Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Cần quy định đánh thuế BVMT theo nguyên tắc "người gây ô nhiễm phải trả tiền"

Thái Hải

Thứ tư, 29/04/2020 - 22:25

(Thanh tra) - Đó là ý kiến của các đại biểu tại hội nghị trực tuyến lấy ý kiến Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) (sửa đổi) và giải quyết tháo gỡ một số vướng mắc trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường (TN&MT) được Bộ TN&MT tổ chức vào ngày 29/4.

Toàn cảnh hội nghị trực tuyến. Ảnh: TH

Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) gồm có 16 chương, 192 điều, trong đó bãi bỏ nhiều quy định, giảm nhiều thủ tục hành chính nhưng vẫn đảm bảo được công tác quản lý, BVMT như thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược.

Các chiến lược, kế hoạch không phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược. Dự thảo Luật chỉ quy định đối tượng phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược là các quy hoạch theo quy định trong Luật Quy hoạch.

Sau gần 5 năm triển khai thực hiện, Luật đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong công tác BVMT. Nhận thức về trách nhiệm và hành động trong BVMT đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội.

Phương thức quản lý, giải quyết các vấn đề về môi trường đã có sự thay đổi, từ bị động ứng phó sang chủ động kiểm soát, phòng ngừa, kiểm soát các dự án có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, để đóng góp cho tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững. Xu hướng suy giảm nhanh chất lượng môi trường và xu thế tăng mạnh về ô nhiễm môi trường trước đây đang được kiềm chế, giảm dần. Nền kinh tế có bước phát triển bền vững hơn, thân thiện hơn với môi trường.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực thi cho thấy Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa điều chỉnh kịp thời với những thách thức mới đặt ra đối với công tác BVMT như: Cơ chế, chính sách BVMT chưa phù hợp và đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường; các thủ tục hành chính về môi trường còn có sự phân tán, thiếu liên thông, tích hợp dẫn đến việc cùng một dự án, chủ đầu tư phải thực hiện các thủ tục hành chính mang tính cho phép về môi trường của nhiều bên, nhiều cơ quan Nhà nước…

Từ thực tiễn thi hành Luật và để tiếp tục thể chế hóa chủ trương, quan điểm mới của Đảng và Nhà nước về BVMT, xây dựng hệ thống chính sách BVMT đồng bộ, thống nhất, sát với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, phù hợp với thông lệ quốc tế nên cần thiết phải triển khai nghiên cứu, sửa đổi Luật BVMT hiện hành.

Tại hội nghị, với quan điểm không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế, đại diện lãnh đạo các địa phương đánh giá và thống nhất cao nội dung của Dự án Luật, đồng thời đã tích cực đóng góp bổ sung thêm một số vấn đề để hoàn thiện cho Dự án Luật BVMT (sửa đổi). Cụ thể: Luật BVMT (sửa đổi) cần quy định thêm nội dung về quản lý và hợp tác giữa các tỉnh, thành trong việc quản lý chất lượng không khí theo khu vực, bổ sung nội dung "đánh giá sức chịu tải của môi trường" vào kế hoạch quản lý chất lượng không khí.

Dự luật cũng cần quy định đánh thuế BVMT theo nguyên tắc "người gây ô nhiễm phải trả tiền" nhằm khuyến khích người gây ô nhiễm giảm lượng chất thải ra môi trường và tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước thông qua việc đưa chi phí môi trường vào trong giá thành sản phẩm.

Bổ sung trách nhiệm của Bộ TN&MT trong rà soát, đưa ra lộ trình thắt chặt các quy chuẩn, tiêu chuẩn phát thải đối với các nhà máy nhiệt điện than và tiêu chuẩn không khí xung quanh...

Bên cạnh đó, các địa phương cũng cho rằng, Luật sửa đổi nên có quy định phối hợp BVMT liên vùng; công tác thanh tra, kiểm tra phải được tăng cường; có chính sách thu hút đầu tư về xử lý môi trường; đề nghị sửa đổi; bổ sung trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Điều 183 trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác BVMT trong sản xuất nông nghiệp và các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

Đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và công tác giải ngân vốn đầu tư công như: Thống nhất các quy định trong việc chuyển mục đích sử dụng đất đối với đất đang sử dụng; làm rõ quy định đối với việc chuyển mục đích sử dụng đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm, tỉnh cũng đề nghị Bộ có hướng dẫn làm rõ đối với đất của các doanh nghiệp đã cổ phần hóa (phần vốn Nhà nước dưới 50%) hoặc đã thoái hết vốn Nhà nước thì có được chuyển mục đích sử dụng đất hay phải thu hồi bán đấu giá theo mục đích sử dụng mới...

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà ghi nhận và tiếp thu các ý kiến đóng góp của các địa phương, đồng thời khẳng định: Môi trường là một trong những vấn đề được các tổ chức và người dân đặc biệt quan tâm. Việc sửa đổi, bổ sung Luật BVMT lần này được xem là một cuộc “cách mạng” và lấy mục tiêu hàng đầu là bảo vệ sức khoẻ nhân dân, bảo đảm mọi người dân được sống trong môi trường trong lành.

Theo đó Luật BVMT sửa đổi, bổ sung theo hướng tạo nền tảng pháp lý hình thành và phát triển các mô hình tăng trưởng bền vững. Luật cũng sẽ thay đổi phương thức quản lý từ mệnh lệnh hành chính, rườm rà, phức tạp sang vai trò kiến tạo thông qua việc đơn giản hoá thủ tục hành chính; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; thống nhất trong quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường; doanh nghiệp nhất thiết phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 và đóng vai trò trung tâm trong BVMT…

Đối với những vướng mắc trong lĩnh vực TN&MT, Bộ trưởng mong rằng thời gian tới các địa phương cần tiếp tục phối hợp, trao đổi thường xuyên hơn nữa, để Bộ kịp thời tổng hợp và có văn bản hướng dẫn tháo gỡ.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm