Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đề xuất nhiều giải pháp toàn diện để bảo vệ bí mật công tác ngành Thanh tra

Thái Hải

Thứ tư, 25/12/2024 - 21:22

(Thanh tra) - Nhấn mạnh bảo vệ bí mật Nhà nước và bảo vệ bí mật công tác của ngành Thanh tra là để đảm bảo an toàn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động ngành, TS Nguyễn Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục 4, Thanh tra Chính phủ (TTCP) kiến nghị TTCP cần có những giải pháp toàn diện để tăng cường bảo vệ bí mật của Ngành.

TS Nguyễn Văn Tuấn đã đề xuất nhiều giải pháp toàn diện để bảo vệ bí mật công tác ngành Thanh tra. Ảnh: TH

Ngày 25/12, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra tổ chức nghiệm thu đề tài khoa học “Bảo vệ bí mật Nhà nước và bí mật công tác của ngành Thanh tra – Thực trạng và giải pháp”, do TS Nguyễn Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục 4, TTCP làm chủ nhiệm.

Theo TS Nguyễn Văn Tuấn, từ khi Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, Luật Thanh tra được ban hành đến nay, nhiều cơ quan thanh tra chưa có quy định cụ thể về quản lý, khai thác, sử dụng tài liệu mật. Quá trình triển khai thực hiện các quy định đến nay bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Một số thông tin, tài liệu được quy định trong danh mục bí mật Nhà nước chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các cơ quan thanh tra.

Cùng với đó, kết quả kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước của Bộ Công an đối với TTCP đã chỉ ra nhiều lỗ hổng trong việc xác định các tài liệu mật, quản lý, khai thác, sử dụng tài liệu mật của TTCP.

Hiện nay, chưa có các quy định hay văn bản nào xác định bí mật công tác trong lĩnh vực thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

Cạnh đó, hành lang pháp lý cho việc bảo vệ bí mật Nhà nước của ngành Thanh tra chưa được bảo đảm. Trong thực tiễn, có vụ việc công chức của TTCP đã bị xử lý hình sự liên quan đến tội làm lộ bí mật Nhà nước.

Chủ nhiệm đề tài cho rằng, thực tiễn hoạt động của các cơ quan thanh tra rất cần làm rõ những thông tin, tài liệu nào là bí mật Nhà nước, những gì là bí mật công tác để có các biện pháp bảo vệ cho phù hợp với tính chất của các thông tin, tài liệu.

“Tuy nhiên, những vấn đề nêu trên chưa được làm rõ cả về khía cạnh pháp lý, góc nhìn khoa học cũng như thực tiễn”, TS Nguyễn Văn Tuấn cho biết.

Tại TTCP,  công tác bảo vệ bí mật Nhà nước còn tồn tại nhiều khuyết điểm. Một số văn bản được xác định là có chứa bí mật Nhà nước, nhưng thực chất không chứa thông tin nhạy cảm, dẫn đến lãng phí nguồn lực và khó khăn trong quản lý. Số lượng thiết bị chuyên dụng cho việc soạn thảo văn bản có chứa bí mật Nhà nước còn hạn chế, đôi khi các văn bản này vẫn được soạn thảo trên các thiết bị không an toàn.

Cùng với đó, kinh phí và trang thiết bị phục vụ cho công tác bảo vệ bí mật Nhà nước còn thiếu và chưa được quan tâm đúng mức. Việc bố trí cán bộ làm nhiệm vụ bảo vệ bí mật Nhà nước kiêm nhiệm và công tác tập huấn theo Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước năm 2018 chưa được thực hiện đầy đủ, dẫn đến hiệu quả công tác bảo vệ bí mật Nhà nước chưa cao. Nhận thức của cán bộ công chức về công tác bảo vệ bí mật Nhà nước còn hạn chế, không thường xuyên được cập nhật và nâng cao…

“Những nhược điểm này đòi hỏi TTCP cần có những cải thiện toàn diện, từ việc nâng cao nhận thức của cán bộ công chức, tăng cường kiểm tra định kỳ, đến việc đầu tư kinh phí và công nghệ, cũng như đào tạo chuyên sâu để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ bí mật Nhà nước và bí mật công tác của ngành Thanh tra”, chủ nhiệm đề tài nhấn mạnh.

Trên cơ sở đó, chủ nhiệm đề tài đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả bảo vệ bí mật Nhà nước, bí mật công tác ngành Thanh tra.

Theo đó, chủ nhiệm đề xuất Tổng Thanh tra xem xét ban hành danh mục bí mật công tác trong lĩnh vực thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng. Đồng thời, có những quy định về việc soạn thảo bí mật công tác, bảo quản, lưu trữ, khai thác, sử dụng bí mật công tác vừa bảo đảm tính bảo mật, vừa phù hợp với tình hình thực tiễn, không gây khó khăn, phiền hà cho các cơ quan thanh tra và công chức khi thực thi nhiệm vụ, công vụ.

Cùng với đó là thực hiện một loạt các giải pháp toàn diện và chi tiết.

Trước hết, đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật là yếu tố cốt lõi, bao gồm trang bị các thiết bị công nghệ tiên tiến như máy tính, máy chủ, hệ thống lưu trữ dữ liệu và các thiết bị bảo mật. Những thiết bị này cần phải đáp ứng được các tiêu chuẩn bảo mật cao nhất, đảm bảo khả năng chống lại các cuộc tấn công mạng và ngăn chặn truy cập trái phép.

Thiết lập hệ thống quản lý truy cập chặt chẽ, hệ thống này bao gồm các biện pháp kiểm soát truy cập vật lý và điện tử như thẻ từ, mật khẩu, và hệ thống nhận diện sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt), nhằm đảm bảo chỉ những người có thẩm quyền mới có thể tiếp cận các thông tin nhạy cảm.

Đồng thời, sử dụng công nghệ mã hóa dữ liệu là bước quan trọng để bảo vệ thông tin trong quá trình lưu trữ và truyền tải. Mã hóa dữ liệu giúp đảm bảo rằng ngay cả khi dữ liệu bị đánh cắp, nó cũng không thể bị đọc hoặc sử dụng trái phép.

Thiết lập các khu vực an toàn để lưu trữ các tài liệu và thiết bị chứa thông tin bí mật là cần thiết. Những khu vực này cần được trang bị hệ thống giám sát an ninh và kiểm soát truy cập nghiêm ngặt, bao gồm các biện pháp an ninh vật lý như khóa cửa, camera giám sát, và lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp. Điều này đảm bảo an toàn tuyệt đối cho thông tin nhạy cảm.

Đào tạo và nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức về các biện pháp bảo mật hiện đại thông qua các khóa học, bài giảng về pháp luật bảo mật là cần thiết.

Thực hiện kiểm tra và đánh giá định kỳ về hệ thống bảo mật cơ sở vật chất và kỹ thuật giúp phát hiện kịp thời các lỗ hổng bảo mật và đề xuất các biện pháp khắc phục và nâng cấp hệ thống. Điều này đảm bảo rằng các biện pháp bảo mật luôn được duy trì và nâng cao hiệu quả.

“Những giải pháp này không chỉ đảm bảo an ninh thông tin mà còn góp phần duy trì an ninh quốc gia và trật tự xã hội, đồng thời nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác của ngành Thanh tra trong bối cảnh các mối đe dọa an ninh ngày càng phức tạp và đa dạng”, chủ nhiệm đề tài nói.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tạo đột phá cho khoa học và công nghệ được kỳ vọng trở thành động lực tăng trưởng mới

Tạo đột phá cho khoa học và công nghệ được kỳ vọng trở thành động lực tăng trưởng mới

(Thanh tra) - Nội dung của Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) cần bám sát, thể chế hóa kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước với các quy định mạnh mẽ phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và tiến gần tới thông lệ quốc tế, theo Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt.

T.Thanh

22:14 25/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm