linh kiện, nguyên vật liệu, dịch vụ để sản xuất ra sản phẩm;

- Tối thiểu 40% giá thành sản phẩm được tạo ra bởi các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị.

3. Giá trị gia tăng là giá thành toàn bộ hàng hóa, dịch vụ trừ đi các khoản chi phí trả cho bên nước ngoài (không bao gồm nguyên vật liệu nhập khẩu hoặc nhập khẩu tại chỗ có Chứng nhận xuất xứ Việt Nam theo quy định hiện hành), gồm:

a) Chi phí nguyên vật liệu đầu vào, khấu hao tài sản cố định máy móc thiết bị, chi phí công cụ, dụng cụ nhập khẩu từ nước ngoài;

b) Phí bản quyền, phí chuyển giao công nghệ, chi phí quản lý, chi phí bán hàng, chi phí tài chính và các loại chi phí khác phải trả cho bên nước ngoài.

4. Tổng chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển bao gồm:

a) Chi thường xuyên hàng năm cho hoạt động nghiên cứu và phát triển;

b) Chi hoạt động đào tạo, hỗ trợ đào tạo cho lao động nghiên cứu và phát triển của tổ chức kinh tế, các tổ chức khoa học và công nghệ, cơ sở đào tạo tại Việt Nam;

c) Chi hợp tác nghiên cứu và phát triển với tổ chức, cá nhân; chi thuê khoán hoặc tài trợ cho tổ chức, cá nhân thực hiện các dự án nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp;

d) Phí bản quyền, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp phục vụ hoạt động nghiên cứu và phát triển; phí đăng ký công nhận hoặc bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích tại Việt Nam;

đ) Khấu hao đầu tư cơ sở hạ tầng, tài sản cố định cho hoạt động nghiên cứu và phát triển.

5. Lao động trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển gồm lao động có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên đáp ứng đồng thời 02 tiêu chí sau:

a) Lao động có trình độ cao đẳng không vượt quá 30%;

b) Đã ký hợp đồng lao động có thời hạn từ 01 năm trở lên hoặc hợp đồng không xác định thời hạn làm việc tại bộ phận nghiên cứu và phát triển hoặc bộ phận có chức năng tương tự của doanh nghiệp.

6. Tiêu chí chuyển giao công nghệ được xác định như sau:

a) Chuyển giao công nghệ mức 1

- Được cấp Giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ;

- Thực hiện chuyển giao công nghệ cho dưới 03 doanh nghiệp Việt Nam trong thời hạn 05 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc thỏa thuận bằng văn bản với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

b) Chuyển giao công nghệ mức 2

- Được cấp Giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ;

- Thực hiện chuyển giao công nghệ cho từ 03 doanh nghiệp Việt Nam trở lên trong thời hạn 05 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc thỏa thuận bằng văn bản với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đối với dự án đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất thì thời hạn 05 năm theo quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất. Trường hợp nhà đầu tư đã có quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất, nhưng chậm được bàn giao đất thì thời hạn 05 năm được tính từ ngày bàn giao đất trên thực địa.

Hoàng Yến

(Còn nữa)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm