Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đề xuất vợ, chồng, công ty mẹ - con không được tham gia đấu giá cùng một tài sản

Hương Giang

Thứ ba, 08/08/2023 - 13:42

(Thanh tra) - Để tránh thông đồng, dìm giá, Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản bổ sung quy định các trường hợp không được đăng ký tham gia đấu giá cùng một tài sản như cha, mẹ, vợ, chồng, anh, chị, em, công ty mẹ - con...

Theo Chính phủ, tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng, dìm giá trong đấu giá tài sản ngày càng tinh vi, phức tạp. Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Chính phủ vừa có tờ trình gửi Quốc hội về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

So với luật hiện hành, dự thảo luật sửa đổi bổ sung các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đấu giá viên, điều kiện hành nghề đấu giá, quyền và nghĩa vụ, đăng ký hoạt động của tổ chức đấu giá tài sản; trình tự, thủ tục đấu giá tài sản.

Dự luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.

Không còn trường hợp được miễn đào tạo nghề đấu giá

Nêu cụ thể, tờ trình Chính phủ cho hay, dự thảo luật bổ sung quy định tại Điều 9 về nghiêm cấm đấu giá viên để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá nhằm mục đích trục lợi.

Người tham gia đấu giá nhận ủy quyền tham gia đấu giá để trả giá cho người tham gia đấu giá khác đối với tài sản mà mình cũng là người tham gia đấu giá tài sản đó hoặc trả giá cho từ hai người tham gia đấu giá trở lên đối với tài sản mà những người này là người tham gia đấu giá tài sản đó cũng bị nghiêm cấm.

Liên quan đến đấu giá viên, dự thảo luật bỏ quy định về điều kiện phải có thời gian làm việc trong lĩnh vực được đào tạo 3 năm mới được tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá.

Theo Chính phủ, bỏ quy định trên để tạo điều kiện cho người tốt nghiệp đại học được tham dự khóa đào tạo nghề đấu giá, phù hợp với quy định và yêu cầu thực tiễn đào tạo nghề các chức danh bổ trợ tư pháp như luật sư, công chứng.

Tuy nhiên, để đảm bảo tất cả các đối tượng muốn trở thành đấu giá viên đều được trang bị kiến thức chuyên môn, kỹ năng hành nghề phù hợp với tính chất nghề nghiệp đấu giá là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, dự thảo luật bỏ quy định tại Điều 12 về các trường hợp được miễn đào tạo nghề đấu giá.

Tờ trình Chính phủ cho hay, cả nước hiện có 1.200 đấu giá viên, gần 600 tổ chức đấu giá tài sản, trong đó có 58 trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tại các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương.

Số lượng các cuộc đấu giá tài sản ngày càng tăng, nhiều cuộc đấu giá được tổ chức thành công với giá trị tài sản bán được cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm, nộp ngân sách nhà nước đạt giá trị lớn.

Còn một bộ phận đấu giá viên hạn chế về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề. Còn đấu giá viên vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp, dẫn đến các vụ việc bị hủy kết quả đấu giá do vi phạm về trình tự, thủ tục, thậm chí bị điều tra, truy tố, xét xử, ảnh hưởng đến uy tín nghề nghiệp và niềm tin của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động đấu giá tài sản.

Quyền sử dụng đất không được đấu giá theo thủ tục rút gọn

Về trình tự, thủ tục đấu giá, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung các quy định tại Điều 34, 35, 35, 37, 38, 39, 42, 52… Bên cạnh đó, bổ sung thêm nhiều điểm mới.

Trong đó, về địa điểm, thời gian bán, tiếp nhận hồ sơ, thành phần hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng bảo đảm minh bạch, khách quan, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia đấu giá, đồng bộ với việc nộp tiền đặt trước.

Đáng chú ý, dự thảo bổ sung các trường hợp không được đăng ký tham gia đấu giá trong cùng một tài sản như cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em, công ty mẹ, công ty con, các doanh nghiệp mà cá nhân, tổ chức có khả năng chi phối hoạt động doanh nghiệp khác...

“Điều này để bảo đảm tính khách quan, minh bạch, tránh tình trạng thông đồng, dìm giá giữa những người này khi tham gia đấu giá”, theo Chính phủ.

Tài sản là quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản, quyền sử dụng tần số vô tuyến điện và các tài sản khác theo quy định của luật có liên quan thì không được áp dụng đấu giá theo thủ tục rút gọn, cũng là quy định mới trong dự thảo luật.

Đánh giá sau 5 năm thực hiện Luật Đấu giá tài sản, Chính phủ cho hay, tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng, dìm giá trong các phiên đấu giá ngày càng có xu hướng tinh vi, phức tạp.

Một số tổ chức đấu giá chưa tuân thủ nghiêm túc trình tự, thủ tục đấu giá, còn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh; gây ảnh hưởng đến uy tín và sự phát triển lành mạnh của hoạt động đấu giá.

Người có tài sản chịu trách nhiệm xác định giá khởi điểm

Thêm nữa, còn tình trạng người có tài sản đấu giá chưa thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình trong quá trình tổ chức đấu giá tài sản.

“Một số trường hợp còn có biểu hiện thông đồng, móc nối với tổ chức đấu giá tài sản, người tham gia đấu giá để trục lợi; lợi dụng các tổ chức “sân sau’ để đấu giá”, tờ trình nêu.

Vì vậy, dự thảo luật sửa đổi bổ sung quy định tại Điều 47 về quyền và nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá trong quá trình tổ chức đấu giá.

Theo đó, người có tài sản có quyền quyết định áp dụng bước giá tại các vòng đấu giá; tạm dừng tổ chức đấu giá, hủy bỏ việc tổ chức đấu giá đối với tài sản thi hành án dân sự khi có quyết định hoãn, tạm đình chỉ, tạm dừng thi hành án, tài sản đấu giá không đủ điều kiện đưa ra bán đấu giá, người phải thi hành án nhận lại tài sản.

Người có tài sản chịu trách nhiệm về việc xác định giá khởi điểm, việc giảm giá khởi điểm; có nghĩa vụ báo cáo cơ quan có thẩm quyền về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, giám sát quá trình tổ chức thực hiện việc đấu giá, tham dự cuộc đấu giá, diễn biến cuộc đấu giá và kết quả đấu giá.

Ngoài ra, người có tài sản phải bảo mật tài liệu, thông tin liên quan trong quá trình lựa chọn tổ chức đấu giá; thông tin của người tham gia đấu giá trong quá trình thẩm tra, xét duyệt điều kiện tham gia đấu giá cho đến khi kết thúc cuộc đấu giá.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Đổi mới phương thức thanh, kiểm tra, tập trung kiểm soát quyền lực, thực hiện các nội dung được phân cấp, phân quyền

Đổi mới phương thức thanh, kiểm tra, tập trung kiểm soát quyền lực, thực hiện các nội dung được phân cấp, phân quyền

(Thanh tra) - Đó là giải pháp nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong hoạt động thanh tra được đưa ra tại đề tài khoa học cấp bộ năm “Thanh tra, kiểm tra đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước” do TS Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ thanh tra, Thanh tra Chính phủ làm chủ nhiệm, được Hội đồng Khoa học nghiệm thu xếp loại xuất sắc.

Thái Hải

18:05 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm