Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bầu cử thêm nếu số người trúng cử chưa đủ 2/3

Thứ sáu, 20/05/2016 - 08:49

(Thanh tra)- Là một trong những nội dung được quy định tại Luật số 85/2015/QH13 về bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND).

Ngày bầu cử thêm được tiến hành sau ngày bầu cử đầu tiên 15 ngày

Theo quy định tại Mục 3 về bầu cử thêm, bầu cử lại, trong cuộc bầu cử đầu tiên, nếu số người trúng cử ĐBQH chưa đủ số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử thì Ban Bầu cử phải ghi rõ vào biên bản xác định kết quả bầu cử và báo cáo ngay cho Ủy ban Bầu cử (UBBC) ở tỉnh để đề nghị Hội đồng Bầu cử Quốc gia xem xét, quyết định việc bầu cử thêm ở đơn vị bầu cử đó.

Trong cuộc bầu cử đầu tiên, nếu số người trúng cử đại biểu HĐND chưa đủ 2/3 số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử thì Ban Bầu cử phải ghi rõ vào biên bản xác định kết quả bầu cử và báo cáo ngay cho UBBC chịu trách nhiệm tổ chức bầu cử đại biểu HĐND ở cấp đó để quyết định ngày bầu cử thêm ở đơn vị bầu cử đó.

Trong trường hợp bầu cử thêm thì ngày bầu cử được tiến hành chậm nhất là 15 ngày sau ngày bầu cử đầu tiên. Trong cuộc bầu cử thêm, cử tri chỉ chọn bầu trong danh sách những người ứng cử tại cuộc bầu cử đầu tiên nhưng không trúng cử. Người trúng cử là người được quá một nửa tổng số phiếu bầu hợp lệ và có số phiếu bầu cao hơn. Nếu bầu cử thêm mà vẫn chưa đủ số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử thì không tổ chức bầu cử thêm lần thứ hai.

Điều 80 quy định, trường hợp đơn vị bầu cử có số cử tri đi bỏ phiếu chưa đạt quá một nửa tổng số cử tri ghi trong danh sách cử tri thì Ban Bầu cử phải ghi rõ vào biên bản và báo cáo ngay cho UBBC chịu trách nhiệm tổ chức bầu cử đại biểu ở cấp đó.

Đối với bầu cử ĐBQH, UBBC ở tỉnh đề nghị Hội đồng Bầu cử Quốc gia xem xét, quyết định việc bầu cử lại ở đơn vị bầu cử có số cử tri đi bỏ phiếu chưa đạt quá một nửa tổng số cử tri ghi trong danh sách cử tri; đối với bầu cử đại biểu HĐND, UBBC chịu trách nhiệm tổ chức bầu cử đại biểu HĐND quyết định ngày bầu cử lại ở đơn vị bầu cử có số cử tri đi bỏ phiếu chưa đạt quá một nửa tổng số cử tri ghi trong danh sách cử tri sau khi đã báo cáo và được sự đồng ý của Hội đồng Bầu cử Quốc gia.

Trong trường hợp bầu cử lại thì ngày bầu cử được tiến hành chậm nhất là 15 ngày sau ngày bầu cử đầu tiên. Trong cuộc bầu cử lại, cử tri chỉ chọn bầu trong danh sách những người ứng cử tại cuộc bầu cử đầu tiên. Nếu bầu cử lại mà số cử tri đi bầu cử vẫn chưa đạt quá một nửa tổng số cử tri trong danh sách cử tri thì kết quả bầu cử lại được công nhận mà không tổ chức bầu cử lại lần thứ hai.

Về hủy bỏ kết quả bầu cử và quyết định bầu cử lại, Điều 81 quy định, Hội đồng Bầu cử Quốc gia tự mình hoặc theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, UBBC ở tỉnh hủy bỏ kết quả bầu cử ở khu vực bỏ phiếu, đơn vị bầu cử có vi phạm pháp luật nghiêm trọng và quyết định ngày bầu cử lại ở khu vực bỏ phiếu, đơn vị bầu cử đó.

Biên bản xác định kết quả bầu cử được gửi sau 7 ngày

Điều 83 quy định, sau khi nhận, kiểm tra biên bản xác định kết quả bầu cử ĐBQH của các Ban Bầu cử và giải quyết khiếu nại, tố cáo (nếu có), UBBC ở tỉnh lập biên bản xác định kết quả bầu cử ở địa phương. Biên bản xác định kết quả bầu cử ĐBQH ở tỉnh, TP trực thuộc Trung ương có đầy đủ các nội dung theo quy định.

Biên bản xác định kết quả bầu cử ĐBQH ở tỉnh, TP trực thuộc Trung ương được lập thành bốn bản, có chữ ký của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBBC. Biên bản được gửi đến Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh chậm nhất là 7 ngày sau ngày bầu cử.

Sau khi nhận, kiểm tra biên bản xác định kết quả bầu cử của các Ban Bầu cử, UBBC ở tỉnh và giải quyết khiếu nại, tố cáo (nếu có), Hội đồng Bầu cử Quốc gia lập biên bản tổng kết cuộc bầu cử ĐBQH trong cả nước. Biên bản tổng kết cuộc bầu cử ĐBQH có các nội dung theo quy định.

Biên bản tổng kết cuộc bầu cử ĐBQH được lập thành năm bản, có chữ ký của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia. Biên bản được gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và trình Quốc hội khóa mới.

Sau khi nhận, kiểm tra biên bản xác định kết quả bầu cử của các Ban Bầu cử và giải quyết khiếu nại, tố cáo (nếu có), UBBC lập biên bản tổng kết cuộc bầu cử đại biểu HĐND mà mình chịu trách nhiệm tổ chức.

Biên bản tổng kết cuộc bầu cử đại biểu HĐND được lập thành sáu bản, có chữ ký của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBBC. Biên bản tổng kết cuộc bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã được gửi đến HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp và cấp trên trực tiếp. Biên bản tổng kết cuộc bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh được gửi đến HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Điều 86 quy định, Hội đồng Bầu cử Quốc gia căn cứ vào biên bản tổng kết cuộc bầu cử trong cả nước công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử ĐBQH chậm nhất là 20 ngày sau ngày bầu cử; UBBC căn cứ vào biên bản tổng kết cuộc bầu cử công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu HĐND ở cấp mình chậm nhất là 10 ngày sau ngày bầu cử.

Khiếu nại về kết quả bầu cử ĐBQH phải được gửi đến Hội đồng Bầu cử Quốc gia chậm nhất là 5 ngày kể từ ngày công bố kết quả bầu cử ĐBQH; khiếu nại về kết quả bầu cử đại biểu HĐND phải được gửi đến UBBC chậm nhất là 5 ngày kể từ ngày công bố kết quả bầu cử đại biểu HĐND.

Hội đồng Bầu cử Quốc gia có trách nhiệm xem xét, giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử ĐBQH trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại.

UBBC có trách nhiệm xem xét, giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử đại biểu HĐND trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại.

Quyết định giải quyết khiếu nại của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, UBBC là quyết định cuối cùng.

B.B.Đ

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Phú Thọ: Cử tri phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường

Phú Thọ: Cử tri phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường

(Thanh tra) - Tại kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XIX, ngày 10/12, nhiều vấn đề được cử tri quan tâm liên quan đến chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở ngoài công lập; tình trạng kê thuốc không có đơn của bác sỹ; ô nhiễm môi trường... đã được các sở, ngành giải trình làm rõ tại hội trường.

Nam Dũng

21:51 10/12/2024

Tin mới nhất