Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

BHXH tự nguyện: Cần “mở” cơ hội cho lao động phi chính thức

Chủ nhật, 14/06/2015 - 06:43

(Thanh tra) - Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi năm 2014 với những thiết kế mới nhằm hút người lao động (NLĐ) trong khu vực nông thôn, khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, làm thế nào để chính sách này khả thi, đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ ở các cấp chính quyền, mà còn ý thức của chính NLĐ để bảo đảm cuộc sống khi về già...

NLĐ trong khu vực nông thôn mong muốn tham gia BHXH tự nguyện với sự hỗ trợ của Nhà nước để bảo đảm cuộc sống khi về già. Ảnh minh họa: Internet

Rào cản khó tiếp cận

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, sau nhiều năm thực hiện BHXH tự nguyện, số người tham gia BHXH tự nguyện mới chỉ chiếm khoảng 0,3% số đối tượng thuộc diện tham gia. Con số này dường như trái ngược với mong muốn thực tế của đại đa số người dân, nhất là NLĐ ở khu vực nông thôn, khu vực phi chính thức.

Vậy, vì sao một hình thức bảo hiểm ưu việt hơn, nhiều người mong muốn tham gia lại có độ bao phủ thấp như vậy? Câu trả lời từ thực tế là do công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về BHXH tự nguyện chưa đến được với NLĐ trong khu vực nông thôn, khu vực phi chính thức. Thậm chí, NLĐ nếu có biết thông tin về hình thức bảo hiểm này, nhưng đến đâu để đăng ký, các thủ tục thực hiện như thế nào, mức đóng tiền ra sao... lại “mù mờ”, không được các cơ quan chức năng ở địa phương hướng dẫn.

Kết quả khảo sát tại phường Chương Dương, phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội của Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng và Trung tâm Giới, gia đình, phát triển cộng đồng vừa công bố cho thấy, có tới 91% NLĐ bán hàng rong chưa từng biết đến các quy định Bộ luật Lao động; 91,45% chưa từng biết đến Luật BHXH. Trong khi đây đều là những quy định pháp luật cơ bản nhất liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ lao động và an sinh xã hội trợ giúp người lao động.

Bên cạnh đó, độ tuổi tham gia bị giới hạn không phù hợp với đặc điểm của nông dân, lao động tự do - những đối tượng chính tham gia hình thức bảo hiểm này. Mức đóng BHXH tự nguyện cũng là một trở ngại lớn. Nếu chỉ dựa vào mức lương tối thiểu thì mỗi tháng họ phải đóng 253 nghìn đồng, nhưng so với thu nhập của người nông dân thì không dễ theo, nhất là phải đóng kéo dài trong hơn 20 năm mới nhận được 75% lương tháng tính đóng, nên càng khó hơn.

Trong khi đó, thủ tục tham gia còn phức tạp, phương thức đóng chưa linh hoạt, khó tiếp cận với người dân; sự không bình đẳng về quyền lợi giữa BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện càng khiến NLĐ e ngại khi tham gia BHXH tự nguyện.

Sớm thực thi chính sách hỗ trợ

Với mục tiêu, định hướng nhân văn bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, Luật BHXH sửa đổi năm 2014 có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 đã có những quy định tiến bộ về BHXH tự nguyện, tạo cơ hội cho NLĐ với thu nhập bấp bênh, nguy cơ rủi ro cao tham gia.

Đó là, mở rộng đối tượng tham gia theo hướng không khống chế tuổi trần; mức thu nhập tháng thấp nhất bằng mức chuẩn các hộ nghèo của khu vực nông thôn; đa dạng các phương thức đóng (đóng một lần cho nhiều năm và đóng một lần cho những năm còn thiếu) và quy định về việc Nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện cho người lao động tham gia BHXN tự nguyện. Ngoài ra, luật còn mở rộng thêm quyền của người đóng BHXH như cứ 6 tháng NLĐ được cung cấp thông tin về đóng BHXH; định kỳ hằng năm người tham gia BHXH được cơ quan BHXH xác nhận về việc đóng BHXH…

Các chuyên gia nhấn mạnh, chính sách an sinh xã hội của Nhà nước nói chung là nhằm trợ giúp cho những NLĐ yếu thế hoặc gặp rủi ro. Trước mắt, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tránh hình thức để nâng cao nhận thức cho lao động phi chính thức về an sinh xã hội, đặc biệt cần phải có những chính sách “mở” để hỗ trợ cho những đối tượng này.

Thực tế của các nước tiến hành chính sách này đều chung một nhận định: Nếu không được Nhà nước hỗ trợ một phần đóng trong những năm đầu tiên tham gia thì sẽ khó khăn để thu hút NLĐ tham gia với quy mô mong muốn. Vấn đề đặt ra là thời điểm nào sẽ thực thi chính sách hỗ trợ này để NLĐ có thể tin tưởng rằng chính sách này  khả thi? Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh: Các cơ quan chức năng cần chủ động, nhanh chóng xác định nguồn lực tài chính theo các phương án khác nhau để trình Chính phủ sớm quyết định: thời điểm, mức hỗ trợ, đối tượng nhận hỗ trợ và thời hạn hỗ trợ để có cơ sở xây dựng kế hoạch tổng thể về lộ trình gia tăng quy mô NLĐ tham gia BHXH tự nguyện trên phạm vi cả nước cũng như từng địa phương.

Quan trọng, rất cần những nỗ lực của các cấp chính quyền cũng như sự hiểu rõ về an sinh xã hội của NLĐ để khắc phục những thách thức, thực hiện thành công các mục tiêu về BHXH, bảo hiểm y tế như: Tăng nhanh diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH, nhất là BHXH tự nguyện; phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng tham gia BHXH…

Trần Kiên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm