Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ hai, 07/09/2020 - 18:53
(Thanh tra) - Chiều ngày 7/9, Uỷ ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội họp phiên thường trực mở rộng thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Đảm bảo an toàn giao thông. Một trong những nội dung hiện được dư luận quan tâm là việc sát hạch, cấp giấy phép lái xe sẽ được giao cho Bộ Công an thực hiện, thay vì Bộ Giao thông Vận tải như hiện nay.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc
Chiều ngày 7/9, Uỷ ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội họp phiên thường trực mở rộng thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Đảm bảo an toàn giao thông.
Dự án Luật Đảm bảo an toàn giao thông được tách ra từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008, do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, song song với đó là Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) do Bộ Giao thông Vận tải chủ trì soạn thảo.
Một trong những nội dung hiện được dư luận quan tâm là việc sát hạch, cấp giấy phép lái xe sẽ được giao cho Bộ Công an thực hiện, thay vì Bộ Giao thông vận tải như hiện nay.
Vì sao Bộ Công an chủ trì?
Theo tờ trình do Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc trình bày tại phiên họp, đa số thành viên Chính phủ đồng ý phương án giao cho Bộ Công an sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Tuy nhiên, do đây là vấn đề còn ý kiến khác nhau, nên cơ quan soạn thảo vẫn trình 2 phương án để xin ý kiến các cơ quan Quốc hội.
Phương án 1: Đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe thuộc phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Phương án 2: Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) tiếp tục điều chỉnh vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe. Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải xây dựng nội dung thuyết minh phù hợp cho từng phương án.
Phân tích cụ thể, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết, người điều khiển phương tiện giao thông vừa là chủ thể cần bảo vệ, vừa là nhân tố chính gây mất an toàn giao thông.
Do đó, để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phải quản lý được hành vi chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông một cách xuyên suốt và nhất quán, từ khâu đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và sau khi được cấp giấy phép lái xe…
Hành vi của người tham gia giao thông là một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng cấu thành nội hàm khái niệm “bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ".
Mặt khác, điều khoản về quản lý hành vi của người tham gia giao thông liên quan đến các khâu như: Đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe quy định trong Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được xây dựng trên cơ sở tham chiếu Công ước Viên về giao thông đường bộ năm 1968 và tham khảo luật của nhiều nước trên thế giới (mô hình thành công nhất là Nhật Bản và Hàn Quốc).
Đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và quản lý quá trình chấp hành pháp luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ là các nội dung quan trọng nhất, xuyên suốt, quyết định kiến thức pháp luật, kỹ năng điều khiển và ý thức chấp hành pháp luật của người lái xe khi tham gia giao thông, quyết định đến trật tự, an toàn giao thông và thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Ở phương án 2, theo lãnh đạo Bộ Công an, phương án này không phù hợp với cấu trúc, mục tiêu và nội dung của Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) là thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kết cấu hạ tầng hiện đại, hiệu quả, nâng cao chất lượng hệ thống mạng lưới đường bộ, phát triển vận tải đường bộ phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.
Lo ngại chồng chéo
Thẩm tra sơ bộ nội dung này, đa số ý kiến của Ủy ban Quốc phòng An ninh nhất trí với phương án Chính phủ đã thống nhất là giao Bộ Công an quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, vì đây là vấn đề còn có ý kiến khác nhau, Uỷ ban Quốc phòng An ninh đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chỉ đạo.
Cũng tại phiên họp, một số ý kiến còn lo ngại việc tách luật. Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương, có những quy định bị chồng chéo. Vì thế, ông Hương đề nghị cần phải rà soát kỹ cả 2 luật để tránh tình trạng này.
Tương tự, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Lê Thị Nguyệt thừa nhận rằng bà chưa thấy được sự thuyết phục khi tách luật.
“Tôi nghĩ phải làm thế nào để người dân hiểu 2 luật trên không nhầm lẫn, chồng chéo nhau, không dẫn đến tình trạng quyền anh, quyền tôi”, bà Nguyệt nêu quan điểm.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho rằng, lo ngại trên không phải là vấn đề lớn. Ông Thọ giải thích, việc tách luật sẽ giúp quy định rõ hơn trách nhiệm của các đơn vị thực thi nhiệm vụ.
“Có việc gì xảy ra chúng ta vẫn hay kêu gọi cả hệ thống chính trị vào cuộc, mà cả hệ thống vào thì không biết ai chịu trách nhiệm chính”, ông Thọ băn khoăn, và khẳng định 2 luật cũng sẽ không chồng chéo nhiều.
Tiếp thu ý kiến các đại biểu, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc khẳng định sẽ chỉ đạo ban soạn thảo phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật để trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 10 tới.
Theo ông Ngọc, Luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ và Luật Giao thông đường bộ điều chỉnh chính sách, lĩnh vực riêng của từng đạo luật đó là bảo đảm trật tự an toàn giao thông và kết cấu hạ tầng.
“Vấn đề này đã được phân định rõ ràng trong nghị quyết của Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng đã thống nhất những nét cơ bản. Ví dụ, vấn đề sát hạch cấp giấy phép giấy phép lái xe, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản đồng ý thống nhất để Bộ Công an chủ trì sát hạch, cấp giấy phép lái xe”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc thông tin.
Vẫn theo Thứ trưởng Ngọc, lực lượng công an đã triển khai công an chính quy đến cấp xã, nên việc tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông sẽ được Bộ trưởng phân công phủ kín địa bàn, đáp ứng được tình hình trật tự an toàn giao thông cao hơn ở cơ sở.
Giấy phép lái xe chỉ còn 11 hạng
Một điểm đáng chú ý được sửa đổi trong dự luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo là quy định 1 hạng B để cấp cho người lái xe ô tô chở người đến 9 chỗ, xe ô tô tải, máy kéo có khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế không vượt quá 3.500 kg; bỏ quy định hạng E, các hạng F. Như thế, sẽ chỉ còn 11 hạng giấy phép lái xe gồm: A01, A2, A3, B, C, D2, D, BE, CE, D2E, DE.
Trong Dự thảo Luật đã có điều khoản chuyển tiếp, quy định các loại giấy phép lái xe hạng B1, B2, C, D, E, FB2, FC, FD, FE được cấp theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 còn thời hạn thì vẫn còn hiệu lực và vẫn còn giá trị tương đương với giấy phép lái xe các hạng B, C, D2, D, BE, CE, D2E, DE theo quy định của luật này. Trường hợp cấp lại thì cấp theo quy định mới.
Từ phân tích này, Uỷ ban Quốc phòng An ninh khẳng định, quy định mới không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người đã được cấp giấy phép lái xe.
Dự luật cũng quy định, giấy phép lái xe có 12 điểm trong 12 tháng. Giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, sau thời hạn 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm người lái xe nếu có nhu cầu cấp giấy phép lái xe mới, phải sát hạch lại và nếu giấy phép lái xe còn điểm thì được phục hồi 12 điểm sau 12 tháng kế tiếp.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - An ninh phi truyền thống khác với an ninh truyền thống ở trọng tâm là việc nhận diện và quản trị các rủi ro không chỉ ở cấp độ cá nhân, gia đình, mà còn mở rộng đến cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, địa phương, và quốc gia. Đây là một thách thức toàn diện, đòi hỏi sự phối hợp đa chiều để đưa ra các giải pháp phòng ngừa và ứng phó hiệu quả.
Minh Huyền
22:30 22/11/2024(Thanh tra) - Bộ Công Thương cho biết, trong quá trình xây dựng nghị định thay thế các nghị định về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đã nhận được nhiều ý kiến góp ý của các bộ, ngành, doanh nghiệp, Hiệp hội Xăng dầu trong đó có một số nội dung liên quan đến cơ chế điều hành giá xăng dầu; việc xem xét bỏ quy định về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và quyền mua bán xăng dầu giữa các thương nhân phân phối xăng dầu.
Lê Phương
21:51 22/11/2024Nguyễn Điểm
15:57 22/11/2024Trần Quý
13:17 22/11/2024Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh
Phương Anh
Lê Phương